/data/file/BN/BN.png

Nằm trong chuổi sự kiện “Chọn đúng ngành – NLU”, sáng ngày 29/4/2020, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến chuyên sâu đối với ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp. Ban tổ chức tóm lược một số nội dung và thông tin trong buổi tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia: ThS. Đào Đức Tuyên - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ Sư phạm - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ; ThS. Đặng Thị Cúc Huyền - Giảng viên, cựu sinh viên khoa Ngoại ngữ Sư phạm; Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng cơ sở Trung tâm Ngoại ngữ. 

Học sinh: Xin Thầy/Cô cho biết các hình thức xét tuyển của Khoa Ngoại ngữ sư phạm cho 02 ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp (SPKT NN)?

ThS. Đào Đức Tuyên: Năm 2020, Trường ĐHNL TP.HCM tiếp tục tuyển sinh trong cả nước. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh có một số thay đổi do điều kiện khách quan.

- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập (xét học bạ) của 05 học kỳ của bậc phổ thông trung học, từ học kỳ 1 lớp 10 đến hết học kỳ 1 lớp 12. Điều kiện xét tuyển: Điểm trung bình 5 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 6.0 trở lên.

- Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020.

- Xét tuyển dựa trên bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

  Các tổ hợp xét tuyển cụ thể như sau:

Ngành Ngôn ngữ Anh: Tổ hợp môn 1: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh

                                      Tổ hợp môn 2: Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh

                                      Tổ hợp môn 3: Toán, Lý, Tiếng Anh

                                      Tổ hợp môn 4: Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh

Ngành SPKT NN:         Tổ hợp môn 1: Toán, Lý, Hóa

                                      Tổ hợp môn 2: Toán, Lý, Tiếng Anh

                                      Tổ hợp môn 3: Toán, Hóa, Sinh

                                      Tổ hợp môn 4: Toán, Sinh, Tiếng Anh

Học sinh: Ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM em được học những kiến thức gì? Sau khi tốt nghiệp em có thể làm việc ở đâu?

ThS. Đặng Thị Cúc Huyền: Ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐHNL TP.HCM là ngành học liên quan đến nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh để sinh viên có kiến thức sâu và có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.

Ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐHNL TP.HCM cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát và chuyên sâu về ngôn ngữ (tiếng Anh) và văn hóa, văn học, văn minh của con người và quốc gia sử dụng tiếng Anh.

Đồng thời, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh cung cấp cho sinh viên 02 trọng tâm ngành học để sinh viên chọn là (1) Giảng dạy tiếng Anh và (2) Tiếng Anh quản lý nhằm giúp định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng giảng dạy môn Tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, đặc biệt ở các trường kỹ thuật; có khả năng nghiên cứu và thiết kế chương trình giảng dạy và đánh giá; làm công tác biên dịch, phiên dịch, đặc biệt trong các chuyên ngành khoa học công nghệ khác nhau; và quản trị văn phòng ở các đơn vị kinh tế, kỹ thuật, các tổ chức xã hội.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn: Sinh viên Ngôn ngữ Anh có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, hoặc thậm chí là các công ty đa quốc gia.

Ngoài ra, Ngôn ngữ Anh là ngành học được ưa chuộng vì thị trường lao động Việt Nam luôn có nhu cầu cao đối với sinh viên tốt nghiệp giỏi ngoại ngữ, vững kiến thức văn hóa – xã hội và thành thạo các kỹ năng mềm.

Nhiều sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sau một thời gian đi làm để tích lũy kinh nghiệm có thể tự khởi nghiệp (start up) một hình thức kinh doanh cho riêng mình.

Học sinh: Xin Thầy/Cô cho em biết ngành SPKT NN sẽ học những kiến thức gì và cơ hội việc làm có cao không? Em nghe nói học ngành SPKT NN được miễn học phí phải không ạ?

ThS. Đào Đức Tuyên: Sinh viên được trang bị kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành liên quan đến khoa học nông nghiệp cơ bản và khoa học giáo dục.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc về các nguyên lý cơ bản của các quy trình kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản, những kỹ năng thực hành, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của giáo dục và của sản xuất nông lâm ngư nghiệp ở địa phương.

Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực áp dụng các kiến thức chuyên sâu về sinh lý, sinh hóa của động vật, thực vật; đất, vi sinh vật và ứng dụng công nghệ sinh học trong giáo dục và đào tạo kỹ thuật nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên cũng có khả năng vận dụng được các kiến thức tâm lý học, giáo dục, kinh tế, kinh doanh, kiến thức quản lý hành chính nhà nước và quản lý ngành giáo dục đào tạo, điều hành tổ chức lớp học để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Cơ hội việc làm:

- Giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục nông nghiệp, công nghiệp: giáo viên hướng nghiệp, giáo viên giảng dạy kỹ thuật nông nghiêp, công nghiệp tại các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng nông nghiệp, cao đẳng công nghiệp, trung tâm hướng nghiệp hay các trung tâm dạy nghề.

- Tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan đến giáo dục và công-nông nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

- Là cán bộ khuyến nông hoặc cán bộ kỹ thuật tại các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất tư nhân, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật.

 Sinh viên có thể học tiếp ngành đại học thứ hai hoặc học tiếp bậc học cao hơn các chuyên ngành thuộc khối A và B.

- Sinh viên ngành SPKT Nông nghiệp được miễn học phí theo chính sách chung của Nhà nước đối với ngành sư phạm.

Học sinh: Em đang quan tâm đến ngành Ngôn ngữ Anh, học ngành này ở Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, em có được học tập với giáo viên nước ngoài không? Cơ hội thực tập tại các Trường và các Công ty như thế nào? Trường có nhiều hoạt động ngoại khóa hay hoạt động học thuật để sinh viên trau dồi tiếng Anh không ạ?

ThS. Đào Đức Tuyên: Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh được học tập với hệ thống phòng lab hiện đại; thường xuyên trao đổi, giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài, phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách sinh hoạt tại CLB Tiếng Anh, hội thảo sinh viên … đảm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Hiện tại, việc thực tập tại các công ty không phải là yêu cầu bắt buộc của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nếu sinh viên muốn đi thực tập để tích lũy kinh nghiệm làm việc, Khoa sẽ tạo điều kiện hỗ trợ.

Học sinh: Em muốn làm biên phiên dịch cho các tổ chức phi chính phủ, sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh em có thể làm được ở vị trí này không? Để trở thành một biên phiên dịch chuyên nghiệp, ngoài kiến thức em được học, em cần phải trang bị thêm những kỹ năng gì?

ThS. Đặng Thị Cúc Huyền: Công việc biên phiên dịch tiếng Anh đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng bổ trợ khác nhau cho kiến thức tiếng Anh. Nghề phiên dịch đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao vì không chỉ dịch chính xác mà biên phiên dịch viên còn phải thể hiện được sắc thái của các bên giao tiếp.

Trước hết, trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh của Khoa có nhiều học phần thuộc nhóm biên phiên dịch nhằm giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, đồng thời cũng định hướng nghề nghiệp tương lai. Sinh viên quan tâm đến nghề này nên đăng ký học tất cả các tín chỉ thuộc nhóm môn học này.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể đăng ký học thêm các chương trình ngoại khóa về biên phiên dịch tại các trường đại học có ngành ngôn ngữ Anh hoặc tại các trung tâm để lấy thêm chứng chỉ biên phiên dịch nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên cũng phải thường xuyên trau đồi tiếng Việt để có thể diễn đạt văn phong cũng như ngôn ngữ tiếng Anh một cách tốt nhất khi chuyển ngữ Anh-Việt.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn: Sinh viên quan tâm đến nghề biên phiên dịch cũng cần thường xuyên trau dồi qua sách báo, Internet để có sự hiểu biết rộng về văn hóa. Không chỉ giỏi tiếng Anh với vốn từ vựng phong phú, người phiên dịch còn phải có sự hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán cũng như những phương ngữ được người dân địa phương sử dụng để có thể áp dụng vào tình huống dịch thực tế và diễn đạt chúng một cách tự nhiên.

Đối với người làm công việc biên phiên dịch, kỹ năng tra cứu là rất cùng cần thiết để có thể giúp họ hoàn thiện bản dịch một cách tốt hơn. Lĩnh vực mà người phiên dịch hoạt động rất đa dạng như giải trí, khoa học, thương mại,… có nhiều từ ngữ chuyên ngành người phiên dịch không thể hiểu cũng như nắm rõ nghĩa. Chính vì vậy mà phiên dịch viên cần phải tìm đến sự trợ giúp từ các công cụ dịch, từ điển để tra cứu ngữ nghĩa.

Cuối cùng, người làm công việc biên phiên dịch cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp qua việc thành thạo công nghệ thông tin, thiết bị văn phòng và kỹ năng viết văn bản. Trong thời gian học đại học, sinh viên nên thường xuyên trau dồi các kỹ năng này.

 Nhóm biên tập

Số lần xem trang: 2389
Điều chỉnh lần cuối: 07-05-2020

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba một không bốn bảy

Xem trả lời của bạn !