“Dạy học là một công việc cao cả và giàu tính nhân văn. Người làm thầy dạy học chỉ có thể thành người thầy chính nghĩa, đầy đủ bản lĩnh khi con người của thầy mang đầy đủ 2 yếu tố “tâm”, “lực” và biết dạy cho học sinh đứng vững trên đôi chân của mình”.
CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ!
Tôi về thăm lại trường Trung học phổ thông Tư thục Việt Thanh vào một ngày trung tuần tháng 9. Ngôi trường tôi “lỡ” nặng duyên từ lần gặp đầu tiên – ngày tôi còn lăn lộn trong nghề báo. Gần nửa thập kỷ trôi qua, đến bây giờ ấn tượng lần đầu tiên gặp vị lãnh đạo cao nhất của trường kỳ lạ thay vẫn nguyên trong tâm trí tôi.
Tôi nhớ rõ lần gặp đầu tiên ấy, mục đích là tìm hiểu để viết về thầy, vẽ chân dung của một hiệu trưởng điển hình trong thời đại mới nhưng tôi đã không thành công bởi càng nói chuyện với thầy càng thấy thầy lạ lắm, không giống hình mẫu tôi tưởng tượng. Gõ cửa phòng làm việc của Hiệu trưởng, tôi chỉ thấy một ông giáo, khuôn mặt hơi gầy, mái tóc đã ngả màu, giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng, đầy tin cậy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao ý định viết về thầy nung nấu mãi rồi tôi lại không thể nào chắp bút.
Thầy mời tôi cùng ăn trưa với thầy, với hiệu phó và cả… hơn 800 học sinh. Ở ngôi trường Việt Thanh này, từ học sinh cho đến thầy cô và cả Ban giám hiệu chế độ ăn không phân biệt. Nghe thầy kể chuyện, thấm thía phần nào những nốt trầm bổng của cuộc đời cũng như hiểu hơn những trăn trở về giáo dục không nguôi của một bậc giáo dục lão thành.
PGS-TS Đoàn Văn Điện sinh năm 1937 tại Phú Yên. Năm 17 tuổi, ông đã phải xa gia đình tập kết ra Bắc vào học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Toán Lý. Tháng 7 năm 1957, tốt nghiệp ra trường ông về dạy môn vật lý tại Đại học nông lâm Hà Nội, vừa dạy vừa theo học với chuyên gia Liên Xô (cũ) về cơ khí nông nghiệp, và một năm sau đó trở thành giảng viên môn Máy nông nghiệp thuộc khoa Cơ khí nông nghiệp. Ông là giảng viên của đại học nông nghiệp I - Hà Nội, năm 1972, sau Hiệp định Paris, ông được điều động tham gia Đoàn của Chính phủ VNDCCH vào Nam theo yêu cầu của Chính phủ LTCHMNVN, với nhiệm vụ khảo sát lập kế hoạch phát triển nông nghiệp tự túc vùng “da beo” khu vực B2 (thuộc Trung ương cục miền Nam). Ông tham gia thành lập trường Trung học nông nghiệp B2 (sau khi nước nhà thống nhất là trường Trung học nông nghiệp Long Định) và làm Hiệu phó, sau đó là Hiệu trưởng. Tháng 8 năm 1975. ông được điều động về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp IV TPHCM (nay là Đại học Nông Lâm TPHCM) với nhiệm vụ xây dưng khoa Cơ khí nông nghiệp. Những nổ lực không mệt mỏi của thầy, với phương châm “học tập nghiên cứu gắn liền với sản xuất” thương hiệu “sinh viên khoa cơ khí đại học Nông Lâm TPHM” trở nên nổi tiếng, một khoa ban đầu chỉ có không đến hai chục sinh viên với năm, sáu giảng viên, chẳng bao lâu sau khoa cơ khí trở thành một trong những khoa lớn của trường với số lượng hàng trăm sinh viên nhập học mỗi năm. Với những thành quả và khả năng của mình, năm 1982 ông được cử đi tu nghiệp quản lý tại Liên Xô, chưa đầy hai năm sau (chưa tốt nghiệp về nước), ông được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp quyết định tham gia vào thành phần Ban giám hiệu trường. Năm 1988, do nhiều nguyên nhân, ông xin thôi giữ chức Phó hiệu trưởng. Nguyện vọng được lãnh đạo Bộ GD&ĐT chấp nhận, ông lại được làm việc hết sức lực và tâm huyết cho những gì ông yêu thích: giảng dạy và nghiên cứu.
Thực hiện ước mong giản dị “làm một nhà giáo bình thường” bởi “những suy nghĩ về chuyên môn hữu ích và dễ chịu hơn nhiều so với những phức tạp về quản lý”. Không được lâu, số phân đẩy đưa, nghiệp “cầm quân” không buông tha vị tướng giỏi. Năm 1989, kết quả của chủ trương dân chủ trong việc lựa chọn Hiệu trưởng đã giúp ông nắm cương vị lãnh đạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Nhiệm kỳ hiệu trưởng của ông (1989-1994) cùng sự nổ lực của toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên trong trường đã để lại cho trường nhiều thành quả mới: bộ mặt chung của trường thay đổi, trình độ giảng viên được nâng cao toàn diện, hợp tác quốc tế nâng cao vượt bậc từ chỗ chỉ hợp tác với một đơn vị đến cuối nhiệm kỳ, đại học Nông Lâm đã có gần 60 đối tác quốc tế,… đưa tầm vóc của trường sánh ngang hàng với các đại học danh tiếng trong ngoài nước.
Hết nhiệm kỳ hiệu trưởng ở Đại học Nông Lâm TPHCM, những tưởng thầy đã dứt được cái “nghiệp” làm lãnh đạo để về vui với đời sống của một ông giáo bình thường thì một lần nữa thì ngày 31/10/1997, thầy lại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng- cũng trùng thời điểm hình thành kết quả thai nghén từ niềm trăn trở không nguôi về giáo dục phổ thông hiện thời, ngày 02 tháng 8 năm 1997 trường Trung học Phổ thông Dân lập (nay là Tư thục) Việt Thanh được thành lập và ông được quyết định làm Hiệu trưởng. - nơi mà thầy dồn tâm huyết và gắn bó từ đó đến nay. Cũng cùng thời gian đó, trường Đại học Dân lập Lạc Hồng – Đồng Nai ra đời, ông cũng nắm cương vị Hiệu trưởng. Như vậy, là cùng một lúc ông có cả hai cương vị Hiệu trưởng trường phổ thông và trường đại học. Đến cuối năm 2002, ông thôi hiệu trưởng và rời trường Đại học Lạc Hồng, để dành tâm trí cho trường THPT Việt Thanh.
Gần 20 năm đã trôi qua kể từ khi thầy thôi giữ nhiệm vụ Hiệu trưởng đại học Nông Lâm TPHCM, khi nói về thầy, mọi người đều có chung nhận xét rằng thầy là người nhạy bén và năng động trong công tác quản lý, tận tâm trong công việc và hết lòng vì học trò, đặc biệt là cá tính cực kỳ thẳng thắn của thầy và một trái tim yêu ngành yêu nghề hiếm có.
Ít ai hiểu được, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thầy vẫn nguyên một niềm trăn trở “trăn trở về một nền giáo dục đang oằn mình gánh chịu quá nhiều những bất cập” – âu cũng là cái duyên khiến thầy bao phen thay vì làm một nhà giáo bình thường như ước nguyện nay lại làm một công việc như là cái duyên: làm hiệu trưởng. Âu đó cũng là cái nghiệp mà thầy phải mang.
Giữa chốn xô bồ, cơ chế thị trường đã bắt đầu bén rễ đến những nơi tưởng chừng như thanh cao nhất : môi trường giáo dục thì phương châm của trường phổ thông tư thục Việt Thanh- nơi thầy làm hiệu trưởng cũng “không giống ai”: “Dạy làm Người trước khi dạy Chữ”! lý luận của thầy rất “đơn giản”: có con người sẽ có tất cả.
Nghe thầy tâm sự, tìm hiểu về những gì thầy đã và đang làm mới thấm thía câu: “dạy học là một công việc cao cả và giàu tính nhân văn. Người làm thầy dạy học chỉ có thể thành người thầy chính nghĩa, đầy đủ bản lĩnh khi con người của thầy mang đầy đủ 2 yếu tố “tâm”, “lực” và biết dạy cho học sinh đứng vững trên đôi chân của mình”. Ở trong con người giản dị và đầy bản lĩnh này, chất lượng và phương pháp giáo dục hiện tại của nước ta hiện nay vẫn không thôi trăn trở và khi gần cả cuộc đời cống hiến cho giáo dục chưa đủ, lòng yêu học trò, yêu nghề của thầy lắng trong tâm nguyện “kiếp sau nếu có được làm người thì cho tôi được tiếp tục nghề giáo”.
HL
Số lần xem trang: 2476
Điều chỉnh lần cuối: