/data/file/BN/BN.png

TTCT - Tôi rất hoan nghênh hội thảo mà Trường Hoa Sen tổ chức, đặt vấn đề phải chăng cách xưng hô giữa thầy và trò trong trường ĐH chúng ta là một rào cản trong việc sinh viên phát triển tư duy phản biện và bày tỏ quan niệm của mình (TTCT số 34-08). Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng nên quy định cách xưng hô trong trường ĐH.

>> “Tôi” hay “em”? 
>> Từ cách xưng hô

Vì như vậy, vô tình chúng ta quyết định thay cho sinh viên và mâu thuẫn với ý định ban đầu là “tạo ra được những con người dám lựa chọn và dám sống với lựa chọn”, việc sinh viên sẽ độc lập trong suy nghĩ, học tập và hành động tại trường và trong tương lai.

Tôi muốn lấy một ví dụ của chính mình. Việc đầu tiên của tôi khi bắt đầu vào học tại một trường ĐH ở Mỹ là viết email cho giáo sư hướng dẫn xin gặp để trao đổi về việc học của mình. Tôi bắt đầu bằng: “Thưa giáo sư David Bell...”. Khi gặp tôi, thầy hỏi tại sao lại viết như vậy và cho biết các sinh viên khác chỉ viết “Chào Dave...” (Hi Dave). Tôi giải thích có lẽ do tôi chưa hiểu văn hóa nước Mỹ lắm, vì ở nước mình tôi đã quen xưng hô với thầy giáo một cách kính cẩn lễ phép. Thầy nói nếu thấy đó là văn hóa của mình và thấy khó khăn khi thay đổi cách xưng hô, em cứ giữ nguyên cũng được. Tuy nhiên với thầy thì “Hi Dave” là chuyện bình thường, thậm chí dễ chịu.

Tất nhiên sau đó tôi đã nhanh chóng thay đổi, cũng “Hi Dave”, cũng thích nghi với rất nhiều điều khác trong giáo dục và cuộc sống ở Mỹ. Điều muốn nói trong ví dụ này là chính cách thầy giáo cho tôi lựa chọn cách xưng hô sau khi tìm hiểu lý do. Thầy lắng nghe tôi, tôn trọng tôi và văn hóa đất nước tôi, để cho chính sinh viên lựa chọn cách ứng xử, bày tỏ và được giữ quan điểm riêng... sau khi đã được cung cấp những thông tin hay những quy định cần thiết. Nguyên tắc đó được thể hiện trong mọi mặt của giáo dục và cuộc sống ở các ĐH Mỹ.

...đến ranh giới giữa văn hóa và triết lý đào tạo

Giống như trong xưng hô, rất dễ lẫn lộn giữa biểu hiện và cơ chế, triết lý đào tạo và văn hóa.

Tôi mất khá lâu để có thể quen với hình ảnh của một lớp học Mỹ: sinh viên đội mũ ngược, ngồi gác chân lên ghế, ăn uống trong lớp học, ra khỏi lớp không cần xin phép. Vào đầu năm học, các sinh viên đăng ký học thử một số lớp, nếu thấy không thích họ có thể bỏ lớp đó mà không ngại mất lòng thầy cô. Họ thản nhiên nói: “I am shopping” (nghĩa là đang lựa lớp, chưa chắc đã học lớp này).

Rất khó để biết những biểu hiện này xuất phát từ cơ chế đào tạo cạnh tranh và triết lý giáo dục của họ hay do văn hóa. Ranh giới đó rất mong manh. Và có thể chính triết lý đó đã tạo ra biểu hiện văn hóa đó.

Triết lý giáo dục của họ tôn trọng quan điểm riêng và tư duy phản biện, vì vậy sinh viên được tạo điều kiện hết mức để bày tỏ và tranh luận. Lớp học luôn là một cuộc đối thoại giữa thầy cô và sinh viên, giữa sinh viên với nhau. Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm, miễn là có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể. Hệ thống đánh giá trong giáo dục thể hiện rõ nhất triết lý giáo dục này: càng tích cực bày tỏ quan điểm và tranh luận, càng được điểm cao. Càng đưa ra nhiều cái mới, càng phản biện, tranh luận, thậm chí thách thức cả quan điểm của các học giả lớn, càng được khen ngợi.

Ngoài ra, cơ chế giáo dục của ĐH Mỹ mang tính cạnh tranh và điều chỉnh cao. Ngoài một số môn cơ bản bắt buộc, sinh viên được lựa chọn lớp học và trong những môn bắt buộc này lại có thể chọn giảng viên này hay giảng viên kia. Vì vậy giảng viên luôn ở tư thế cạnh tranh cao, luôn tăng cường chuyên môn, nghiên cứu và thay đổi phương pháp giảng dạy tốt để thu hút sinh viên. Uy tín của họ tùy thuộc rất nhiều vào đánh giá và chọn lựa của sinh viên. Cuối các khóa học, sinh viên được yêu cầu đánh giá lớp học và giảng viên. Tất nhiên là được nhiều sinh viên chọn học thì khoa/trường thu nhiều tiền hơn và thu nhập của giáo viên cũng tùy thuộc vào yếu tố này.

Nhưng có nhiều điều đã chạm tới giới hạn văn hóa. Tôi có thể quen với không khí lớp học ồn ào, tranh cãi gay gắt, có thể mang thức ăn vào lớp vừa học vừa ăn uống, tôi dám phản biện cả những học giả và giáo sư có uy tín... nhưng tôi không thể vừa nhai nhồm nhoàm thức ăn vừa phát biểu. Tôi cũng không chấp nhận được việc có lần tất cả sinh viên đều có ghế ngồi, riêng thầy thì không và không ai quan tâm, áy náy gì đến điều đó cả. Tôi đã tất bật tìm ghế cho thầy không có, tôi năn nỉ thầy ngồi ghế của mình nhưng thầy từ chối. Quán tính văn hóa ăn sâu khiến có vài điều tôi không thể chấp nhận được như thế, cho dù ở vị trí một sinh viên, chưa nói đến vị trí người thầy.

Vì thế, tôi hiểu rằng thay đổi tư duy ở ĐH tại VN là một thách thức lớn, một thay đổi đau đớn, vì động chạm mạnh đến cơ chế, con người và văn hóa.

Một thách thức lớn và dài lâu

Không thể có thay đổi tư duy nếu không có cơ chế cho thay đổi đó. Chúng ta không thể hô hào sinh viên sáng tạo và độc lập nếu hệ thống đánh giá không đề cao những tính chất này. Không thể có những con người biết tự định hướng nếu họ không được quyền quyết định và góp ý về vấn đề học gì và học như thế nào.

Nếu có điều kiện, cơ chế có thể được thiết lập và thay đổi chỉ trong một ngày, nhưng con người và văn hóa thì không dễ như thế. Nhất là về phía giáo viên và nhà quản lý giáo dục.

Một giáo viên thuộc loại cấp tiến được tập huấn để giảng dạy một chương trình ngoại khóa về sức khỏe, với phương pháp lấy người học làm trung tâm. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của phương pháp này là phải hỏi xem người học đã biết gì rồi về nội dung đó, để trên cơ sở này thảo luận về những gì họ đã biết và chỉ cung cấp những kiến thức mà người học chưa biết. Giáo viên rất hứng thú với phương pháp mới, rất hiểu và quyết tâm thay đổi.

Thế nhưng nhiều lần khi đứng lớp, chị vẫn quên không hỏi xem người học đã biết gì rồi mà thao thao giảng luôn. Chị thú nhận đúng là mấy chục năm nay mình không làm vậy, xưa nay cứ dạy là nói thao thao quen rồi, có hỏi cũng hỏi về cái mình đã nói thôi nên thói quen cứ dẫn mình đi như vậy. Chỉ là một thay đổi tưởng nhỏ và dễ là hãy bắt đầu bằng một câu hỏi để hiểu biết về người học và tôn trọng họ mà đã khó vậy, những thay đổi lớn hơn sẽ khó thế nào?

Liệu thói quen đó có dễ dàng thay đổi không, liệu các giảng viên có chấp nhận vị trí phải tự tiếp thị bản thân, bị đánh giá và thải loại từ chính học trò mình? Chúng ta dám chắc những thói quen và quán tính đã quá ăn sâu như ban phát kiến thức, suy nghĩ và quyết định thay cho người khác sẽ không quay trở lại và trì kéo quá trình thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất?

Thay đổi tư duy trong giáo dục ĐH là chặng đường khó khăn và không thể có kết quả một sớm một chiều. Vậy phải bắt đầu ngay, vì có thể nói là đã muộn. 

 

Cách xưng hô không quan trọng

Tôi bắt đầu dạy môn công tác xã hội vào năm 1956. Lúc đó các sinh viên chỉ kém tôi 7-8 tuổi. Khi họ tốt nghiệp, trở thành đồng nghiệp thì thống nhất gọi nhau bằng chị em. Năm 1992, tôi trở lại đại học, khi đợt sinh viên đầu tiên tốt nghiệp tôi đã 65 tuổi, xưng hô chị em hơi ngượng nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến sự bình đẳng trong tình đồng nghiệp. Vừa rồi một nhóm cựu sinh viên thuộc ba thế hệ khác nhau tới thăm tôi. Một bạn trẻ mới du học về hơi xúc động và xưng con với tôi. Một đàn chị thuộc thế hệ trước nhắc ngay: “Nhân viên xã hội mình không xưng con”.

Khoảng cách về tuổi tác không hề cản trở sự phát biểu ý kiến riêng hay thậm chí phản biện. Bởi lẽ trong giáo dục chủ động mà các sinh viên của tôi đã trải nghiệm từ nhiều chục năm nay, sự tham gia là bắt buộc và sự phản biện được khuyến khích. Nửa thế kỷ trước khi tôi học ở Mỹ, điểm tham gia chiếm 30% điểm cuối năm. Lớp học không chỉ cần sự hiện diện bắt buộc mà cả sự tranh luận.

Ngoài triết lý và phương pháp giáo dục, thái độ của người thầy rất quan trọng. Cùng một đại học, hai giáo sư của tôi cùng là tiến sĩ lại có phản ứng khác nhau. Một người thì không chỉ khuyến khích chúng tôi góp nhiều ý kiến mà còn thưởng cho những ý kiến lạ. Người thứ hai có vẻ “chịu đựng” khi chúng tôi hỏi, có khi còn đổ quạu nếu chúng tôi hỏi nhiều quá.

Chấp nhận ý kiến khác lạ là một thái độ phải được rèn luyện và không dễ dàng với người thầy là sản phẩm của giáo dục áp đặt. Do đó, khi học trò xưng tôi mà người thầy có tư tưởng độc đoán cũng khó thay đổi. Còn người thầy của giáo dục chủ động thì vẫn dân chủ cho dù người học xưng em hay cả xưng con!

Nguyễn Thị Oanh 

ThS TRẦN THỊ THANH HƯƠNG

Số lần xem trang: 2149
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu tám chín ba sáu

Xem trả lời của bạn !