Sáng ngày 25/6/2020 vừa qua, nhà trường đã tổ chức Tọa đàm “Thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế và định hướng chiến lược quốc tế hóa đại học”. Tham dự chương trình có GS-TS Bùi Cách Tuyến, Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TPHCM; PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng thường trực; TS Bùi Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Bí thư Đảng ủy; TS Trần Đình Lý- Phó Hiệu trưởng cùng khoảng 100 đại diện từ các đơn vị phòng/Ban, Khoa/BM trong trường.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng nêu rõ, Tọa đàm “Thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế và định hướng chiến lược quốc tế hóa đại học” là một chương trình quan trọng nhằm đánh giá lại thực trạng công tác hợp tác quốc tế trong suốt 10 năm qua; đồng thời đề ra định hướng chiến lược quốc tế hóa đại học cho giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030.
Tọa đàm đã được nghe báo cáo về thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế cùng 4 tham luận từ các đại diện phụ trách các công việc liên quan. Cụ thể: Báo cáo thực trạng hoạt động quốc tế của nhà trường thời gian qua đã được TS Nguyễn Ngọc Thùy- Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế trình bày. Báo cáo đã tổng kết hoạt động hợp tác Quốc tế giai đoạn 2010-2020 và phương hướng hoạt động 2020-2030. Theo báo cáo, công tác hợp tác quốc tế của trường thời gian qua đã được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; cơ bản đã đạt được mục tiêu và chiến lược đề ra. Nhà trường đã và đang thực hiện các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, bước đầu có những thành công đáng kể, góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho nhà trường; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Báo cáo cũng nhấn mạnh, dù có những điểm sáng và những thành công trong hợp tác quốc tế nhưng công tác hợp tác quốc tế của nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế và cần được chú trọng hơn trong tương lai.
TS Bùi Ngọc Hùng trình bày với Tọa đàm về quản trị đại học trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa đại học. Báo cáo nhấn mạnh quốc tế hóa đại học sẽ trở thành một trong những điều kiện tiên quyết giúp cho nhà trường bắt kịp với sự phát triển của khu vực và quốc tế, sau đó có thể phát triển bền vững và khẳng định vị thế trường hàng đầu về lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp trong hệ thống của giáo dục Việt Nam. Vậy nên, việc thay đổi hệ thống quản trị đại học của Trường ĐHNL TPHCM để đáp ứng xu hướng xây dựng trường đại học 3GU trong giai đoạn hội nhập quốc tế là tất yếu.
Các tham luận: “Công tác đào tạo trong xu thế hội nhập quốc tế” (PGS-TS Lê Anh Đức trình bày), “Quá trình hội nhập quốc tế của Chương trình Tiên Tiến ngành Công nghệ Thực phẩm” (PGS-TS Phan Tại Huân trình bày), “Vai trò hợp tác quốc tế trong 20 năm phát triển chương trình ngành Công nghệ Sinh học (PGS-TS Lê Đình Đôn trình bày) đã cung cấp cho hội nghị một bức tranh từ toàn cảnh đến chi tiết, đặc biệt là các “case study” từ công tác hợp tác quốc tế từ BM CNSH và Viện CNSH trong tham luận chia sẻ của PGS-TS Lê Đình Đôn đã minh họa sống động cho những khó khăn cũng như thuận lợi, những thành quả và sự trải nghiệm của đơn vị trong 20 năm thành lập- trưởng thành và phát triển trong lĩnh vực hợp tác quốc tế như ngày hôm nay.
Chia sẻ với tọa đàm về những cơ hội và thách thức của nhà trường trong quá trình quốc tế hóa, GS-TS Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh yếu tố con người, ý nghĩa của việc thu hút và giữ được người tài trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập. Giáo sư cũng trăn trở với Tọa đàm và mong muốn nhà trường cùng đội ngũ các chuyên gia chú trọng hơn nữa vai trò của “người dẫn đầu” đã có từ trước về các lĩnh vực thế mạnh của nhà trường. Đây là một trong những yếu tố khẳng định uy tín và thương hiệu của trường đầu ngành đối với trong nước và quốc tế.
Với sự dẫn dắt của PGS-TS Phan Tại Huân trong phần thảo luận, Tọa đàm sôi nổi bởi những chia sẻ thảo luận từ GS-TS Dương Nguyên Khang, PGS-TS Nguyễn Huy Bích, GS-TS Nguyễn Kim Lợi, PGS-TS Lê Quốc Tuấn, TS Phạm Văn Tính, PGS-TS Nguyễn Tri Quang Hưng, Th.S Võ Ngàn Thơ,... Các đại biểu đã bày tỏ tâm huyết cũng như chia sẻ những trở ngại gặp phải trong công tác hợp tác quốc tế 10 năm qua và đóng góp về định hướng thiết thực trong thời gian tới; khẳng định vai trò công tác hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng giúp đảm bảo bước tiến vững chắc của nhà trường trong quá trình quốc tế hóa đang diễn ra mạnh mẽ thời gian gần đây.
PHÒNG CTSV
Số lần xem trang: 2450
Điều chỉnh lần cuối: 26-06-2020