Chương trình tiêm phòng dại vì cộng đồng được triển khai tại huyện Đức Huệ, Long An. Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương phòng chống bệnh dại, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập và hoạt động cộng đồng của trường.
Sáng ngày 7/5/2021, tại trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã diễn ra buổi lễ tổng kết chương trình tiêm phòng dại vì cộng đồng.
Chương trình tiêm phòng dại vì cộng đồng được triển khai tại 11 các phường/xã/thị trấn huyện Đức Huệ, Long An. Khoa Chăn nuôi- Thú y, trường ĐH Nông Lâm TPHCM phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Chi cục Chăn nuôi Thú Y và Thủy sản tỉnh Long An tổ chức. Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam tài trợ các chi phí liên quan.
Lực lượng tham gia có 40 SV đến từ ngành Thú y trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nòng cốt là thành viên thuộc câu lạc bộ Một sức khỏe TP. Hồ Chí Minh (One Health).
Sinh viên thực hiện tiêm ngừa cho vật nuôi tại địa phương
Diễn ra trong vòng 10 ngày (từ ngày 26/4), đoàn đã triển khai tiêm ngừa bệnh dại gần 6.000 con chó, mèo (đạt tỉ lệ khoảng 80%- đạt tiêu chuẩn miễn dịch cộng đồng).
Bên cạnh việc tiêm ngừa, các sinh viên đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng chống bệnh dại, giúp họ nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
“Bệnh dại đã được xác định là bệnh nguy hiểm nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Huyện Đức Huệ là một trong những huyện giáp biên giới với Campuchia, điều kiện còn khó khăn, tỉ lệ tiêm phòng cho vật nuôi trước nay ở tỉ lệ dưới mức trung bình và ý thức của người dân về phòng chống bệnh dại chưa cao. Địa bàn này cũng đã có người chết vì bệnh dại do chó, mèo truyền sang trong những năm vừa qua”- PGS-TS Lê Quang Thông- Trưởng khoa CNTY trường chia sẻ lý do chọn Đức Huệ để thực hiện tiêm phòng dại cho chó mèo lần này.
Sinh viên thực hiện khảo sát và cung cấp thông tin nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại cho người dân
Trong chương trình, Bà Lê Thị Mai Khanh- chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản của tỉnh Long An bày tỏ sự cảm kích hoạt động của nhà trường đối với địa phương. Bà mong địa phương tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ nhà trường trên nhiều phương diện: cây trồng, vật nuôi, thủy sản,…
“Phục vụ cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch chiến lược của nhà trường trong quá trình phát triển trường theo hướng trở thành trường đại học nghiên cứu. Đây là một trong những chương trình mang ý nghĩa đó”- PGS-TS Nguyễn Tất Toàn, Phó hiệu trưởng trường phát biểu trong buổi lễ.
Ngoài các chương trình thực hành thực tập khác, việc tổ chức cho sinh viên năm 3,4 ngành Thú Y của trường trực tiếp đến các địa phương tiêm phòng dại cho vật nuôi diễn ra hàng năm.
Theo đó, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 200 sinh viên tham gia các đợt tiêm phòng dại tại các huyện ngoại thành của thành phố như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Quận 12, cũng như các địa phương lân cận như Đức Hòa, Đức Huệ (Long An),… PGS-TS Lê Quang Thông cho biết thêm.
Đoàn tiêm ngừa chụp hình lưu niệm tại lễ ra quân
“Qua hoạt động thực tế tại các địa phương như thế này, chúng em vừa được áp dụng kiến thức đã học, vừa được học hỏi, trau dồi các kỹ năng: làm việc nhóm, kỹ năng thuyết phục, đàm phán, truyền thông và cả kỹ năng lãnh đạo. Đặc biệt hơn là cảm thấy mình đã làm được những việc có ích góp phần phòng chống bệnh dại - một cơ hội được cọ xát thực tế và rèn nghề thiết thực” –Võ Ngọc Vinh lớp DH17DY, sinh viên tham gia chương trình chia sẻ.
Thú Y là một trong những ngành “hot” hiện nay. Điểm chuẩn vào ngành này tại trường ĐH Nông Lâm TPHCM luôn ở mức cao, đặc biệt là những năm gần đây. Sinh viên ra trường được doanh nghiệp săn đón bởi chất lượng về kiến thức- kỹ năng và thái độ làm việc tốt.
PCTSV
Số lần xem trang: 2468
Điều chỉnh lần cuối: 08-05-2021