/data/file/BN/BN.png

Sáng ngày 28/4/, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến chuyên sâu đối với ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học. Các chuyên gia tham gia tư vấn bao gồm: PGS.TS. Trương Vĩnh – Trưởng Bộ môn Công nghệ hóa học, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM; ThS. Vũ Thùy Anh – Phó Bộ môn Công nghệ hóa học, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM; Bà Lê Thị Mỹ Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phẩm Thiên Nhiên Mita – Cựu sinh viên Bộ môn Công nghệ hóa học.

Sau đây, Ban tổ chức tóm lược một số nội dung và thông tin trong chương trình tư vấn.

Câu 1: Em thích hóa học, Thầy/Cô cho em hỏi ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đào tạo những lĩnh vực gì? Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học (CNKTHH) khác ngành kỹ thuật hóa học như thế nào?

PGS.TS. Trương Vĩnh: Công Nghệ Hóa Học liên quan đến việc thiết kế và quản lý các quá trình hóa học, sinh học và vật lý học mà vật liệu thô phải trải qua để biến thành các sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thiết kế và kiểm soát các quá trình sẽ giúp cho các thiết bị cũng như toàn bộ nhà máy hoạt động có hiệu quả như giảm tổn thất vật liệu cũng như chi phí năng lượng mà chất lượng vẫn bảo đảm. Công nghệ hóa học hiện đại liên quan đến quá trình chuyển đổi nguyên liệu thô thành các sản phẩm có giá trị cao thông qua việc sử dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến như công nghệ nano và kỹ thuật y sinh.

Ngoài việc thiết kế quá trình, kỹ sư công nghệ hoá học còn nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp hoá chất và vật liệu. Vì vậy, việc khảo sát các thay đổi về thành phần, năng lượng hay trạng thái và tính chất kỹ thuật của vật liệu ở trạng thái tương ứng trở nên quan trọng.

Thông thường CNKTHH các Trường khác đào tạo theo các Chuyên ngành: Hữu cơ, Vô cơ, Hóa lý, Hóa phân tích.

Tuy nhiên, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học của trường đào tạo gồm 3 nhóm ngành:

1. Công nghệ kỹ thuật đổi sinh khối – vật liệu và tinh chế - Biomass Conversion and Refinery: 

- Trong đào tạo, tham gia thiết kế các quá trình, dụng cụ và thiết bị trong chuyển đổi sinh khối dưới dạng hóa sinh và hóa nhiệt, nhấn mạnh công nghệ chuyển đổi sinh khối thành nhiên liệu sinh học, vật liệu sinh học, chất bôi trơn sinh học, và kỹ thuật tinh chế vật liệu để ứng dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm theo hướng thân thiện môi trường.

- Trong nghiên cứu, đối với lãnh vực năng lượng sinh học, các hướng nghiên cứu dưới dạng hóa sinh như biodiesel và bioethanol; các hướng nghiên cứu dưới dạng hóa nhiệt như kỹ thuật hóa khí, nhiệt phân thành nhiên liệu khí và lỏng. Đối với lãnh vực vật liệu sinh học, các hướng nghiên cứu như sản xuất các vật liệu bao bì sinh học tự huỷ, chất bôi trơn sinh học, mỹ phẩm thiên nhiên, chất hoạt động bề mặt, dung môi và sợi có nguồn gốc từ vật liệu nông nghiệp, sản xuất hóa chất từ phụ phẩm của quá trình sinh khối như từ glycerol tạo ra propene hoặc isopropanol. Các quá trình nghiên cứu bao gồm tối ưu hóa, kỹ thuật sấy, vi bọc, chiết tách, công nghệ nano.

2. Công nghệ Kỹ thuật Hoá Thực phẩm và Hệ thống dược (Chemical-Food Engineering and Pharmaceutical systems):

- Trong đào tạo, tham gia thiết kế các quá trình, dụng cụ và thiết bị thực phẩm và dược phẩm như chưng cất, cô đặc, màng lọc, sấy phun, hấp phụ, kết tinh, bao phim, ép viên. Nhấn mạnh công nghệ chiết tách, công nghệ nhũ tương và bột & tổng hợp hương liệu để ứng dụng trong công nghệ sản xuất thực phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng và việc ứng dụng các hoạt chất tự nhiên trong các sản phẩm thân thiện môi trường.

- Trong nghiên cứu, gồm các lĩnh vực chiết tách tinh dầu, hoạt chất chống oxy hóa, hệ nhũ tương kép, công nghệ tinh bột biến tính, công nghệ bảo vệ hoạt chất như công nghệ vi bọc, công nghệ nano. Nghiên cứu các quá trình chuyển pha của vật liệu như quá trình chuyển hóa thủy tinh, quá trình kết tinh để ứng dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm

3. Công nghệ Kỹ thuật hóa sinh: Công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và vi sinh, Công nghệ tái sinh

- Trong đào tạo, tham gia thiết kế các quá trình, dụng cụ và thiết bị liên quan đến công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và vi sinh, công nghệ cao su, công nghệ tái sinh và xử lý môi trường. Tham gia kiểm soát dư lượng hóa chất trong mội trường, thực phẩm, dược phẩm, đất trồng. Nhấn mạnh ứng dụng kỹ thuật hóa học ít độc hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tăng cường ứng dụng công nghệ enzyme trong lĩnh vực hóa sinh nông nghiệp.

- Trong nghiên cứu, gồm các lĩnh vực chiết tách hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học ứng dụng trong thuốc bảo vệ thực vật, chế tạo phân bón thông minh dùng công nghệ vi bọc, tối ưu hóa, giảm chi phí năng lượng, thu hồi tài nguyên.

Câu 2: Là doanh nhân và là cựu sinh viên của BM Công nghệ hóa học, Bà đánh giá xu hướng thị trường việc làm ngành công nghệ kỹ thuật hóa học hiện nay và tương lai như thế nào? Sinh viên muốn khởi nghiệp từ ngành này thì nên chuẩn bị những gì? Nên bắt đầu từ đâu?

Bà Lê Thị Mỹ Tâm: Xin chào quý phụ huynh và các bạn học sinh.

- Ngành kỹ sư hóa là ngành mà rất dễ xin việc, làm nhiều vị trí từ QA, QC, R&D sản phẩm, phụ trách sản xuất, làm cho rất nhiều nhà máy sản xuất hóa chất, thực phẩm, nguyên liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, công nghệ… Cơ hội kiếm việc làm của ngành hóa rất cao so với những ngành khác.

- Nền tảng kiến thức của kỹ sư hóa, khi bạn có nền tảng về ngành hóa bạn tiếp nhận những ngành khác rất dễ. Ví dụ bạn làm trong ngành dược đi nếu bạn có chuyên môn hóa bạn sẽ học những kiến thức về dược rất nhanh.

- Nếu bạn đi bán hàng, bạn có kiến thức chuyên môn về hóa sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công việc.  dụ, bạn đi bán nước (suối, tinh khiết) thì bạn cũng biết giải thích cho khách hàng là nước có những thành phần gì? Những chất gì có trong nước tốt cho sức khỏe, những chất gì có trong nước không tốt cho sức khỏe.....

 - Nói đến khởi nghiệp thì chắc chắn bạn cần có một sản phẩm. Một giải pháp đáp ứng được thị trường hay là giải quyết một vấn đề của xã hội nên khi bạn học ngành hóa, bạn là kỹ sư bạn sẽ có cái góc nhìn của những người đi tìm giải pháp. Bạn sẽ có thể tự nghiên cứu ra cho mình một sản phẩm để khởi nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường mà bạn hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ kỹ thuật. Bạn dễ thành công hơn với những người khác.

- Câu chuyện bản thân: Học kỹ sư hóa, ra làm cho công ty gia công sản phẩm cho Nike, sau đó làm cho Bayer ( Dược, thú ý, cây trồng), sau đó ra ngoài đi dạy về thực phẩm chức năng, rồi khởi nghiệp về mỹ phẩm.

Câu 3: Em là nữ, em rất thích học hóa, các Anh/Chị khuyên em vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa học. Nhưng em đang băn khoăn không biết học ngành này ra trường có phải làm trong môi trường độc hại không ạ và có phù hợp với nữ không? Cơ hội việc làm của nữ như thế nào? Thầy/Cô tư vấn thêm giúp em ạ?

ThS. Vũ Thùy Anh: Xin chào quý phụ huynh và các bạn học sinh.

Ở thời điểm chọn lựa ngành học như hiện nay, các bạn thường băn khoăn, đắn đo và mất rất nhiều thời gian suy nghĩ xem ngành học nào phù hợp và có ảnh hưởng sức khỏe cho bản thân hay không là hoàn toàn hợp lý. Đối với ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, các khóa gần đây tỉ lệ sinh viên nữ học ngành này khoảng 60% so với sinh viên toàn ngành học. Đặc thù ngành học cần sự cẩn thận, kiên nhẫn và chính xác vì thế các bạn có khả năng tập trung làm việc tốt thì rất phù hợp.

Khi học ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức và biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của hóa chất đối với sức khỏe, cách sử dụng và chọn lựa những hóa chất an toàn và bảo vệ môi trường. Khi đi làm, chúng ta sẽ có nhiều công việc ở các bộ phận khác nhau, không phải tất cả công việc đều tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, vì thế các bạn có thể chọn lựa những công việc khác nhau phù hợp với sở thích, tình trạng sức khỏe và năng lực của mình. Công nhân thường tiếp xúc trực tiếp hơn là kỹ sư. Các vị trí làm việc khác như phòng kỹ thuật, kinh doanh, marketing, kiểm tra chất lượng, phát triển sản phẩm, quản lý phân xưởng,.., ít tiếp xúc hóa chất hơn. Tuy nhiên, các công ty có cách bảo hộ tốt thì không có vấn đề gì và mình cũng cần tuân thủ và thuộc nằm lòng những hướng dẫn an toàn để đảm bảo sức khỏe.

Cơ hội việc làm đối với nữ trong ngành học này như thế nào?

Cơ hội làm việc như nhau giữa con trai và con gái. Tuy nhiên, tùy theo tính chất công việc, điều kiện sức khỏe mà chúng ta có những công việc phù hợp cho nữ hơn và những việc bạn nam làm thì sẽ có thuận lợi hơn.

Các bạn sau khi hoàn thành chương trình học, với tấm bằng kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật hóa học. Em sẽ làm việc nhiều công việc thuộc các lĩnh vực liên quan hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm hay thực phẩm. Chức năng của em là kỹ sư, có thể ở phòng kỹ thuật, phòng kiểm nghiệm, phòng kiểm soát chất lượng sản phẩm, hay ở phân xưởng sản xuất. Nơi làm việc có thể là công ty, nhà máy, trung tâm nghiên cứu, .. hoặc em có thể tiếp tục học cao học nếu thích nghiên cứu, giảng dạy và làm tại các Viện, Trường. 

Câu 4: Em rất yêu thích nghiên cứu khoa học, khi theo học ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học Nông Lâm thì em có nhiều cơ hội để tham gia hay không? Thầy/Cô nói thêm về cơ hội du học và làm việc nước ngoài của ngành này?

PGS.TS. Trương Vĩnh: Ngành CNKT HH ĐHNL luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho sv nghiên cứu. Các lĩnh vực nghiên cứu rất rộng rãi bao gồm xây dựng qui trình công nghệ cho đến cải tiến phát triển sản phẩm trong các lĩnh vực liên quan hóa học thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm nông nghiệp. Việc nghiên cứu của sinh viên thông qua các đề tài nhóm sinh viên, đề tài tốt nghiệp. Do vậy, sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học có rất nhiều cơ hội để tham gia.

Đối với việc đi du học và làm việc nước ngoài, điều kiện quan trọng là sinh viên phải có nền tảng ngoại ngữ tốt. Việc học ngoại ngữ do phía sinh viên tự trang bị. Đối với du học, sv sẽ theo học cao học về CNHH, được mở rộng rãi ở nhiều quốc gia. SV có thể nộp hồ sơ học bổng từ các tổ chức quốc tế như “Japanese Government Scholarships”, “New Zealand Scholarships for International Students”, Hàn Quốc hoặc các nước Âu Mỹ.

Đối với cơ hội làm việc nước ngoài, đã có nhiều SV CNHH ĐHNL có ngoại ngữ tốt đang làm việc ở Singapore, Nhật Bản, Úc. Cơ hội du học và làm việc nước ngoài không những chỉ có kiến thức mà còn phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và khả năng ngoại ngữ của sinh viên. Do vậy, SV nào quan tâm điều này phải có kế hoạch để trang bị ngoại ngữ tốt.

Câu 5: Em thích nghiên cứu các loại mỹ phẩm làm đẹp. Thầy/Cô cho em biết sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, em có thể làm các công việc liên quan đến bào chế các sản phẩm làm đẹp hoặc làm việc trong các lĩnh vực dược được không?

ThS. Vũ Thùy Anh: Nếu em thích nghiên cứu về các sản phẩm làm đẹp thì các môn học của ngành công nghệ kỹ thuật hóa học sẽ đáp ứng cho sự yêu thích của em, đồng thời các môn học này sẽ là kiến thức nền giúp em thuận lợi cho công việc tương lai theo định hướng.

Về chương trình đào tạo, đối với chuyên ngành “Chuyển đổi sinh khối và tinh chế”, các môn học “Mỹ phẩm thiên nhiên”, “Công nghệ hóa hương liệu”, “Hoạt chất bề mặt”, giúp các em những kiến thức liên quan đến mỹ phẩm. Do vậy các em có thể làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này.

Với chuyên ngành “CNKT hóa thực phẩm và hệ thống dược”, các môn học “Thực phẩm chức năng dược”, “Công nghệ dược”, “Dược thiên nhiên”, “Hóa dược”, “hóa phân tích” là các môn học mà SV được trang bị để có thể làm việc trong các lĩnh vực liên quan ngành dược hoặc thực phẩm để kiểm soát quá trình sản xuất, phân tích chất lượng sản phẩm.

Bà Lê Thị Mỹ Tâm: Là một người đã làm ngành thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhiều năm thì 2 ngành này là 2 trong những ngành đã, đang và sẽ rất phát triển.

1. Thị trường lớn: Làm đẹp và sức khỏe là các ngành luôn luôn phát triển chứ không bị loại bỏ.

2. Hiểu biết của người tiêu dùng ngày càng cao, chú trọng vào lựa chọn những sản phẩm tốt, chất lượng là từ thiên nhiên. Tầm 5 năm trở lại đây Mỹ phẩm thiên nhiên và thực phẩm chức năng được người dùng lựa chọn nhiều hơn. Chính vì thế, việc bào chế ra những nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường rất cao.

3. Ngành bào chế bạn làm ở các công ty nguyên liệu, các phòng R&D của công ty SX mỹ phẩm, dược phẩm, hương liệu,……

4. Hiện nay có một loại mỹ phẩm người ta hay gọi là nước thần, chính là những nguyên liệu bào chế ra, đùng đơn thuần một mình nó. Chúng ta thấy ngày càng được chú ý bởi những thành phần thuần thiên nhiên.

Câu chuyện bản thân: Thương hiệu Mỹ phẩm MITA

Câu 6: Em được biết “Ngành hóa học xanh” đang là xu hướng phát triển mới của xã hội, vậy khi em theo học ngành công nghệ kỹ thuật hóa học ở trường Đại học Nông Lâm TP.HCM thì em có được học những kiến thức liên quan và vận dụng để chế tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường không ạ?

PGS.TS. Trương Vĩnh: Định hướng thân thiện môi trường là một trong những mục tiêu của Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Do vậy, trong chương trình đào tạo của Ngành CNHH đã có bố trí nhiều môn học liên quan trong những chuyên ngành khác nhau đã giới thiệu ở trên (3 chuyên ngành), ví dụ các môn “Phân lập hợp chất thiên nhiên”, “Mỹ phẩm thiên nhiên”, “Kỹ thuật nhiên liệu sinh học”, “Chất bôi trơn và Vật liệu sinh học”, “Dược chất thiên nhiên”.

Đó là các môn học giúp các em có nền tảng kiến thức phần liên quan đến ứng dụng của hóa học xanh để hiểu và từ đó vận dụng trong chế tạo các sản phẩm thân thiện môi trường, giảm tính độc hại của sản phẩm khi sử dụng các hoạt chất thiên nhiên thay cho hóa chất tổng hợp.

Câu 7: Trước kỳ tuyển sinh đại học sắp tới, Thầy/Cô có lời khuyên gì dành cho các bạn thí sinh? Cũng như Thầy/Cô cho biết thêm những tố chất cần thiết khi theo học ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học?

PGS.TS. Trương Vĩnh: Ngành Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Nông Lâm TP HCM hiện tại tuyển sinh dựa vào 4 tổ hợp sau đây:

1. Toán, Lý , Hóa

2. Toán, Hóa, Sinh

3. Toán, Hóa, Tiếng Anh

4. Toán, Lý, Tiếng Anh

Đối với những thí sinh có học bạ tốt của 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm 12) thuộc một trong 4 tổ hợp trên thì dễ có khả năng trúng tuyển trong 40-50% chỉ tiêu CNHH (160 chỉ tiêu). Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho tuyển sinh, cần tập trung làm bài tốt kỳ thi phổ thông do Bộ GDĐT tổ chức vào tháng 8 (môn Toán, Khoa học tự nhiên và ngoại ngữ), và phải đạt tốt nghiệp phổ thông.

Để học tốt ngành CNKTHH, tổng quát các em cần các kiến thức Toán, Lý, Hóa và Sinh. Tuy nhiên, toán học và hóa học là các môn các em cần có kiến thức khá cơ bản. Nắm vững kiến thức toán học giúp các em dễ tiếp thu phần công nghệ và kỹ thuật. Và khi áp dụng vào công nghiệp hóa chất thì kiến thức hóa học rất cần. Ngoài ra, kiến thức hóa học còn áp dụng trong các lĩnh vực hóa dược, hóa thực phẩm. Môn tiếng Anh giúp cho việc đọc và tìm tài liệu phong phú hơn, rộng rãi hơn, từ đó học tốt hơn. Kiến thức tốt về vật lý và sinh học sẽ bổ trợ trong việc tiếp thu kiến thức liên quan đến đặc tính vật liệu, sự biến đổi và tương tác của vật liệu hoặc sản phẩm với môi trường.

Siêng năng, cần cù, đam mê là những tố chất cần thiết để học tốt ngành CNKTHH.

Bà Lê Thị Mỹ Tâm: Kỹ năng mềm tốt sẽ dễ thành công khi đi xin và làm việc.

ThS. Vũ Thùy Anh: Cô xin chia sẻ vài kinh nghiệm bản thân khi sắp bước vào những kì thi quan trọng.

Quan trọng nhất là tâm trạng thoải mái, sau đó là ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng và cuối cùng là tập thể dục thư giãn cơ thể. Tinh thần vui vẻ thoải mái giúp mình học bài dễ nhớ hơn cùng với việc ăn uống đảm bảo sức khỏe thì cũng tập vài động tác thể dục giúp giãn cơ thể và thư giãn một chút bằng cách nghe nhạc hay xem hài kịch ….

Hít một hơi thật sâu lấy bình tĩnh tự tin trước khi làm bài.

Chúc các bạn bước vào kì thi quan trọng này thật tự tin và thành công nhé.

BTC lược ghi

 

Số lần xem trang: 2714
Điều chỉnh lần cuối: 28-04-2020

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : chín năm ba bốn bốn

Xem trả lời của bạn !

logolink