Em là sinh viên khóa 2019 vừa tốt nghiệp tháng 12. Hiện tại em đang làm việc trong một công ty thực phẩm theo đúng chuyên ngành của mình đã gắn bó với công việc khoảng 3 tháng. Vị trí đúng theo hợp đồng em làm vị trí QC nguyên vật liệu nhưng hiện tại em đang làm cả công việc của QC thành phẩm. Công việc bắt đầu ổn định thì chị QC thành phẩm nghỉ và em bị bắt làm công việc đó 1 cách chính thức trước đó em chỉ phụ mọi người. Em bị quá tải khi làm nhiều việc và bị dồn giấy tờ hồ sơ rất nhiều em phải tăng ca để hoàn thành xong công việc mặc dù không tính lương tăng ca. Việc cũng không có gì cho đến khi em đi xử lí hàng lỗi thành phẩm và bị trưởng phòng nhắc nhở.
Hiện tại em cảm thấy rất bế tắc, không muốn nhìn thấy các đồng nghiệp khác cũng không muốn thức dậy lại phải đi làm, không thể kể cho bố mẹ nghe sợ họ lo, lúc nào em cũng suy nghĩ công sức mình làm ra cuối cùng không được công nhận mà còn phạm sai lầm thấy xấu hổ với đồng nghiệp và cả người trainning mình. Gần đây em lại suy nghĩ có thể ngủ không bao giờ thức dậy được không. Em thực sự rất mệt mỏi rồi mặc dù bên ngoài em cố gắng không để tâm đến những lời họ nói nhưng em vẫn suy nghĩ rất nhiều. Em chỉ muốn nói ra những điều em không thể nói với gia đình và em cũng cần người cho em lời khuyên vì em vừa mới ra trường chưa có kinh nghiệm cũng chưa trãi qua những việc như vậy nên thực sự em đang rất bế tắc.
Em cảm ơn các thầy cô, anh chị đã đọc những lời tâm sự của em.
Bạn gái giấu tên
Thầy Minh Trí - Cộng tác viên Tổ tham vấn tâm lý
Chào em
Trước hết, Thầy chúc mừng em đã tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo của mình, dù ban đầu em có gặp một số khó khăn. Em đã trải lòng về những vấn đề của mình trong công việc. Có thể thấy rằng em đang trải qua một giai đoạn khá căng thẳng và áp lực về công việc cũng như mối quan hệ với đồng nghiệp. Thay mặt Tổ Tham vấn tâm lý học đường Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, thầy chia sẻ với với những vấn đề em gặp phải và mong em sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước vấn đề của em, thầy có một số chia sẻ và lời tư vấn như sau:
1. Em cần nhớ rằng các khó khăn và áp lực trong công việc là điều bình thường đối với mọi người, đặc biệt khi mới bắt đầu công việc. Bởi môi trường làm việc mới khác với môi trường học tập và mối quan hệ trong môi trường mới cũng khác. Nhận thức được điều này sẽ khiến em tự cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn và bớt căng thẳng, nhờ thế em sẽ tìm cách đối phó và tìm giải pháp tốt nhất cho từng tình huống.
2. Việc nhân viên mới "bị" giao nhiều việc cũng hết sức bình thường. Điều này rất phổ biến ở các công ty vừa và nhỏ. Ở các công ty nhỏ, khối lượng công việc của một việc nào đó có thể không quá nhiều để chuyên môn hóa hoàn toàn trong việc sử dụng lao động. Ví dụ, với một công việc nào đó chỉ cần 20 giờ làm 1 tuần, nếu công ty thuê 1 người chỉ làm việc đó thôi thì chắc chắn là không hiệu quả. Em cần rõ điều này để không bị từ "bị (công ty hay chị giám sát) bắt học, bắt làm..." tạo cảm giác tiêu cực cho mình. Thay vì chán nản, em có thể xem việc "được" giao việc nhiều là một thử thách để chính em nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của mình trong nhiều lĩnh vực liên quan. "Bắt nhốt thì sợ, chứ bắt học thì đáng được cảm ơn". Tuy vậy, nếu công việc quá nhiều đến mức em không kham nổi thì em có thể thẳng thắn trao đổi với cấp trên để giảm áp lực. Dù thế, em cần suy xét liệu thật sự việc em đảm nhận có quá nhiều hay không, trước khi đề xuất giảm việc. Bởi trong trường hợp khối lượng công việc giống nhau, với người khác thì bình thường, nhưng với em thì khủng khiếp, thì việc đề xuất giảm việc chính là minh chứng cho năng lực hạn chế của em trước cấp trên.
3. Về việc viết date bằng tay, một cách khách quan, T cho rằng đây là lỗi khách quan của em chứ không phải chủ quan. Việc viết tay không thể nào giống chữ in được. Vả lại, em làm lần đầu tiên nên bị không chấp nhận là rất bình thường. Xét về lỗi, cấp trên em, người đề nghị em viết tay mà không hướng dẫn lưu ý kỹ, mới là người chịu trách nhiệm chính, chứ không phải em, người đang học việc. Hiện tại, công ty cũng đâu có phạt hay kỷ luật em gì đâu nên hậu quả hiện tại chưa là gì cả. Nếu cấp trên có truy cứu việc này mà có đề nghị em tường trình hay giải trình, thì em tường trình một cách trung thực và nhận khuyết điểm vì chưa có kinh nghiệm thì thầy tin chắc chẳng có ai truy cứu trách nhiệm hay phạt em cả. Thế nên em đừng bận tâm về việc này.
4. Về mối quan hệ với đồng nghiệp, Thầy thấy đây không phải môi trường quá xấu đến mức mà em không muốn thấy họ. Em có viết: "Rất may mắn em được 1 số anh chị trong team hỗ trợ, trainning nhiệt tình". "... thái độ dửng dưng như không có chuyện gì, vui vẻ khi sự việc xảy ra như vậy" (chị ấy xem nhẹ việc này). Thế nên, em đừng nên nặng lòng về việc này. Em hãy thử bình thường hóa, xem như không có chuyện gì xảy ra, vẫn vui vẻ như bình thường... thì mọi thứ sẽ bình thường.
5. "... do em viết chữ xấu đó..." chỉ là câu trêu đùa thôi, không nên tự làm tổn thương mình về điều đó. T cũng viết chữ rất xấu. Nếu ai nói về điều đó, T chỉ nói đùa "người xấu mới sợ, chứ chữ xấu đâu nói lên được điều gì". Hãy rèn luyện để trở thành người tốt thì chữ xấu chẳng mấy ai quan tâm đâu em :)
Số lần xem trang: 3094
Điều chỉnh lần cuối: 06-05-2024