Chiều 28/3, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý I/2023, nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới. Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo.
Tội phạm và nạn nhân không gặp nhau ngoài đời
Trả lời câu hỏi phóng viên báo chí về việc, thời gian qua có nhiều vụ lừa đảo qua mạng, sử dụng trí tuệ nhân tạo cắt ghép hình ảnh lừa đảo, gây hoang mang dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, các đối tượng phạm tội và nạn nhân giờ không trực tiếp gặp nhau mà gặp nhau trên không gian mạng.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời tại họp báo (Ảnh: Mạnh Quân)
"Trước đây, tội phạm mạng chủ yếu liên quan việc giả danh các cơ quan tư pháp, như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo. Gần đây, các đối tượng chuyển sang hình thức tìm việc làm, tham gia chứng khoán, mua tiền ảo, nợ tiền điện thoại, tai nạn giao thông... diễn biến rất phức tạp, sử dụng những hình ảnh cắt ghép, đưa các quyết định tố tụng của các cơ quan tố tụng lên mạng thực hiện hành vi lừa đảo để các bị hại sợ, tin, buộc phải chuyển tiền", Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin.
Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác, tích cực điều tra, xác minh, xác định đây là tội phạm không biên giới, có gắn kết với người nước ngoài. Công an TP Hà Nội từng chủ trì một chuyên án dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cũng như các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, qua đó đấu tranh bắt giữ một ổ nhóm liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền tại Campuchia; đã truy nã các đối tượng cầm đầu người Trung Quốc. Hiện Bộ Công an đặc biệt quan tâm, các Cục nghiệp vụ đều vào cuộc, có nhiều buổi làm việc với các nước bạn, phối hợp tương đối tốt.
"Xác định tội phạm chính không phải nằm ở Việt Nam mà ở nước ngoài, thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp tương trợ tư pháp, điều tra chung để bắt giữ các loại tội phạm này", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh và cho biết, Công an TP Hà Nội trước đây từng có sáng kiến gắn biển cảnh báo đối với các hành vi lừa đảo chuyển tiền ở các điểm giao dịch ngân hàng, tuy nhiên nhiều người dân không nghiên cứu báo chí, truyền hình nên vẫn "sập bẫy".
Dùng công nghệ Deepfake để giả hình ảnh, âm thanh
Bổ sung thêm về nội dung trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay các đối tượng đã sử dụng công nghệ Deepfake (là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI) vào các mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công nghệ Deepfake được dùng để giả hình ảnh, giọng nói của người khác. Các đối tượng sử dụng công nghệ này để giả giọng nói, hình ảnh người quen của bị hại trên mạng xã hội rồi tương tác với bị hại. Khi chiếm được lòng tin của bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện các giao dịch tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục A05 thông tin tại cuộc họp báo (Ảnh: Mạnh Quân)
"Khi chiếm được lòng tin của bị hại bằng công nghệ Deepfake, các đối tượng thường lấy lý do vay tiền, chuyển tiền giúp cho con đi học,... rồi chiếm đoạt", Trung tá Triệu Mạnh Tùng nói.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Hùng, gần đây đã có một số bị hại bị lừa đảo bởi công nghệ Deepfake. Trước thực trạng này, A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, tuyên truyền phổ biến về thủ đoạn phạm tội này đến đông đảo quần chúng nhân dân.
"Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ đã tổ chức làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng. Từ đó tìm cách làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, tiến tới các tài khoản ngân hàng phải được mở tài khoản chính chủ", Theo Trung tá Triệu Mạnh Hùng nói và cho biết thêm, thời gian tới cơ quan chức năng cũng tính đến việc "định danh thực hiện giao dịch" để đảm bảo kiểm soát tốt dòng tiền giao dịch và phong tỏa được dòng tiền mà tội phạm lừa đảo xảy ra.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao (Ảnh: Công an cung cấp)
Về kiến nghị, Trung tá Triệu Mạnh Hùng khuyến cáo người dân cần cập nhật thêm thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội. Bởi khi người dân đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội thông qua ứng dụng của bên thứ 3 rất dễ bị mất quyền đăng nhập vào tài khoản. Thông qua việc chiếm đoạt quyền đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội các đối tượng sẽ dùng công nghệ Deepfake để tương tác với bạn bè, người thân của bị hại rồi thực hiện các hành vi phạm tội.
"Người dân phải có cảnh giác cao khi những người quen tương tác với mình qua mạng xã hội mà có yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường. Khi được yêu cầu chuyển tiền, người dân nên kiểm tra qua các kênh liên lạc chính thống để liên hệ trực tiếp với người đó trước khi thực hiện giao dịch tài chính, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo", Trung tá Triệu Mạnh Hùng nói.
Nguồn: dantri.com.vn
Số lần xem trang: 2528
Điều chỉnh lần cuối: 30-03-2023