/data/file/BN/BN.png

Ban tổ chức tóm lược một số nội dung và các thông tin trong Chương trình tư vấn trực tuyến chuyên sâu về các ngành nghề thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên vừa diễn ra sáng thứ sáu, ngày 06/03/2020. Kính mời quý phụ huynh, thầy cô, đặc biệt là các thí sinh quan tâm theo dõi Fanpage: Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM và Trang Tuyển Sinh Trường ĐH Nông Lâm TPHCM 

 

Thành phần tư vấn:

1.     PGS-TS. Lê Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên

2.     TS. Nguyễn Vinh Quy - Phó Khoa Môi trường và Tài nguyên

3.     ThS. Hoàng Thị Mỹ Hương – Phó Khoa Môi trường và Tài nguyên, Chủ tịch Công đoàn Trường.

4.     PGS-TS. Nguyễn Tri Quang Hưng – Trưởng Bộ Môn Công nghệ Môi trường, Phó Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học.

5.     GS-TS. Nguyễn Kim Lợi – Trưởng Bộ môn Tài nguyên và GIS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu.

6.     ThS. Đỗ Ngọc Nhuận – GV Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật Hoa viên, Phó Trưởng phòng Quản trị Vật tư.

7.     ThS. Lê Trương Ngọc Hân – GV Bộ môn Tài nguyên và GIS.

8.     Ông Phan Tuấn Triều – Giám đốc Công ty Công nghệ Môi trường Nông Lâm, đại diện doanh nghiệp sử dụng lao động, đồng thời là cựu sinh viên của Khoa.

9.     Ông Trần Nam Khánh – Operation Manager – Công ty CP tư vấn và đầu tư Thái Dương – Khu vui chơi hướng nghiệp KizCiti TP.HCM.

Học sinh: Em rất thích các ngành liên quan đến lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên, nhờ quý thầy cô có thể tư vấn cho em biết là mình sẽ học gì trong nhóm ngành này ạ?

ThS. Hoàng Thị Mỹ Hương: Trên thực tế, vấn đề môi trường và tài nguyên hiện nay đang là vấn đề nhận được sự quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Trong tương lai, lĩnh vực này sẽ trở thành cơ hội mở để các bạn học tập, nghiên cứu và làm việc nhằm hướng tới một môi trường sống an toàn cho con người chúng ta, cũng như xa hơn nữa là hướng tới sự phát triển bền vững của Trái Đất. Hiện nay tại Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có đào tạo 04 nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực này là:

1. Nhóm ngành Kỹ thuật – Quản lý – Khoa học Môi trường:

Các kỹ sư trong lĩnh vực này được đào tạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ như:

-         Nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các công nghệ xử lý môi trường và các công cụ quản lý môi trường – tài nguyên hiệu quả.

-         Thiết kế và kiểm soát các dự án môi trường như xử lý nước, nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, quan trắc và phân tích chất lượng môi trường.

-         Đảm trách các công việc liên quan đến quản lý môi trường hoặc quản lý an toàn lao động và môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà máy … tư vấn cho các chương trình, dự án về môi trường tại các cơ quan chính phủ, phi chính phủ và tư nhân.

2. Nhóm ngành Cảnh quản và kỹ thuật hoa viên:  cung cấp những kiến thức, kỹ năng tương đối toàn diện về cảnh quan hoa viên môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và sản xuất các loại hoa cảnh và cây kiểng đặc chủng, có giá trị kinh tế cao.

3. Nhóm ngành Hệ thống thông tin: là ngành khoa học nghiên cứu về sự kết hợp của phần cứng, phần mềm và mạng truyền thông nhằm xây dựng và sử dụng để thu thập, xây dựng, và phân phối các dữ liệu, thông tin và tri thức hữu ích một cách có hệ thống, hiệu quả trong bối cảnh của một cơ quan, tổ chức.

4. Nhóm ngành Tài nguyên và du lịch sinh thái: Kỹ sư tốt nghiệp nhóm ngành này có khả năng ứng dụng thành thạo các công cụ nghiên cứu đặc thù trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và du lịch sinh thái. Có Kỹ năng thiết kế, tổ chức, điều hành, quảng bá và hướng dẫn chương trình du lịch.

Hiện nay Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có đào tạo những ngành sau:

1. Khoa học Môi trường (Mã ngành 7440301 – Chỉ tiêu: 80)

2. Kỹ thuật Môi trường (Mã ngành 7520320 – Chỉ tiêu: 80, ngoài ra còn đào tạo 30 chỉ tiêu chất lượng cao)

3. Quản lý tài nguyên và môi trường (Mã ngành 7850101 – Chỉ tiêu 120)

4. Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan (Mã ngành 7620113 – Chỉ tiêu 100)

Các ngành dự kiến mở mới và tuyển sinh từ năm 2020:

1. Hệ thống thông tin (Mã ngành 7480104 – Chỉ tiêu 40)

2. Tài nguyên và du lịch sinh thái (Mã ngành 7859002 – Chỉ tiêu 40 tại cơ sở chính, tại Phân hiệu Ninh Thuận (NLN): 40 chỉ tiêu)

3. Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Mã ngành 7859007 – Chỉ tiêu 40).

Học sinh: Cơ hội việc làm của nhóm ngành Môi trường và Tài nguyên hiện nay như thế nào?

Ông Phan Tuấn Triều: Hiện nay nhu cầu về ngành Môi trường ở Việt Nam nói chung, cũng như theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, kèm theo những thách thức giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường trong nước ngày càng cao, cũng như có rất nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp mới thành lập, luật Bảo vệ Môi trường ngày càng chặt chẽ, dẫn đến nhu cầu việc làm thuộc nhóm ngành Môi trường rất đa dạng như là tư vấn pháp lý về môi trường, tư vấn thiết kế các công trình xử lý chất thải như nước, nước thải và chất thải rắn, thi công vận hành bảo trì bảo dưỡng các công trình, hoặc nghiên cứu khoa học, làm việc trong những trường đại học, cơ quan sản xuất, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, … Như Công ty Công nghệ Môi trường Nông Lâm của tôi cũng như các công ty môi trường khác, hiện nay nhu cầu nhân lực cần là quanh năm, công ty tuyển dụng thường xuyên nhưng vẫn thiếu nhân lực. Trên các trang tuyển dụng, việc làm, các bạn có thể thấy các thông tin tuyển dụng về môi trường được cập nhật thường xuyên với nhu cầu lớn.

Học sinh: Ngành Hệ thống thông tin có thể hiểu nôm na là ngành Công nghệ thông tin dành cho môi trường và tài nguyên hay không? Và ra trường sẽ làm được những việc gì? Ở đâu? Đây là ngành mới của Nhà Trường thì có đảm bảo được việc làm của em sau khi tốt nghiệp hay không?

GS. TS. Nguyễn Kim Lợi: Hệ thống thông tin được nhận định là một trong những ngành hot trong nhóm ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính. Hệ thống thông tin là sự kết hợp giữa các phần cứng, phần mềm, mạng thông tin truyền thông, có nhiệm vụ thu thập dữ liệu, lưu trữ. Ngành Hệ thống thông tin hiện tại là ngành mới của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM được phát triển trên cơ sở của ngành Hệ thống thông tin địa lý dưới sự quản lý của Khoa Môi trường và Tài nguyên nên không thể nhầm lẫn rằng đây là ngành chỉ phục vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Ngành hệ thống thông tin đáp ứng trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng 4.0, Hệ thống thông tin tập trung giải quyết, nghiên cứu các giải pháp tự động hóa, phát triển hệ thống thông tin trong các tổ chức kinh tế xã hội. Ngày nay, nhu cầu nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích học liệu, dự liệu trong các hệ thống thông tin của các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp ngày càng cao. Vì vậy ngành Hệ thống thông tin không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường như các bạn đã đề cập. Vậy ngành Hệ thống thông tin của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có những khác biệt gì đối với ngành Hệ thống thông tin của các trường ĐH khác tại Việt Nam? Sinh viên ngành Hệ thống thông tin tại Trường ĐH Nông Lâm TP:HCM sẽ được đào tạo ngoài các kiến thức về cơ sở ngành như mạng máy tính, dữ liệu không gian, lập trình, ngoài ra các học phần chuyên ngành còn trang bị các kiến thức về phân tích hệ thống, tích hợp hệ thống thông tin, các hệ thống thông minh, các hệ thống thông tin quản lý, các hệ thống nhúng, cơ sở dữ liệu phân tán, đa phương tiện, cơ sở dữ liệu GIS và các ứng dụng. Đặc biệt, ngành này tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, còn được thiết kế các mô-đun, các chương trình liên quan đến hệ thống GIS, cơ sở dữ liệu viễn thám để giải quyết các bài toán liên quan khoa học không gian. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên ngành hệ thống thông tin khi ra trường sẽ lĩnh hội được các tư duy về thuật toán, tư duy về hệ thống cũng như hội tụ các kỹ năng về thiết kế đánh giá tối ưu cơ sở dữ liệu, sử dụng vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu thông dụng, thiết kế xây dựng vận hành bảo trì phát triển các hệ thống thông tin tại các cơ quan, doanh nghiệp hoặc ứng dụng liên quan đến lĩnh vực điện toán đám mây, bước đầu có thể tham gia phát triển các hệ thống thông minh, đặc biệt là các hệ thống nhúng liên quan đến vận hành các đô thị thông minh. Về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực hệ thống thông tin, như đã đề cập ban đầu ngành Hệ thống thông tin là một trong những ngành hot trong lĩnh vực Khoa học Máy tính và Công nghệ thông tin hiện nay, muốn có việc làm tốt, đầu tiên các bạn phải học tốt, phải tốt nghiệp được, sau đó các bạn có thể làm việc trong các lĩnh vực như chính phủ, phi chính phủ, ngân hàng – tài chính, cho đến các công ty chế tạo và công ty tư vấn, … nhìn chung tất cả các lĩnh vực đều sử dụng hệ thống thông tin để quản lý. Với kiến thức và kỹ năng được trang bị thì tôi tự tin rằng sinh viên ngành Hệ thống thông tin của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ tìm được những việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp. Một số công ty mà các em có thể làm việc như: phát triển và gia công phần mềm, thiết kế web, tư vấn và thiết kế các giải pháp về mạng, các giải pháp về công nghệ thông tin, webGIS, các công ty tư vấn bảo trì trang thiết bị liên quan đến máy tính, bộ phận vận hành và phát triển công nghệ thông tin của các cơ quan doanh nghiệp, trường học, ngân hàng. Với đặc thù tại trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ngành Hệ thống thông tin được đào tạo dưới sự phối hợp của Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Môi trường và Tài nguyên nên người học có khả năng giải quyết các bài toán liên quan đến nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, môi trường thông mình, …

Học sinh: Các thế mạnh của Khoa trong việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.

ThS. Hoàng Thị Mỹ Hương: Các thế mạnh của Khoa trong việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập có thể thấy rõ qua những điểm sau:

Đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt huyết, luôn luôn sẵn sàng đồng hành với các bạn sinh viên không chỉ trong kiến thức chuyên môn mà còn cả trong tất cả các hoạt động khác ví dụ như vui chơi – giải trí, chỗ ở, việc làm, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, học bổng, thực hành, thực tập, …

Các thầy cô của Khoa Môi trường và Tài nguyên hiện đang là đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp trong những công ty, dự án, những chương trình về môi trường, thậm chí có rất nhiều thầy cô đang làm chủ những công ty về chuyên ngành môi trường và tài nguyên. Chính vì vậy Khoa đảm bảo cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, thực tế, …

Khoa Môi trường và Tài nguyên có sự kết nối rất chặt chẽ với các anh chị cựu sinh viên, và các anh chị cựu sinh viên này là một đầu mối mà các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm, kiến thức cũng như có cơ hội thực hành, thực tập, thậm chí là những cơ hội việc làm trong tương lại. Đơn cử như trong buổi tư vấn tuyển sinh ngày hôm nay có anh Phan Tuấn Triều và anh Trần Nam Khánh là cựu sinh viên cực kì thành đạt cũng hiện diện tại đây để hỗ trợ các bạn.

Hằng năm, Khoa cũng vận động và trao hơn 50 suất học bổng dành riêng cho những sinh viên của Khoa có hoàn cảnh khó khăn hay có thành tích học tập nổi bật.

Trong những năm gần đây, Khoa cũng có những chương trình nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và giúp cho các bạn có đầy đủ các kỹ năng để hội nhập quốc tế bằng những chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, như:

+ Chương trình học tập ngắn hạn “Rural-up” tại Đài Loan, hợp tác với Đại học Quốc gia Chung Hsing (Đài Loan): 4 – 7 tuần

+ Chương trình trao đổi sinh viên theo học bổng Erasmus + tại Đại học Szent István (Hungary): 1 học kì

+ Chương trình thực tập giáo trình tại Đại học Osaka (Nhật Bản): 5-7 ngày.

+ Chương trình trao đổi học viên theo học bổng Erasmus + tại Đại học Trier (Đức): 2 học kì

+ Chương trình Winter School tại Đại học Okayama (Nhật Bản): 10 ngày

+ Chương trình Spring School tại Đại học Nông nghiệp Bogor (IPB University): 10 ngày.

Ngoài ra, trong Khoa Môi trường và Tài nguyên có 2 CLB rất nổi tiếng, hoạt động xuyên suốt và rất hiệu quả là CLB Yêu Môi Trường và CLB Du Lịch Sinh Thái. Hai CLB này sẽ là sân chơi cho các bạn sinh viên, không chỉ để giải trí mà còn là nơi giao lưu, kết nối, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm thực tế cũng như là những kỹ năng mềm cho nghề nghiệp sau này.

Học sinh: Em rất thích ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và đặc biệt em rất thích đi phượt. Mong quý thầy cô tư vấn cho em về cơ hội nghề nghiệp của ngành?

Ông Trần Nam Khánh: Là một cựu sinh viên của Khoa Môi trường và Tài nguyên, cũng như là sinh viên đầu tiên của chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Du lịch Sinh thái, cũng đang công tác trong lĩnh vực này nên tôi đánh giá nhu cầu nhân lực của ngành này hiện nay rất cao. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại rất nhiều các cơ quan, tổ chức chính phủ hoặc phí chính phủ. Ví dụ như Sở Du lịch, các công ty du lịch và lữ hành, các khu lịch sinh thái, các khu bảo tồn, các khu nghỉ dưỡng, các khu vui chơi, các khu dự trữ sinh quyển, … và rất nhiều những cơ hội việc làm đa dạng khác tại các công ty tư nhân. Người học có cơ hội lớn để mở rộng nghề nghiệp của mình khi học tập tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đặc biệt là Ngành Tài nguyên và Du lịch sinh thái. Ngoài ra, người học sẽ được trang bị những nền tảng kiến thức về quản lý để ra thành lập công ty riêng của mình. Đặc biệt Du lịch sinh thái là một ngành nghề mới trên thị trường, hầu như chưa có công ty nào mở ra chuyên về du lịch sinh thái tại Việt Nam. Ngoài ra, sinh viên mới ra trường có thể làm hướng dẫn viên du lịch, thiết kế điều hành tour, nhân viên sale, quản lý điều hành tour, tư vấn viên các dự án phát triển cộng đồng, du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên. Một số những điểm đặc biệt và ưu thế cạnh tranh khi các bạn theo học ngành Tài nguyên và Du lịch sinh thái là ngành Tài nguyên và Du lịch sinh thái là ngành mới, được đào tạo duy nhất tại ĐH Nông Lâm TP.HCM; một số trường khác chỉ tập trung đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng – khách sạn, quản trị lữ hành, còn học ở Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Nông Lâm Tp.HCM ngoài những kiến thức, kỹ năng du lịch, người học được đào tạo chuyên sâu thêm các kiến thức về hệ sinh thái, động – thực vật, những kiến thức về môi trường tài nguyên và các nghiệp vụ, kỹ năng du lịch để phát triển du lịch sinh thái bền vững, và đó cũng chính là xu hướng phát triển của thế giới. Ngoài ra, nhu cầu về du lịch hiện nay ngày càng cao, những tập đoàn lớn, những khu vui chơi đang được mở ra trên khắp Việt Nam. Vì vậy tôi khuyên các em nên mạnh dạn theo học ngành này vì cơ hội việc làm của ngành này là rất cao.

Học sinh: Xin quý thầy cô cho con được biết nhu cầu việc làm của ngành Cảnh quan và Kỹ thuật Hoa viên cũng như chúng con sẽ học được gì khi theo học ngành này?

ThS. Đỗ Ngọc Nhuận: Về lĩnh vực cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, ngành sẽ đào tạo những việc như ươm tạo và tạo giống cây trồng, tới thiết kế và bảo dưỡng cảnh quan, như vậy là hầu như người học được trang bị kiến thức và kỹ năng trong tất cả các khâu trong công trình cảnh quan và hoa viên. Có thể nói đây là một ngành góp phần làm đẹp cho cuộc sống, tại vì với phần kiến trúc và xây dựng có thể xem là phần cứng thì phần cảnh quan – phần lanscape là phần làm mềm hóa không gian trong đô thị. Về cơ hội việc làm thì rất đa dạng, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm trong các farm – các nông trại về ươm tạo giống cung cấp cây hoa kiểng cho thị trường, các công ty chuyên về thiết kế cảnh quan, các công ty chuyên về thi công cảnh quan trong công trình, bảo dưỡng cảnh quan trong các khu du lịch, khu resort, công viên. Theo khảo sát sơ bộ của ngành thì nhu cầu hằng năm là khoảng 300 kỹ sư, tuy nhiên các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được số lượng kỹ sư này, chúng tôi liên tục nhận được các đề nghị tuyển dụng. Hằng năm, hầu hết các sinh viên mới ra trường đều có việc làm và không đáp ứng đủ nhu cầu lao động của thị trường. Vì vậy, đây là ngành đang rất phát triển và phù hợp với xu hướng của thời đại khi mà con người ngày càng quan tâm đến phát triển mảng xanh và cảnh quan trong đô thị.

Học sinh: Quý thầy cô có thể cho lời khuyên đến tất cả các bạn thí sinh giúp các bạn có thể chọn đúng ngành, đúng trường và phù hợp với điều kiện cá nhân cũng như đảm bảo đến việc làm liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường sau khi ra trường.

ThS. Hoàng Thị Mỹ Hương: Để chọn đúng ngành đúng trường phù hợp với điều kiện cá nhân và đảm bảo cơ hội việc làm sau khi ra trường thì hoàn toàn phù thuộc vào các bạn (thí sinh) là chủ yếu. Tuy nhiên, phía Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM các thầy cô luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong mọi lĩnh vực, những điều các thầy cô có thể hỗ trợ các bạn đó chính là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đây là vấn đề mà cô nghĩ rằng các bạn đang quan tâm nhiều nhất hiện nay. Và như đã giới thiệu ở phần trên, hiện tại Khoa Môi trường và Tài nguyên có một ngành gắn liền với các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp, đó chính là ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Đặc thù của ngành này trong Khoa Môi trường và Tài nguyên của Trường ĐH Nông Lâm là chúng ta có thể quản lý môi trường trong các doanh nghiệp, thậm chí hiện nay xu hướng mới là quản lý môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn ISO, OHSAS, … Đây là cái mà doanh nghiệp hiện nay đang rất cần và nhu cầu rất cao. Các bạn có thể vào Fanpage Khoa Môi trường và Tài nguyên – Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, các bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cơ hội việc làm được đăng tải thương xuyên và liên tục. Khoa Môi trường và Tài nguyên rất mong muốn các bạn tới học tập và nghiên cứu để sau này có công việc ổn định trong tương lai.

GS. TS. Nguyễn Kim Lợi: Việc chọn ngành chọn nghề là một bài toán khó, đầu tiên các em phải xác định được thế mạnh của mình trong xuyên suốt quá trình học THPT: thế mạnh của mình là gì?, sau đó tìm hiểu thêm đam mê. Trên cơ sở thế mạnh và đam mê của mình, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh, tham khảo xu hướng thực tế xã hội, từ đó các em có thể chọn những lĩnh vực mình muốn theo học. Các thầy cô ở đây đã chỉ ra một số các thế mạnh của các ngành, các xu hướng để các em có thể nhận thấy được và hiểu rõ một phần nào đó. Tuy nhiên, quyết định chính vẫn nằm ở các em.

ThS. Hoàng Thị Mỹ Hương: Với xu thế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay thì các em có thể tìm đến Kho Môi trường và tài nguyên với những chương trình trao đổi sinh viên quốc tế cực kì hấp dẫn hiện nay. Nhân đây, có PSG. TS. Lê Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, là điều phối viên của các chương trình này, xin mời thầy chia sẻ thêm một số kinh nghiệm để các bạn có thể tiếp cận được với các chương trình trao đổi sinh viên quốc tê rất hấp dẫn này.

PGS. TS. Lê Quốc Tuấn: Hiện nay, Khoa có các chương trình hợp tác quốc tế với khá nhiều trường. Đặc biệt, sinh viên trong quá trình học được tham gia các chương trình ngắn hạn và dài hạn: ngắn hạn là từ 5 – 7 ngày, còn dài hạn là 1 – 2 tháng và có những chương trình tới 1 học kỳ. Trao đổi tại các nước Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan; các nước trong khu vực châu Á như Đài Loan, Nhật Bản hay châu Âu như Hungary, Đức, Pháp, … Các em yên tâm, khi các em có đủ niềm đam mê thì các em sẽ nhận được các suất học bổng để tham gia các chương trình này. Đặc biệt các chương trình này lựa chọn những sinh viên có thành tích học tập tốt và có niềm đam mê với ngành nghề của mình, khi đó Khoa sẽ làm các thủ tục liên quan để hỗ trợ các em đi trao đổi để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của mình trong môi trường quốc tế.

ĐT

Số lần xem trang: 2232
Điều chỉnh lần cuối: 09-03-2020

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một một hai bốn tám

Xem trả lời của bạn !