/data/file/BN/BN.png

Đi thực tập năm cuối không chỉ để làm luận văn tốt nghiệp mà còn để kiếm một chỗ làm, chính vì vậy nhiều sinh viên (SV) đang rất lo lắng để tìm được nơi thực tập thích hợp.

Săn sinh viên giỏi qua kỳ thực tập

Đi thực tập năm cuối không chỉ để làm luận văn tốt nghiệp mà còn để kiếm một chỗ làm, chính vì vậy nhiều sinh viên (SV) đang rất lo lắng để tìm được nơi thực tập thích hợp.

Tìm một chỗ thực tập tốt luôn là nỗi âu lo của sinh viên năm cuối (ảnh chụp tại Ngày hội nghề nghiệp SV Đại học Quốc gia TP.HCM 29-11-2008) - Ảnh: V.T.B (Tuổi Trẻ).
Mặc dù tháng 2 và 3/2009 mới đến kỳ thực tập, nhưng việc chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ giúp SV và doanh nghiệp (DN) chủ động, mang lại lợi ích cho cả hai bên...

Sát hạch cẩn thận

Ngày 29/11, 297 SV Khoa kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và một số trường khác đã thi tuyển để được nhận vào thực tập ở Tập đoàn Hoa Sen. Dự kiến, trong đợt tuyển dụng này, tập đoàn sẽ nhận khoảng 50 SV, với số lượng chi tiết cho từng lĩnh vực thực tập cụ thể.

SV sẽ làm các bài test về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, cảm xúc công việc, kế hoạch trong tương lai... Sau đó những ai vượt qua vòng test sẽ được phỏng vấn trực tiếp.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, luật, Hoa Sen sẽ tuyển SV thực tập từ các trường kỹ thuật như Đại học Bách khoa, Đại học Kỹ thuật Cao Thắng.

Trong khi đó, không tổ chức thi tuyển nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn yêu cầu SV thực tập phải có số điểm trung bình 6,5 trở lên, riêng môn chuyên ngành phải đạt khá trở lên và không được nợ quá hai môn (không phải là môn chuyên ngành).

SV sẽ được thực tập tại các bộ phận phát triển mạng lưới/sản phẩm, kế toán, hành chính quản trị, trung tâm thanh toán... SV thực tập từ tháng 2 đến 4/2009.

Các công ty nước ngoài như Dutch Lady Việt Nam, Nestlé, Kimberly Clark... cũng đòi hỏi SV thực tập phải có điểm trung bình từ 6,5 hoặc 7,0 trở lên...

“Nét mới của năm nay là ngày càng nhiều trường chuẩn bị cho SV thực tập ngay từ học kỳ I” - Hoàng Tùng, SV năm 4, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết. Các trung tâm hỗ trợ SV của Đại học Bách khoa TP.HCM, Khoa kinh tế - luật ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Hiến... đã tiếp xúc với các doanh nghiệp từ đầu năm học 2008 - 2009 để tìm kiếm cơ hội thực tập cho SV.

Kỳ thực tập tốt nghiệp của SV Đại học Bách khoa TP.HCM thường chỉ kéo dài trong tám tuần, từ tháng sáu hằng năm, việc chuẩn bị sớm dù thời gian thực tập tuy ngắn nhưng sẽ vẫn hiệu quả. Chính vì vậy cuối năm 2008 đã có rất nhiều “đơn đặt hàng” đổ về các trường.

Và điều hiếm thấy trước đây nay đã xảy ra: thay vì SV phải chạy vạy khắp nơi tìm chỗ thực tập thì doanh nghiệp lại đến tận trường chào đón SV.

Cơ hội chứng tỏ cho những... SV điểm thấp

Năm 2008, Tập đoàn Hoa Sen đã nhận vào làm chính thức 11 người từ số 40 SV thực tập trước đó. “Công ty đang mở rộng sản xuất và cần rất nhiều người bổ sung cho các bộ phận kinh doanh, đặc biệt là nhân lực nguồn cho các vị trí quản lý sau này. Vì vậy, chúng tôi rất chú trọng đến việc tổ chức thực tập cho SV” - bà Lý Ngọc Hạnh, giám đốc nhân sự của Hoa Sen, cho biết.

Vì mục đích tuyển dụng lâu dài nên các doanh nghiệp đều tạo điều kiện cho SV thực tập một cách tối đa, thậm chí làm việc thật sự như một nhân viên công ty. Qua đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra năng lực từng ứng viên.

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp không yêu cầu SV phải có điểm khá trở lên. Có những người điểm trung bình học kỳ chỉ ở mức... trung bình nhưng vẫn được nhận vào thực tập.

Ông Nguyễn Tử Anh, trưởng bộ phận đào tạo và phát triển nhân lực của Hoa Sen, kể lại: “Có những SV đến gặp chúng tôi và chứng minh được năng lực qua kỳ thực tập. Qua phỏng vấn, chúng tôi đã tiếp nhận những SV này và hiện giờ họ trở thành nhân viên chính thức của công ty”.

“Ngoài một số kênh gửi SV thực tập do mối quan hệ của các thầy cô và doanh nghiệp, hiện nay nhiều công ty lớn muốn “săn” SV giỏi qua các kỳ thực tập. Đối với một số công ty, yêu cầu về điểm số không phải là quan trọng nhất, mà SV phải chứng tỏ được khả năng qua các bài test và phỏng vấn. Khi chứng tỏ được mình qua kỳ thực tập SV đó sẽ được tuyển dụng” - anh Trần Tấn Phúc, giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết.

Ở đây không có những kiểu thực tập dạng cưỡi ngựa xem hoa cho xong để làm luận văn tốt nghiệp, mà SV thật sự bước vào một cuộc thử thách để cả họ và doanh nghiệp đều có lợi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Luân, trưởng Khoa kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: “Chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các hoạt động liên kết với doanh nghiệp để có thể giúp SV tiếp cận thực tiễn, hoàn thiện khả năng của mình nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các nhà tuyển dụng. Đồng thời qua đây chúng tôi có thể bổ sung và điều chỉnh chương trình đào tạo sát với thực tiễn xã hội hơn”.

Theo Vũ Thanh Bình
Tuổi Trẻ

Số lần xem trang: 2147
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : tám một chín bảy tám

Xem trả lời của bạn !