/data/file/BN/BN.png

Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp chuyên sâu (trong chuỗi sự kiện “Chọn đúng ngành- NLU 2020”) đối với nhóm ngành Quản lí đất đai, Bất động sản đã diễn ra vào sáng nay 23/3 với đội ngũ chuyên gia tư vấn, bao gồm: ThS. Lê Ngọc Lãm - Phó Trưởng Khoa Quản lý đất đai và Bất động sản; ThS. Trần Duy Hùng - Trưởng Bộ môn Quy hoạch - Khoa Quản lý Đất đai và Bất động sản; Cô Trần Thị Việt Hòa - Phó trưởng ngành Bất động sản - Khoa Quản lý Đất đai và Bất động sản; Ông Nguyễn Việt Thắng - Giám đốc Công ty kinh doanh Bất động sản Trần Anh.

 

Tại chương trình, các chuyên gia tư vấn đã khẳng định: Cơ hội nghề nghiệp cho ngành quản lí đất đai, bất động sản là rất đa dạng, sinh viên thường có việc làm từ cuối năm 3, và trường không đáp ứng đủ lượng sinh viên tốt nghiệp giới thiệu cho các công ty và doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại trường. Sau đây, chúng tôi tóm lược một số nội dung đã được các chuyên gia đề cập, trao đổi trong chương trình. Kính mời quý phụ huynh, thầy cô, đặc biệt là các thí sinh quan tâm theo dõi Fanpage: Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM và Trang Tuyển Sinh Trường ĐH Nông Lâm TPHCM.

Học sinh: Em chào Thầy Cô. Em mong muốn được học tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và quan tâm đến 2 ngành: quản lý đất đai, bất động sản (QLĐĐ, BĐS). Vậy xin Thầy Cô cho em hỏi, học 2 ngành này em sẽ được học những kiến thức gì?

ThS. Lê Ngọc Lãm: Xin chào quý phụ huynh, các em học sinh và những người quan tâm đang theo dõi chương trình.

Trong năm 2020 Khoa Quản lý đất đai & bất động sản dự kiến tuyển sinh 2 ngành: Quản lý đất đai và ngành Bất động sản. Ngành Quản lý đất đai được đào tạo từ những năm 1990 đến nay tròn 30 năm, cũng là thời gian bắt đầu hình thành ngành QLĐĐ của Việt Nam. Ngành Bất động sản được phát triển lên từ chuyên ngành Quản lý thị trường bất động sản đã đào tạo đến nay hơn 15 năm. Khoa Quản lý đất đai & Bất động sản trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM là một trong những cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho ngành QLĐĐ của cả nước hiện nay được biết đến là ngành tài nguyên và môi trường.

Học 2 ngành QLĐĐ, BĐS thuộc khoa Quản lý đất đai và bbBất động sản trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu lao động trong các lĩnh vực nhà nước và doanh nghiệp.

Về kiến thức: Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản thuộc trình độ đại học theo quy định chung của Bộ Giáo Dục và đào tạo (khoảng 40 tín chỉ) và kiến thức chuyên ngành (khoảng 95 tín chỉ)

Nhóm kiến thức cơ bản gồm: Triết học, lịch sử Đảng, giáo dục quốc phòng, toán cấp, tin học đại cương, anh văn….

Nhóm kiến thức chuyên ngành được chia thành 4 khối kiến thức: (1) Khối kiến thức chính sách pháp luật; (2) Khối kiến thức quản lý; (3) Khối kiến thức kinh tế và (4) Khối kiến thức công nghệ:

Khối kiến thức chính sách pháp luật: Đây là khối kiến thức nền tảng của ngành đào tạo thể hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai cũng như các chính sách pháp luật được áp dụng trong việc quản lý đất đai như thế nào.

Khối kiến thức quản lý: Trang bị cho sinh viên kiến thức về quản lý hành chính nói chung và quản lý hành chính về đất đai nói riêng. Sinh viên được trang bị kiến thức quản lý đất đai và bất động sản theo quy hoạch kế hoạch. Đặc biệt đối với ngành bất động sản sinh viên sẽ được trang bị sâu hơn các kiến thức về quản lý bất động sản

Khối kiến thức kinh tế: Mục tiêu cuối cùng của quản lý đất đai nói riêng, quản lý tài nguyên và môi trường nói chung là sử dụng đất mang lại hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Do đó Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về tính toán hiệu quả kinh tế, định giá, thẩm định giá đất, lập dự án đầu tư. Đặc biệt đối với ngành bất động sản sinh viên sẽ được trang bị sâu hơn các kiến thức về kinh doanh và đầu tư bất động sản.

Khối kiến thức công nghệ: Đây được xem là công cụ chính trong quản lý đất đai, quản lý và kinh doanh bất động sản. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về đo đạc lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai, tiếp cận các công nghệ mới trong các lĩnh vực viễn thám, hệ thống thông tin địa lý hỗ trợ quản lý giám sát đất đai và bất động sản.

Học sinh: Em được biết năm nay trường mới mở thêm ngành BĐS, vậy tổ hợp môn xét tuyển là những môn gì ạ? Thầy cô cho em biết nhu cầu việc làm của ngành này như thế nào? Làm việc trong những lĩnh vực gì ạ?

Cô Trần Thị Việt Hòa:

-  Tổ hợp xét tuyến: có rất nhiều lựa chọn và cơ hội học ngành BĐS với 4 tổ hợp xét tuyển sinh là:

+ Tổ hợp 1: Toán, Lý, Hoá

+ Tổ hợp 2: Toán, Lý, Tiếng Anh

+ Tổ hợp 3: Toán, Lý, Địa lý

+ Tổ hợp 4: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh

-  Nhu cầu việc làm:

Lĩnh vực BĐS ở Việt Nam: Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ đô thi hoá cao kéo theo sự bùng nổ ở lĩnh vực BĐS. Ngày càng nhiều công ty và doanh nghiệp BĐS nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Các công ty và doanh nghiệp BĐS trong nước thành lập mỗi năm luôn đứng đầu trong các lĩnh vực. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng từ các công ty, doanh nghiệp bất động sản nước ngoài và trong nước rất lớn đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng. Kết quả khảo sát Sinh viên chuyên ngành Quản lý thị trường bất động sản của khoa Quản lí đất đai và Bất động sản 5 năm trở lại đây đã có việc làm từ cuối năm 3 và khoa cũng không có đủ lượng sinh viên tốt nghiệp giới thiệu cho các công ty và doanh nghiệp tuyển dụng tại trường.

-  Lĩnh vực làm việc:

+ Khu vực thị trường

(1)      Công ty, doanh nghiệp bất động sản nước ngoài và trong nước: Công ty đầu tư và kinh doanh BĐS, Công ty tư vấn đầu tư BĐS, Sàn giao dịch BĐS, Công ty thẩm định giá BĐS, Công ty môi giới BĐS, Công ty quản lý BĐS, …

(2)      Công ty, DN lĩnh vực khác có liên quan: Các ngân hàng, Tổ chức tín dụng, Quỹ đầu tư, ….

+ Khu vực nhà nước

(3)      Các cơ quan quản lý: Sở TNMT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án, Ban Bồi thường, Tổ chức nghiên cứu và giáo dục, …

+ Tổ chức phi Chính phủ

(4)   Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Thẩm định giá, khác 

Học sinh: Em muốn làm công chức hoặc công tác lĩnh vực địa chính, quản lý đất đai tại khu vực đô thị (Thành phố,Thị xã, Khu đô thị mới) em nên học ngành/chuyên ngành gì thì phù hợp?

 

ThS. Trần Duy Hùng: Trong kỳ tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Nông Lâm TpHCM đào tạo 2 ngành Quản lý đất đai và Bất động sản. Ngành Quản lý đất đai có 3 chuyên ngành: Quản lý đất đai, Công nghệ Địa chính, Địa chính Quản lý đô thị. Trước bối cảnh đô thị hoá, phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị trong thời gian tới. Dự báo đến 2025 toàn quốc sẽ có 1000 đô thị. Do vậy em muốn làm công chức hoặc công tác lĩnh vực địa chính, quản lý đất đai tại khu vực đô thị (Thành phố,Thị xã, Khu đô thị mới) em nên học ngành Quản lý đất đai chuyên ngành Địa chính và Quản lý đô thị sẽ phù hợp.

Chuyên ngành địa chính và quản lý đô thị đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật về quản lý đất đai nói chung, gắn kết với công tác quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của vùng và đất nước trong thời gian tới.

Chuyên ngành cung cấp các nhóm kiến thức nền tảng về quản lý đất đai bao gồm kiến thức về pháp luật đất đai, công nghệ địa chính, kinh tế đất đai và Bất động sản, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Chuyên ngành đi sâu nghiên cứu các vấn đề quản lý đất đai gắn với phát triển đô thị như Chính sách quản lý đô thị, chính quyền đô thị, ứng dụng GIS và viễn thám trong quản lý đất đai và xây dựng đô thị, định giá đất và BĐS, quản lý dự án đầu tư và phát triển các dự án đầu tư phát triển đô thị, kiến trúc  nhà ở, bản vẽ xây dựng, quy hoạch và  quản lý xây dựng đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị,  quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý thông tin đất đai đô thị.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành địa chính và quản lý đô thị  sẽ góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ ngành quản lý đất đai nói chung đặc biệt trong khu vực đô thị hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong mạng lưới tài nguyên, môi trường từ trung ương đến địa phương gồm các cơ quan của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường, Chi cục Quản lý đất đai, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Cán bộ Địa chính, Hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, các Trung tâm kỹ thuật  tài nguyên & Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường, Các viện, trung tâm nghiên cứu liên quan đến Tài nguyên Môi trường, Tài nguyên đất, Quy hoạch... tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các Trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có ngành đào tạo liên quan.

Ngoài ra sinh viên có thể làm việc trong các Phòng Quản lý đô thị, kinh tế hạ tầng, cán bộ địa chính xây dựng và các cơ quan nghiên cứu về đô thị.

Ngoài ra sinh viên có thể khởi nghiệp hình thành các doanh nghiệp tư vấn dịch vụ, nghiên cứu khoa học liên quan đến các vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị.

Học sinh: Là một cựu sinh viên của trường ĐHNL TP.HCM và hiện là doanh nhân khởi nghiệp, anh có thể chia sẻ thêm thông tin về xu hướng và triển vọng của các ngành Quản lý đất đai, quản lý thị trường BĐS? Cơ hội việc làm, mức thu nhập? Sau khi tốt nghiệp các ngành quản lý đất đai, BĐS sinh viên có thể lập các công ty, dự án khởi nghiệp được không? Và cần có thêm những kỹ năng gì để có thể khởi nghiệp thành công?

Ông Nguyễn Việt Thắng:

-         Cơ hội việc làm: VN là nước đang phát triển vì vậy phát triển BĐS đang là xu thể của nền kinh tế VN hiện nay. Các tổ chức, công ty và DN BĐS đang thiếu nguồn nhân lực lĩnh vực BĐS được đào tạo vì vậy học viên được đào tạo lĩnh vực BĐS chính quy sẽ luôn là đối tượng được các tổ chức, DN tìm kiếm.

-  Mức thu nhập: TN phụ thuộc vào năng sực, kỹ năng và chịu áp lực của người lao động. Mức lương cơ bản mỗi tháng trong khoảng từ 5 triệu đến 8 triệu, tuy nhiên bạn cũng có thể kiếm được mức thu nhập vài chục đến cả trăm triệu mỗi tháng.

-  Khởi nghiệp: Khởi nghiệp đang rất được Chính phủ và Nhà nước quan tâm đặc biệt dành cho các bạn trẻ (HS, SV). BĐS là một lĩnh vực mới mẻ nên có rất nhiều “sân chơi” cho người muốn khởi khiệp.

-  Kỹ năng: Chương trình đào tạo ngành BĐS của trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người học và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, để có kỹ năng giỏi cần bản thân mỗi người học tự rèn luyện và không ngừng học hỏi. Những kỹ năng cần thiết cho người khởi nghiệp: Kỹ năng lãnh đạo, Kỹ năng lập kế hoạch, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng truyền cảm hứng.

Học sinh: Thầy cô cho em hỏi: em là con gái học ngành quản lý đất đai có phù hợp không ạ? Con gái học quản lý đất đai gặp khó khăn gì khi học và khi ra trường thì dễ xin việc hơn các bạn nam hay không? Địa chính và quản lý đất đai có khác nhau không ạ?

ThS. Lê Ngọc Lãm: Xin cảm ơn câu hỏi của em!

Ngành quản lý đất đai không phân biệt hay kén chọn nam hay nữ. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng xu hướng trong những năm gần đây số lượng sinh viên nữ theo học ngành quản lý đất đai tăng so với nam.

        Qua thống kê cho thấy chưa có kết quả cụ thể nào về những khó khăn của sinh viên nữ học ngành quản lý đất đai nhưng một số liệu chắc chắn là số sinh viên thủ khoa là nữ nhiều hơn nam trong thời gian gần đây.

        Cơ hội việc làm sau khi ra trường là vấn đề chung của sinh viên của tất cả các ngành, các trường chứ không riêng gì đối với sinh viên ngành quản lý đất đai trường ĐH Nông Lâm

Chương trình đào tạo ngành Quản lý đất đai trang bị cho sinh viên tốt nghiệp các kiến thức, kĩ năng, thái độ cần thiết để có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, công ty, doanh nghiệp, trường/viện nghiên cứu với các vị trí khác nhau như:

(1) Công chức, viên chức Nhà nước.

(2) Nghiên cứu viên, giảng viên.

(3) Chuyên viên tư vấn, đầu tư, kinh doanh bất động sản.

(4) Chuyên viên đo đạc, xây dựng, địa chính – đô thị.

(5) Cán bộ quản lý đất đai cho các dự án.

(6) Cán bộ trong các lĩnh vực khác có liên quan.

Địa chính hay Quản lý đất đai nếu phân tích sâu sẽ có những điểm khác nhau nhất định tuy nhiên nếu mới bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này thì em có thể hiểu tương đương nhau. Về các địa phương (phường, xã) em sẽ gặp các cán bộ địa chính hay còn gọi là công chức địa chính là cán bộ phụ trách công việc quản lý đất đai nói chung ở địa phương.

Học sinh: Thầy/Cô cho em hỏi học ngành quản lý đất đai và bất động sản thì ngành nào dễ xin việc ở huyện hơn? 2 ngành này khác nhau như thế nào ạ?

Cô Trần Thị Việt Hòa: Cơ hội việc làm của ngành BĐS hay ngành Quản lý đất đai như đã được chia sẻ. Ngành Quản lý đất đai có thiên hướng về kỹ thuật nhiều hơn và thường làm việc cho khu vực nhà nước trong khi ngành BĐS lại có thiên hướng về cả kinh tế - xã hội – Kỹ thuật nên cơ hội việc làm lại chủ yếu ở khu vực tự do (thị trường). Nếu bạn muốn làm việc ở địa phương vùng sâu vùng xa thị trường ít phát triển thì ngành BĐS không thích hợp nhưng nếu bạn muốn làm việc ở những khu vực phát triển (đô thị hay đang đô thị hoá) thì ngành BĐS rất có cơ hội việc làm cho bạn.

Học sinh: Em được biết năm nay trường mở ngành mới là Bất động sản, ước mơ của em thích làm giám đốc. Vậy em học quản trị kinh doanh có thể làm bất động sản được không? Hay muốn làm bất động sản thì mình phải học đúng ngành bất động sản?

Ông Nguyễn Việt Thắng: BĐS được hiểu là tài sản gắn liền với đất đai (không thể tách rời), là tài sản (hàng hoá) đặc biệt không chỉ ở đặc điểm của tài sản mà còn cả tính chất thị trường và những ràng buộc pháp luật không giống với các loại tài sản thông thường vì vậy nếu bạn yêu tích lĩnh vực BĐS thì bạn nên theo học ngành BĐS thay vì học Quản trị kinh doanh (thường dành cho hàng hoá thông thường).

Học sinh: Theo em biết, hiện nay vấn đề đất đai được người dân rất quan tâm vì là tài sản lớn gắn liền với cuộc sống. Thầy Cô cho em hỏi là nếu học ngành quản lý đất đai thì em có được học các kiến thức về luật không? Bên cạnh kiến thức chuyên môn, em cần có thêm những kỹ năng gì khi đi làm?

ThS. Trần Duy Hùng: Học ngành quản lý đất đai ngoài kiến thức chung của khối ngành. Em sẽ được học chuyên sâu 4 khối kiến thức về Chính sách pháp luật đất đai, Công nghệ Địa chính, Kinh tế đất, Bất động sản và Quy hoạch. Do vậy, những kiến thức về pháp luật là mảng kiến thức vô cùng quan trọng. Các em sẽ được học các kiến thức về Pháp luật đại cương đến Luật chuyên sâu như Luật đất đai, Luật Xây dựng và Nhà ở. Ngoài kiến thức Luật các em còn học các môn quản lý hành chính về đất đai và có thể làm các đề tài tốt nghiệp sâu về mảng này.Và vận dụng pháp luật trong việc tư vấn và giải quyết thủ tục hành chính  đất đai trong quá trình thực tiễn.

Ngoài kiến thức chuyên môn, các em cần có thêm các kỹ năng như sử dụng thành thạo tin học, ngoại ngữ, cập nhật pháp luật, công nghệ cũng như khả năng giao tiếp và làm việc cộng đồng.

Chúc các em thành công trong kỳ thi sắp tới!!!

BBT lược ghi

 

Số lần xem trang: 2607
Điều chỉnh lần cuối: 23-03-2020

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu không không năm chín

Xem trả lời của bạn !

logolink