Sản xuất giống cá rô phi toàn đực” là quy trình chuyển giao nổi tiếng cho nhiều tỉnh thành nuôi trồng thủy sản ở miền Nam từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến nay, ứng dụng của thành quả chuyển giao, cá rô phi toàn đực là một trong những thủy sản quan trọng của vùng ĐB Sông Cửu Long
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tư- một trong những người đầu tiên đưa quy trình công nghệ từ nước ngoài về để triển khai thành công ở nước ta.
Cơ duyên đến với ngành thủy sản
“Quê tôi ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một tỉnh có biển với làng đánh cá nổi tiếng Phước Tỉnh. Tôi chọn học ngành Ngư nghiệp (nay là Thủy sản) với mong muốn đóng góp cho nghề cá quê nhà”.
Thầy Nguyễn Văn Tư cùng các sinh viên cho sinh sản nhân tạo cá trê Phú Quốc
“Sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn được giữ lại khoa làm giảng viên nên có cơ hội đi cùng ngành và Khoa Thủy sản cho đến khi về hưu”. - Lý do giản dị ấy giúp Thủy sản có thêm một giảng viên và một chuyên gia với các công trình nghiên cứu – chuyển giao trong ngành.
Thầy Nguyễn Văn Tư sinh năm 1955 trong một gia đình đông anh chị em ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Năm 1973, Thầy trúng tuyển vào Học viện quốc gia nông nghiệp năm 1973 (tên của trường ĐH Nông Lâm TPHCM thời điểm đó). Sau khi tốt nghiệp, Thầy được giữ lại khoa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và kinh qua một số vị trí lãnh đạo tại đơn vị cho đến lúc nghỉ hưu.
Thầy có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Khoa Thủy sản và có nhiều công trình nghiên cứu, chuyển giao đạt hiệu quả kinh tế lớn cho các địa phương. Các công trình gắn liền với Khoa Thủy sản, trong đó có sự đóng của thầy, có thể kể đến như: nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống cá trê phi, cá trê lai (lai giữa trê phi và trê vàng), quy trình sản xuất giống cá rô phi toàn đực, quy hoạch nuôi tôm nước lợ ở Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh, …
Những nghiên cứu này đã góp phần phát triển phong trào nuôi cá trê phi và trê lai, cá rô phi toàn đực, tôm nước lợ,… tạo ra nguồn thực phẩm thủy sản quan trọng và nguồn lợi kinh tế cao cho người dân.
Chuyện nghề và quy trình sản xuất giống cá rô phi toàn đực
Thầy là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, kết nối và triển khai các đề tài hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước cho khoa/trường trong lĩnh vực thủy sản qua các chương trình/dự án như Chương trình Mở rộng thủy sản của AIT (AIT Aqua Outreach Programme) do DANIDA (Đan Mạch), SIDA (Thụy Điển) tài trợ, Dự án quản lý và phát triển nghề cá hồ chứa ở Việt Nam do ACIAR (Úc) tài trợ, … giúp khoa nâng cấp về chương trình đào tạo, nhân lực, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành thực tập và nghiên cứu, các giảng viên của khoa được các chuyên gia tập huấn về xây dựng đề cương môn học, phương pháp giảng dạy,…
Thầy Nguyễn Văn Tư cùng sinh viên đi thu mẫu cá trê Phú Quốc cho đề tài nghiên cứu
Trong đó chương trình “Mở rộng thủy sản” của AIT có thể được ghi nhận như là ‘cú hích’ cho sự phát triển của Khoa Thủy sản cũng như xây dựng tốt mối liên kết và hợp tác với các địa phương ngày nay.
Khi kể về “cái duyên” với quy trình sản xuất giống cá rô phi toàn đực - công trình chuyển giao nổi tiếng toàn miền nam trong những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Thầy chia sẻ, năm 1995 Thầy may mắn được cử đi tập huấn về ‘Qui trình sản xuất giống rô phi toàn đực’ tại Học viện công nghệ Á Châu (AIT) ở Thái Lan.
Nhận thấy việc nuôi cá rô phi với con giống toàn đực sẽ cho năng suất cao hơn so với con giống bình thường, sau khi về Việt Nam, thầy cùng đồng nghiệp bắt tay vào đề tài thử nghiệm qui trình sản xuất giống rô phi toàn đực với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Tp.HCM.
Đề tài đã thiết kế hệ thống sản xuất giống cá rô phi toàn đực với những trang thiết bị được cải tiến tại trại thực nghiệm của Khoa Thủy sản, tổ chức tập huấn cho nhiều cán bộ của các trại cá giống ở Tp. HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
“Qui trình sản xuất giống rô phi toàn đực” sau đó được chuyển giao cho nhiều đơn vị ứng dụng sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao như: Công ty dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Tp.HCM (năm 1997), Trung tâm Khuyến ngư Sóc Trăng (2001), Trại thực nghiệm giống Thủy sản Ðồng Tháp (2002), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Trung tâm giống Thủy sản Quảng Ngãi (2003), Trung tâm khuyến ngư Bình Ðịnh và Trung tâm khuyến ngư Quảng Nam (2004).
Thầy Nguyễn Văn Tư hướng dẫn quy trình cho cán bộ địa phương
Thầy cũng từng chủ trì dự án chuyển giao công nghệ “Sản xuất giống cá rô phi toàn đực” (2004-2006) cho 6 tỉnh mới ở phía Nam (Công ty khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, Trung tâm khuyến ngư Bình Thuận, Trung tâm khuyến ngư Bến Tre, Trung tâm khuyến ngư Tiền Giang, Trung tâm khuyến ngư Cà Mau và Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Vĩnh Long).
Bên cạnh thành quả về chuyển giao quy trình sản xuất giống cá rô phi toàn đực, Thầy còn có nhiều đóng góp cho ngành trên qua những hoạt động nghiên cứu cùng các đồng nghiệp tại khoa về các giống cá tôm khác như giống cá trê phi, tôm nước lợ, …
Cùng các giảng viên và sinh viên của khoa, Thầy đã góp phần quan trọng trong việc xác định cá trê Phú Quốc là loài mới của thế giới với tên khoa học Clarias gracilentus và sản xuất giống nhân tạo giúp bảo tồn loài cá đặc hữu của đảo Phú Quốc trong công trình “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh sản nhân tạo cá trê Phú Quốc” (năm 2009).
HL
Số lần xem trang: 2504
Điều chỉnh lần cuối: 24-05-2021