/data/file/BN/BN.png

Trần Minh Hiếu - sinh viên trường ĐH Nông Lâm lần thứ 4 tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can với đề tài “Gia công chăm sóc hoa lan”. Bên cạnh đó, dự án "Mở trại nuôi rắn mối kết hợp với nuôi sâu superworm và dế" của Lê Vinh Thắng – sinh viên ĐH Nông Lam gây ấn tượng mạnh với BGK. 

DNSG- Ngày thi thứ năm Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can đã diễn ra khá căng thẳng với 10 thí sinh dự thi với các đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và thực phẩm.

2 thí sinh đầu tiên đạt giải
>
Ngày thi thứ 2: Nguyễn Lê Minh Triết vượt lên dẫn đầu
> Ngày thi thứ 3: Thí sinh ngành xã hội đạt điểm cao nhất
> Ngày thi thứ 4: Sinh viên ĐH Tân Tạo đạt điểm kỷ lục

Ban giám khảo (BGK) của ngày thi thứ 5 gồm GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, ông Nguyễn Trọng Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Đức Trung, bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Tin học HPT (buổi sáng) và bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên (buổi chiều).

Buổi thi sáng: 2 đề án đạt giải

5 thí sinh dự thi buổi sáng chụp ảnh lưu niệm cùng BGK

Hoàng Vân Anh - sinh viên năm 2 ĐH Đà Nẵng - thí sinh duy nhất đến từ các trường ĐH ở khu vực miền Trung. Dự án khởi nghiệp của Hoàng Vân Anh là "Tận dụng vỏ của các loại trái cây cam, chanh, bưởi từ các khu chợ, xí nghiệp chế biến nông phẩm, để chiết xuất ra tinh dầu nguyên chất, túi thơm".

Các giám khảo đánh giá cao khả năng diễn thuyết, ý tưởng và tham vọng của Hoàng Vân Anh, nhưng góp ý Vân Anh cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới hiện thực hóa được dự án của mình, vì chiết xuất tinh dầu là ngành công nghiệp kỹ thuật cao đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.


Giám khảo Duy Trinh khuyên Vân Anh phải tìm đối tác có chuyên môn tốt để làm người đồng hành thực hiện dự án. Từ Đà Nẵng vào TP.HCM dự thi, Vân Anh luôn có mẹ theo chăm sóc và cổ vũ.

Phụ huynh thí sinh Hoàng Vân Anh nhận xét về phần thi của con gái:


Trần Vân Anh - sinh viên khoa Quan hệ quốc tế trường ĐH KHXHNV giới thiệu dự án "Cửa hàng đồ cũ Mic". Dự định của Vân Anh là thu mua, tái chế và bán lại quần áo, sách cũ, đồ dùng làm bếp còn dùng được với giá rẻ, phục vụ đối tượng chính là sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Giám khảo Duy Trinh luôn quan tâm đến những vấn đề rất thực tế, bà lo ngại vấn đề nhân sự tình nguyện và miễn phí khó giúp đề án duy trì hoạt động lâu dài.

Trần Minh Hiếu - sinh viên trường ĐH Nông Lâm lần thứ 4 tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can với đề tài “Gia công chăm sóc hoa lan”. Thuyết phục BGK với phần kiến thức và kỹ năng chuyên môn rất tốt trong lĩnh vực trồng và sản xuất hoa lan, Hiếu đã có những sửa đổi, bổ sung để đề án kinh doanh vừa sức hơn và thuyết phục hơn. Từng thất bại ở mùa thi trước, Minh Hiếu đã rút ra được nhiều bài học quý giá từ góp ý của BGK và quyết định thử sức thêm một lần nữa ở kỳ thi năm nay. Hiếu cũng là một trong số ít thí sinh đã triển khai kinh doanh thành công trước khi mang đề án đến dự thi.

“Xây dựng trại nuôi gà theo hướng an toàn sinh học trong chăn nuôi, đầu tư xây dựng” là dự án của thí sinh Ngô Hoàng Khải - ĐH Cần Thơ. Trang trại gà ta Gia Phúc của Hoàng Khải sẽ được xây dựng tại quê nhà Đồng Tháp, tận dụng vườn nhãn của gia đình và các hộ xung quanh. Dự định trong tương lai của Khải là đóng gói gà thương phẩm với thương hiệu riêng và trực tiếp phân phối đến người tiêu dùng.

Giám khảo Võ Tòng Xuân góp ý Khải cần nắm rõ tiêu chuẩn VietGAP là thế nào, hệ thống giết mổ ra sao, nên đầu tư cho nhóm nhân sự là chuyên gia, vì chăn nuôi là ngành cần chuyên môn cao, nếu không rất dễ trắng tay.

Trương Thị Trang Như - cô gái Phú Yên có cá tính quyết liệt đến từ ĐH Nông Lâm TP.HCM đã mang lại không khí sôi động cho buổi thi với phần trình bày “máu lửa” đề án “Nuôi trùng quế phát triển theo hướng bền vững, làm tiền đề tận dụng phế phẩm nông nghiệp, “rơm rạ” để phát triển nghề trồng nấm rơm”. Trang Như có niềm tin rất lớn vào tính khả thi của đề tài mà mình tâm đắc. Giám khảo Duy Trinh góp ý, dù đề án có tính thực tiễn cao do Trang Như có chuyên môn giỏi nhưng phương án tài chính và kinh doanh còn lộn xộn. Giám khảo Võ Tòng Xuân cũng khuyên Trang Như nên quan tâm đến việc tạo dựng đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Kết quả: 2 thí sinh giành giải trong buổi sáng 30/8 là Trần Vân Anh -  sinh trường ĐH KHXHNV TP.HCM (41,9/50) và Trần Minh Hiếu - sinh viên trường ĐH Nông Lâm (40/50 điểm).

Buổi thi chiều - 3 thí sinh đạt giải

5 thí sinh thi buổi chiều chụp ảnh lưu niệm cùng BGK

Hồ Thị Bích Hằng - sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM dự thi với dự án "Kinh doanh cây cảnh nuôi trong nhà - kinh doanh chậu sáng tạo và các loại cây cảnh". Hằng tập trung bán hàng online, giao hàng tận nơi và dùng nhà riêng để chứa sản phẩm.

Giám khảo Tuyết Mai cho rằng ý tưởng chậu sáng tạo không mới và nhiều nơi đã làm, cũng rất dễ sao chép và bắt chước. Giám khảo này cũng e ngại là việc bán sản phẩm đồng giá với mức giá khá cao là 170.000 khó thuyết phục được khách hàng sinh viên. Giám khảo Trọng Quân cũng cho rằng mức giá này không có tính cạnh tranh và góp ý Hằng nên phát triển sản phẩm sao cho tiện lợi tối đa, gọn gàng và bắt mắt để phù hợp với môi trường văn phòng.

Nguyễn Đăng Hinh - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM đem đến cuộc thi đề án sản xuất và kinh doanh rau an toàn mang thương hiệu "Rau Đà Lạt". Hinh đã có phần nghiên cứu thị trường rất chu đáo, kỹ lưỡng. Giám khảo Trọng Quân cho rằng chi phí quảng cáo Hinh đưa ra không hợp lý vì quá thấp trong khi lại bao quát quá nhiều kênh. Đăng Hinh giải thích rằng số tiền 500.000 chỉ để sử dụng làm nghiên cứu thị trường, còn lại chỉ tận dụng các kênh miễn phí.

Các thí sinh dự thi nông nghiệp thường hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ phòng nông nghiệp tỉnh, huyện để đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP, nhưng các giám khảo khuyên rằng để đạt được chứng nhận này phải tốn kém rất nhiều chi phí tư vấn mà các thí sinh chưa tính đến. Dù đề án tài chính còn nhiều lỗ hổng, Giám khảo Tuyết Mai hứa sẽ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm rau Đà Lạt của Đăng Hinh nếu bạn nghiêm túc đầu tư và phát triển dự án trên mảnh đất của gia đình tại Đơn Dương, Lâm Đồng.

Phát hiện nhu cầu kinh doanh bánh cupcake và cookie tại các quán cà phê trên địa bàn TP.HCM, Trương Gia Huy - sinh viên ĐH Ngoại thương nảy ra ý tưởng sản xuất CookCake, loại bột chuyên dụng để làm bánh. Với số vốn ban đầu hơn 30 triệu, Gia Huy dự định kết hợp với 2 người bạn nữa chuyên về phát triển sản phẩm và quản lý quy trình sản xuất để đưa sản phẩm bột trộn sẵn ra thị trường.

Giám khảo Tuyết Mai cho rằng ý tưởng tốt nhưng bài toán kinh doanh chưa ổn, giá cả và chi phí đầu vào còn rất chủ quan. Vấn đề quan trọng nhất là nhân sự chuyên làm bánh phải có chuyên môn thật giỏi để tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm có trên thị trường. Giám khảo Võ Tòng Xuân đánh giá rằng nghề làm bánh không hề dễ dàng nên Gia Huy phải nắm rất vững kỹ thuật. Giám khảo Trọng Quân đánh giá Gia Huy trình bày tốt nhưng có nhiều vấn đề vì nếu không có người đồng hành am hiểu về lĩnh vực thực phẩm thì dự án sẽ khó thành hiện thực.

Dự án "Mở trại nuôi rắn mối kết hợp với nuôi sâu superworm và dế" của Lê Vinh Thắng – sinh viên ĐH Nông Lam gây ấn tượng mạnh với BGK. Tận dụng cơ sở vật chất của trường Nông Lâm và đội ngũ sinh viên làm việc bán thời gian, Thắng dự định sẽ nuôi các loại động vật “lạ” làm đồ nhắm cho các quán nhậu nằm trong khu vực quận Thủ Đức.

Hiện tại Vinh Thắng đã bắt đầu kinh doanh bằng cách mua lại các sản phẩm này của một trang trại ở Đồng Nai và bán lại cho các quán có nhu cầu. Đề án được đánh giá là có tính khả thi cao và có tiềm năng thị trường lớn vì thói quen nhậu rất phổ biến của người Việt Nam và có không ít người ưa thích các món ăn chế biến từ những con vật “lạ”.

 

Bùi Hữu Thuận – sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang muốn "Kinh doanh thức uống giải khát làm từ thanh long". Với dự án này Thuận mong muốn đặc sản quê hương có đầu ra tốt hơn để người nông dân cải thiện được đời sống kinh tế.

Giám khảo Trọng Quân gợi ý Thuận trong giai đoạn khởi nghiệp thay vì mở cửa hàng tốn kém chi phí thì nên tính đến phương án trở thành nhà cung cấp cho các quán ăn. Giám khảo Tuyết Mai góp ý Hữu Thuận nên nghiên cứu thêm những điểm mạnh của cây thanh long để chế biến thành nhiều món ăn phong phú khác nhau. Giám khảo Võ Tòng Xuân đánh giá đây là ý tưởng độc đáo khi Hữu Thuận đưa ra được các công thức mới, tận dụng đặc sản địa phương để giới thiệu những món ăn mới cho cộng đồng.

 

Giám khảo Võ Tòng Xuân nhắn nhủ các thí sinh: "Các em cần kiên trì, thắng không kiêu, bại không nản. Tham gia cuộc thi là cơ hội để các bạn trẻ đầy ắp ý tưởng gặp gỡ với các doanh nhân thành công để cùng trao đổi, bàn luận về các ý tưởng kinh doanh. Nhờ những ý tưởng kinh doanh táo bạo mà nền nông nghiệp nước nhà mới có sự phát triển vượt bậc".

Thí sinh chia sẻ ý kiến, cảm nghĩ về buổi thi:


Kết quả, 3 thí sinh đạt giải trong buổi thi chiều 30/8 là Lê Vinh Thắng (41,5/50), Trương Gia Huy (41/50), Bùi Đức Thuận (40,5/50).

Số lần xem trang: 2118
Điều chỉnh lần cuối: 11-03-2014

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : tám ba một không không

Xem trả lời của bạn !