/data/file/BN/BN.png

 

Học phí và nguồn lực tài chính

 

Th.S Trần Đình Lý

 

Vấn đề học phí, một lần nữa, lại được đưa lên bàn nghị sự. Đây là vấn đề của dân, do dân và vì dân. Dân đang bàn, dân sẽ làm và dân sẽ kiểm tra. Quả là có rất nhiều quan điểm, thậm chí trái ngược nhau về vần đề đại sự và nhạy cảm này. Tôi có trao đổi với một nhà quản lý giáo dục rất am hiểu về nền giáo dục của các nước phát triển, các nước đi trước chúng ta rất nhiều. Một câu nói vui đầu tiên của ông là: “Việt Nam chúng ta có lợi thế rất lớn là...đi sau rất nhiều nước phát triển, do đó, cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tinh hoa người ta rất lớn. Khi mà còn nhiều quan điểm khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao thì nên...đối chiếu với các nước để “soi” lại mình. Thực tế cho thấy, cũng có nhiều trường đại học ở các nước trong khu vực với mức chi phí đào tạo/1 SV/1 năm rất lớn, lớn hơn đại học VN rất nhiều, nhưng chất lượng đào tạo chưa chắc đã hơn một số trường đại học của Việt Nam.

Chúng ta dễ nhận thấy rằng, đặc điểm của giáo dục đại học Việt Nam là với tỉ lệ dưới 15% thanh niên trong độ tuổi vào đại học, giáo dục đại học về cơ bản vẫn là nền giáo dục cho số ít; và, với hai nguồn lực vận hành chủ yếu là ngân sách nhà nước (NSNN) và/ hoặc học phí, nhiều đại học vẫn chưa thoát khỏi “tháp ngà” để thực sự bám rễ vào cộng đồng xã hội. Do đó, với hai đặc điểm này, không dễ dàng gì chúng ta có thể đạt được hai mục tiêu chủ yếu mà giáo dục thế giới đề ra: chất lượng và công bằng xã hội trong giáo dục. Nói đến công bằng xã hội là nói đến các điều kiện khác nhau được tạo ra để đảm bảo mọi người, mọi thành phần đều có thể tiếp cận với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Ngay cả việc tăng mức trần học phí của các ngành khác nhau, đồng thời tăng cường hơn nữa chế độ chính sách cho SV cũng là để góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

 

Thực tế từ kinh nghiệm các nước có thể chia ra ba nhóm giải pháp:

Thứ nhất, phân tầng đại học và đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đại học không là đích đến duy nhất của giáo dục trung học. Tăng có mức độ chỉ tiêu vào đại học để tăng dần sinh viên vào các loại hình đào tạo khác nhau sau trung học như cao đẳng, trung cấp nghề, các khoá ngắn hạn đào tạo theo địa chỉ hay theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế đa dạng, của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Thứ hai, không thể có một mức học phí trần chung cho các ngành/chuyên ngành đào tạo. Đối với các ngành sử dụng trang thiết bị và thực tập nghề nghiệp phức tạp hơn như y khoa, kiến trúc và một số ngành kỹ thuật, nông lâm ngư... mức học phí phải cao hơn để bù đắp đủ kinh phí cho quá trình đào tạo. Ngược lại, các trường cần đề ra và tăng cường nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ học phí theo vùng miền, đối tượng chính sách. Đối với những đại học thụ hưởng một phần NSNN, cần xác định tỉ lệ hỗ trợ ngay từ khi phân bổ. Với vùng có khó khăn, NSNN cũng được phân bổ trực tiếp cho địa phương để chủ động đặt hàng với các trường đại học về chuyên ngành và đối tượng học. Do vậy, trong nhiều trường hợp ở hai nhóm giải pháp 1 và 2, sinh viên chính là người lựa chọn trường và ngành học thích hợp tùy theo điều kiện và khả năng cá nhân.

Thứ ba cũng là nhóm giải pháp quan trọng, nhất là phải đa dạng hóa các nguồn lực phát triển, mà điều này phải được tiến hành ở ngay từng đại học. Ở nhiều đại học nổi tiếng thế giới, nhất là đại học tư không có NSNN, học phí chỉ chiếm khoảng 10- 35% tổng ngân sách hàng năm, trong đó, một phần đáng kể được chuyển trở lại dưới dạng học bổng hay trợ cấp miễn giảm học phí. Thế các nguồn lực cho phát triển nhà trường sẽ lấy từ đâu? Đó là, các công trình nghiên cứu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác với doanh nghiệp, công nghiệp hay cộng đồng, các chương trình chế tạo và cải tiến sản phẩm, trao đổi chuyên gia, tín dụng sinh viên và các hình thức hỗ trợ tài chính, từ đóng góp của các tổ chức đoàn thể xã hội và cuối cùng từ cựu sinh viên. Đặc biệt, đội ngũ cựu sinh viên ngày càng có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của nhà trường. Như ở Mỹ, nó trở thành một tiêu chí quan trọng trong đánh giá phân loại trường đại học. Đối với những đại học như Harvard hay Stanford, huy động hàng năm lến đến nhiều tỉ đô la. Vận động nguồn lực cần được đặc biệt chú trọng trong kế hoạch phát triển chiến lược của nhà trường. Ở nhiều nước, một trong những tiêu chí chọn lựa thành phần lãnh đạo trường (ban giám hiệu hay hội đồng quản trị) chính là khả năng huy động các nguồn lực./.

 

 

 

 

 

Số lần xem trang: 2117
Điều chỉnh lần cuối: 26-12-2007

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bảy một ba không một

Xem trả lời của bạn !