/data/file/BN/BN.png

Doanh nghiệp cần có ngân sách dành cho đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho sinh viên thực tập. Sinh viên cần tăng cường kỹ năng, hoạt động xã hội

“Bấy lâu nay, các doanh nghiệp (DN) và trường học nói nhiều đến sự liên kết để cung ứng nhân lực. Nhưng làm thế nào để mô hình liên kết hiệu quả thì rất ít DN chú trọng. Việc tạo ra mối quan hệ theo kiểu đặt hàng giữa nhà trường và DN là tốt nhưng thực tế cung- cầu nhân lực vẫn chưa gặp nhau”. Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft, phát biểu như vậy tại hội thảo “Tìm giải pháp cho sự liên kết giữa nhà trường, DN và sinh viên” do Trường ĐH Bách khoa TPHCM tổ chức mới đây.

Đào tạo theo đơn đặt hàng: Khó thực hiện

Hiện nay, khi tuyển dụng sinh viên, các DN cho rằng 80% trong số đó phải đào tạo lại mới sử dụng được. Điều này không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Để khắc phục tình trạng đào tạo không đáp ứng nhu cầu, nhiều chương trình được đưa ra như đào tạo theo yêu cầu, theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ... Thế nhưng, theo ông Ngô Văn Toàn: “Nếu nhà trường đào tạo sinh viên chỉ để phục vụ cho một vài DN, liệu đó có phải là giải pháp căn cơ? Nếu như thế thì nền giáo dục của chúng ta sẽ luôn trong tình trạng chắp vá. Ở các nước đang phát triển hay ngay cả ở Mỹ cũng không đào tạo sinh viên ra trường làm việc được ngay. Cái quan trọng là sinh viên có kiến thức nền thế nào để tiếp cận công việc chuyên môn cho phù hợp”.

Cùng quan điểm này, TS Phạm Tường Hải, cố vấn Ban Kỹ thuật thiết kế Công ty TNHH Thiết kế Renesas VN, cho rằng: “Nguồn nhân lực là bài toán của ba chủ thể: sinh viên, nhà trường và DN. Mỗi chủ thể có một vị trí, vai trò và một lập trường lợi ích riêng. Theo tôi, bài toán trên chỉ có thể giải quyết một cách trọn vẹn nếu mỗi chủ thể hiểu rõ hai chủ thể còn lại và thực hiện vai trò của mình đúng, phù hợp với lợi ích của các chủ thể còn lại”.

Đừng đặt kinh nghiệm khi tuyển dụng

Nhiều đại biểu dự hội thảo thừa nhận để có nguồn nhân lực đạt yêu cầu và phù hợp, các DN cần thay đổi nhận thức, hành động trong tuyển dụng và có cái nhìn khác về sinh viên. Nhiều ý kiến cho rằng không thể cứ kêu ca, đổ thừa mãi. Nói nhiều rồi, giờ đến lúc phải làm. Các DN nên xem việc đào tạo bổ sung tay nghề cho sinh viên là tất yếu nếu muốn có nguồn nhân lực phù hợp. Do đó, DN cần có ngân sách dành cho đào tạo. Và khi tuyển dụng, đừng đặt kinh nghiệm đối với sinh viên mà nên chú trọng đến kiến thức nền, kỹ năng tốt. Có như thế, sinh viên mới nắm bắt cơ hội đào tạo từ DN một cách nhanh chóng.

Ông Phạm Tường Hải nhấn mạnh: “Cần làm rõ quan hệ giữa người lao động với DN là quan hệ hợp tác. Bởi trong công ty, từ tổng giám đốc, giám đốc các bộ phận đến kỹ sư, nhân viên hành chính... đều là người “làm thuê”. Mỗi người đều có một công việc cụ thể và có trách nhiệm hoàn thành công việc. Với đặc trưng trên, trong tuyển dụng, chúng tôi kỳ vọng tìm thấy người cộng sự với mình hơn là người làm việc cho mình”.

Nâng cấp từ ba phía

Ông Từ Diệp Công Thành, Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM, thừa nhận: Dù có đầu tư thế nào đi nữa, phòng thí nghiệm ở các trường ĐH cũng chỉ dừng lại ở mức độ cải thiện các kỹ năng thực hành trên các hệ thống mới và kiến thức thực tế. Để giải quyết tốt thực trạng kỹ sư thiếu kỹ năng thực tế, việc nối dài phòng thí nghiệm nhà trường đến DN là một yêu cầu cấp thiết, cần có sự tham gia của DN.

Bên cạnh sự hợp tác giữa nhà trường và DN, một nhân tố không thể thiếu góp phần nâng cao chất lượng kỹ sư mới ra trường chính là sinh viên. Sinh viên cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, những kỹ năng cho phù hợp với xu hướng thị trường. Các ý kiến đều cho rằng ngoài kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần trang bị kỹ năng mềm, tiếng Anh và vi tính. Bên cạnh đó, sinh viên cần tham gia các hoạt động xã hội để tăng cường kỹ năng làm việc đội nhóm.

Bà Vũ Bảo Dung, Trưởng Phòng Phát triển Công ty Unilever VN, nói: "Để có nguồn nhân lực phù hợp, mỗi DN cần có chương trình hỗ trợ cho các trường từ thiết bị thực tập, học bổng đến cơ hội thực tập dành cho sinh viên. Có như thế, sinh viên mới nâng cao tay nghề, theo kịp xu hướng thị trường, đáp ứng được yêu cầu của DN".

Tổ chức hội thảo “Đào tạo – sử dụng nhân lực trình độ cao”

Cùng với diễn đàn này, ngày 29-10, tại TPHCM, Trung tâm Giáo dục FideS (do Tổ hợp Giáo dục và Đào tạo Stellar Management và Tập đoàn Fideco hợp tác thành lập) phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về giáo dục - đào tạo ĐH và nhu cầu nhân lực trình độ cao của DN VN. Dự kiến hội thảo thu hút khoảng 200 nhà quản lý đào tạo đến từ các tổ chức giáo dục, trường ĐH trong và ngoài nước, các nhà quản lý DN.

D.Quốc

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Số lần xem trang: 2122
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : hai ba không bốn

Xem trả lời của bạn !