/data/file/BN/BN.png

(HNM) - Theo chương trình đổi mới giáo dục đại học đến năm 2010 Việt Nam sẽ hoàn thành mô hình đào tạo tín chỉ. Học tín chỉ, sinh viên không bị giới hạn thời gian học tập mà có thể phân tán và đăng ký hoàn thành các môn học theo từng hoàn cảnh, nhu cầu học tập.

 

Đây chính là điểm khó khăn nhất cho việc duy trì công tác Đoàn, Hội Sinh viên trong các trường ĐH, CĐ. Lối đi nào cho Đoàn, Hội trong đào tạo tín chỉ là câu hỏi đang đặt ra đối với tuổi trẻ Thủ đô.

 

Tìm mô hình phù hợp

 

Từ cuối năm 2007 đến nay đã có tới 3 hội thảo chuyên đề được Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức nhằm tìm ra lối đi cho hoạt động Đoàn, Hội trong phương thức đào tạo mới này.

 

Hình thức đào tạo tín chỉ tạo điều kiện cho sinh viên chủ động rút ngắn thời gian học tập, học nhiều ngành cùng lúc, hoặc nghỉ học tạm thời rồi sau đó quay lại học tiếp cho đủ số tín chỉ theo yêu cầu. Hình thức đăng ký môn học tự do trong đào tạo tín chỉ khiến mô hình sinh hoạt chi đoàn, Hội Sinh viên vốn được ràng buộc theo lớp học truyền thống bị xáo trộn mạnh vì số lượng sinh viên thay đổi nhanh khi tham gia các môn học khác nhau theo yêu cầu riêng. Thêm vào đó, nhịp sống hiện đại ngày nay phân chia quĩ thời gian của mỗi cá nhân sinh viên thành các nhu cầu về không gian, thời gian khác nhau và những điều này dễ dẫn đến tâm lý coi sinh hoạt Đoàn, Hội là nhàm chán, kém thu hút nếu vẫn duy trì phương thức sinh hoạt nặng về tập trung gò bó, nội dung trùng lặp theo kiểu cũ. Vấn đề ở chỗ cần một mô hình phù hợp cho hoạt động của Đoàn, Hội trong đào tạo tín chỉ.

 

...và cơ chế hoạt động phù hợp

 

Với đào tạo tín chỉ, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên phải thay đổi phương thức, cơ chế hoạt động phù hợp, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, internet vào quản lý sinh viên và điều hành các hoạt động tập thể.

 

Hội Sinh viên phát triển những hình thức hoạt động đa dạng như tổ chức, hướng dẫn sinh hoạt thông qua các CLB chi hội ngành học, CLB kỹ năng học tập, CLB các kỹ năng liên quan tới cuộc sống, phong trào tình nguyện... Cơ chế hoạt động mở dựa trên sự lựa chọn chủ động của sinh viên là phù hợp. Nhìn từ góc độ này, Hội Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đang nổi lên như một đơn vị hình mẫu. Trường hiện có gần 30 CLB sinh viên chuyên ngành, sở thích, kỹ năng sống... và thu hút một lượng đông đảo sinh viên trong và ngoài trường tham dự. Việc thu hút sinh viên tham gia sinh hoạt tại các CLB, chi hội môn, ngành học có thể trở thành một đầu mối để Đoàn, Hội đánh giá năng lực sáng tạo, năng lực phấn đấu của sinh viên, từ đó cùng với kết quả học tập có thể phát hiện sinh viên ưu tú.

 

Đào tạo theo hình thức tín chỉ  khó có thể tập hợp được đầy đủ số lượng sinh viên khi cần tổ chức sinh hoạt. Vì vậy việc phát triển các phòng sinh hoạt tập thể thông qua internet, qua các diễn đàn, các nhóm thảo luận CLB trên trang web của Hội cũng là một kênh thu hút sinh viên tham gia. Tùy theo từng ngành nghề đào tạo, Đoàn, Hội có thể xây dựng các nội dung sinh hoạt phù hợp. Ví dụ, với sinh viên ngành du lịch, mỗi tháng có thể tổ chức các buổi tham quan điểm du lịch, di tích lịch sử và lồng ghép nội dung chuyến đi thành buổi sinh hoạt Đoàn, Hội; hoặc với sinh viên ngành kiến trúc, Đoàn, Hội có thể đứng ra tổ chức các chuyến tham quan, hội thảo tiếp cận những công trình chuyên ngành, từ đó lồng ghép, định hướng sự đóng góp của thế hệ trẻ vào việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội và hướng tới những giá trị sống cao đẹp…

 

Thế hệ sinh viên ngày nay đang trưởng thành trong bối cảnh nền kinh tế xã hội của đất nước phát triển và thay đổi mạnh mẽ, nếu hình thức đào tạo thay đổi, thì hoạt động Đoàn, Hội cũng phải nhanh chóng thay đổi phù hợp theo hướng chú trọng hơn đến nhu cầu đời sống, học tập và phát triển kỹ năng cá nhân của sinh viên, nếu không sức thu hút của tổ chức sẽ giảm dần.

 

Việt Khánh

Số lần xem trang: 2120
Điều chỉnh lần cuối: 16-12-2008

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : tám bốn không chín không

Xem trả lời của bạn !