Với mức 6,6%/năm, lãi suất cho vay tín dụng sinh viên đang cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Đại diện các trường đại học (ĐH) và sinh viên (SV) đều có kiến nghị điều chỉnh mức lãi suất phù hợp hơn cho người học thuộc gia đình khó khăn vay tiền học tập.
Lãi suất vay tín dụng sinh viên đang quá cao
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chính sách tín dụng đối với SV bắt đầu thực hiện từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng. Từ 1998 đến nay, quy định về tín dụng SV đã được sửa đổi nhiều lần nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục ĐH. Vì vậy, chính sách này vẫn có nhiều hạn chế về đối tượng được vay, mức vay khá thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay còn phức tạp.
Cũng theo ông Quân, lãi suất cho vay hiện còn cao. Lãi suất cho vay đang áp dụng tại thời điểm năm 2021 là 6,6% năm. Đây là mức lãi suất khá cao cho đối tượng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong khi mức cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở xã hội từ 3 - 4,8%/năm.
“Mức lãi suất này cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước và tương đương với mức lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại áp dụng ưu đãi cho cán bộ nhân viên hoặc một số chương trình ưu đãi khác. Rõ ràng có sự bất hợp lý trong việc áp dụng lãi suất ưu đãi đối với tín dụng SV”, ông Quân phân tích.
Không chỉ vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quốc hội vừa đồng ý bổ sung 3.000 tỉ đồng để người học vay ưu đãi theo đề nghị của Chính phủ. Học sinh, SV có hoàn cảnh khó khăn được vay để mua máy tính phục vụ học trực tuyến, với lãi suất cũng ở mức 6,6%/năm.
Lãi suất cao trong khi nhu cầu vay vốn của người học hiện đang rất lớn. Một khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM gần đây cho thấy dịch Covid-19 đã khiến gần 60% gia đình các SV bị mất ít nhất một phần thu nhập. Do đó, nhu cầu vay vốn của học sinh, SV để mua máy tính, trang trải chi phí học tập là lớn. Có đến trên 52% trong số 39.000 SV tham gia khảo sát đề nghị có chính sách hỗ trợ SV gặp khó khăn.
Tương tự, một thống kê của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho thấy số SV có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết. Từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, trường này có khoảng 4.400 SV làm giấy xác nhận để vay vốn. Tuy nhiên, số SV được vay từ ngân hàng chính sách địa phương chỉ khoảng 2.500 người. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV trường này, cũng cho rằng hiện lãi suất 6,6% là khá cao.
Sinh viên xin giấy xác nhận làm thủ tục vay vốn học tập tại một trường ĐH
Nguồn: thanhnien.vn
Số lần xem trang: 2401
Điều chỉnh lần cuối: 17-01-2022