/data/file/BN/BN.png

   

Ngày 9/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo “Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam”. Tham gia và chỉ đạo hội thảo có GS. TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT.

Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ phải đạt được sự chuyển biến sâu rộng trong hệ thống giáo dục đại học. Hiện nay, giáo dục đại học của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, Đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam 2006 – 2020 đã ra đời và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14 phê duyệt đề án này. Một trong những mục tiêu của đề án là phát triển các chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp – ứng dụng với quy mô mở rộng để đến năm 2020 có 70 – 80% sinh viên theo học các chương trình này.

Các chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp (POHE) đào tạo ra các nhà chuyên môn, những người ngay lập tức phát huy được mình trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Các chương trình đào tạo POHE đảm bảo được sự gắn kết giữa đào tạo sinh viên với công việc như bố trí việc làm và các bài luận tốt nghiệp cùng với nghiên cứu thực tiễn. Sự gắn kết với công việc cũng đạt được thông qua việc mời các diễn giả từ các doanh nghiệp, cũng như thông qua việc thuê các giảng viên – là những người cũng rất năng động trong các doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo POHE cũng tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp về việc xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo. Tính hiệu quả của cách tiếp cận POHE đã thể hiện bằng việc sinh viên tốt nghiệp thường nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, cùng đó, các nhà tuyển dụng cũng rất hài lòng về họ.

Dự án Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp (Profed) trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan, thực hiện chi tiết hơn hai mục tiêu của đề án Đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án Profed nỗ lực nâng cao các lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo, trong đó sự thích ứng với thị trường lao động có vai trò trọng tâm. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mang tính đột phá về đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ GD-ĐT. Từ năm 2005, tám trường đại học của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Hà Lan đã xây dựng các chương trình đào tạo POHE mới thuộc các chuyên ngành như du lịch và khách sạn, sư phạm, nông lâm, kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện tử và công nghệ thông tin. Trừ một chương trình đào tạo, tất cả các chương trình đào tạo POHE mới đã bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh năm 2007 (một chương trình đào tạo đã bắt đầu từ năm 2006).

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TSKH Bành Tiến Long nhấn mạnh: “Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ là phải đạt được sự chuyển biến trong hệ thống giáo dục đại học. Với 85 triệu dân, thì chúng ta có khoảng 30% trong số đó dưới 15 tuổi. Mức độ tăng trưởng bình quân về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm qua đạt 7,5%. Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng mức thu nhập bình quân trên đầu người của chúng ta vào năm 2005 chỉ vào mức 620 USD, và chỉ có 13% số người trong nhóm tuổi phù hợp theo học đại học... Trong thời gian tới, giáo dục đại học sẽ có những đóng góp quan trọng vào việc đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho các ngành nghề để góp phần tăng trưởng kinh tế”.

Sau ba năm thực hiện thành công dự án Profed, các dấu hiệu đầu tiên về sự chuyển giao khái niệm và cách tiếp cận POHE cho các chương trình đào tạo khác trong phạm vi tám trường đại học thí điểm đang ngày càng trở nên rõ nét. Khái niệm POHE đã trở thành hiện thực tại Việt Nam. Chương trình đào tạo mới và khái niệm POHE đã đánh thức nhiều kỳ vọng. Bộ GD-ĐT đang rất quan tâm đến việc thay đổi hệ thống giáo dục đại học nhằm có thêm nhiều chương trình POHE. Tuy nhiên, trong hội thảo có nhiều câu hỏi về khái niệm, phương pháp cũng như cách tiếp cận POHE được xây dựng tại các trường đại học thí điểm hiện nay vẫn thực sự chưa rõ ràng. Cùng đó cũng có thắc mắc là phải chuyển giao những gì và chuyển giao như thế nào các kinh nghiệm tại tám trường đại học thí điểm sang các chương trình đào tạo khác của Việt Nam.

Ông Arjan Koeslag, cố vấn trưởng dự án Giáo dục đại học Việt Nam – Hà Lan cho biết: “Tôi đã từng đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám và thấy ở đó có những bài học về thầy và trò. Thời xưa, thầy thường yêu cầu học trò đi bẩy bước làm thơ. Sau đó lại hỏi vì sao chọn đề tài đó. Như thế, từ nghìn năm trước Việt Nam đã lấy việc tự học làm trung tâm, nhằm nâng cao tính sáng tạo cho người học. POHE cũng vậy, cũng hướng dẫn cho sinh viên biết cách làm việc độc lập. Sinh viên muốn học theo một môi trường thực tế, muốn hiểu rõ vấn đề, chúng tôi cho họ môi trường như vậy. Hơn nữa, chúng tôi còn hướng dẫn giảng viên cách làm việc với sinh viên, với các công ty ở bên ngoài. Theo tôi, khó khăn lớn nhất của giáo dục đại học Việt Nam là các trường phải tự mở cửa. Chúng ta phải đặt ra một câu hỏi là sinh viên khi ra trường làm được những gì, và các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm về những sinh viên đó. Chịu trách nhiệm về việc sinh viên đó có tìm kiếm được công việc thích hợp không. Về chất lượng giáo viên, họ ít có kỹ năng giảng bài cho sinh viên. Còn sinh viên phải tích cực tiếp nhận cách đào tạo mới, nếu không quen, cũng rất khó khăn, bởi khi học phổ thông cách đào tạo hoàn toàn khác”.

PGS. TS Trần Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Nông - Lâm Huế cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được hoàn chỉnh khung chương trình đào tạo cho ngành khoa học cây trồng theo đúng yêu cầu, đã hoàn thành cơ bản tài liệu giảng dạy (35 bài giảng đã nghiệm thu). Nhiều tài liệu tham khảo mới và trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy đã được mua sắm đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, do đây là phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng khung chương trình nên chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm, và để cho toàn bộ giáo viên nhận thức đầy đủ, rõ ràng quá trình xây dựng và thực hiện chương trình cũng cần thời gian”.

Trong hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long cũng nhấn mạnh: “Giảng viên có vai trò then chốt trong việc thực hiện tốt giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp. Từ trước đến nay, giáo dục đại học của Việt Nam là một hệ thống đào tạo khá tập trung, chú trọng đến các cách thức giảng dạy và đánh giá sinh viên một cách truyền thống (điển hình là các kỳ thi quốc gia hàng năm)”. Thứ trưởng Bành Tiến Long đưa ra ba chính sách giúp tạo nền tảng thích hợp và đưa ra các phương hướng phù hợp cho công cuộc cải cách giáo dục, và phát triển hơn nữa khái niệm POHE là: Phát triển chuyên môn cho giảng viên; Chú trọng đến chất lượng và tiêu chuẩn thay bằng việc chạy theo số lượng và bỏ qua các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng; Cơ cấu lại công tác quản lý (quản lý tài chính).

Trần Nhật

Báo Giáo Dục và Thời Đại

Số lần xem trang: 2119
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : năm không sáu bốn một

Xem trả lời của bạn !