SINH VIÊN MÙA LỄ HỘI
Chúng tôi có mặt tại đầm Long Quy (khu du lịch văn hoá Suối Tiên) cũng là lúc vở kịch “Sơn Tinh- Thuỷ Tinh” khai màn. Màn kịch thu hút khán giả từ những bài múa võ điêu luyện, những màn múa cờ đẹp mắt…. Tò mò, tôi tìm hiểu…Bất ngờ hơn với tin “có mặt trên sân khấu không dưới 20 người đến từ…làng Đại học”- những “diễn viên” - sinh viên làm bán thời gian..chuyên nghiệp.
ĐẾN HẸN LẠI LÊN…
Vào những dịp lễ hội cũng là lúc để mọi người họp mặt, thoả sức vui chơi, nhưng đó cũng là cơ hội cho những ai muốn tranh thủ “kiềm thêm chút đỉnh” đặc biệt đối với cánh sinh viên thì lễ hội cũng chính là mùa vàng cho việc khắc phục phần nào chứng… viêm màng túi kinh niên vốn có. Cũng là dịp cho nhiều sinh viên “xuất chúng” có thể…giàu.
Vốn có chút nhan sắc, sự tự tin, năng động, ngay từ lần đầu tiên đi làm thêm Nguyễn Thảo Vy (sinh viên trường Đại học KHXH&NV) đã lọt vào “mắt xanh” của bộ phận tăng cường nhân sự khu du lịch Suối Tiên. Ba năm liền cứ lúc nào có lễ hội là lập tức “công chúa” được mời về dinh. Mỗi dịp được “mời” thường 3-4 ngày có khi cả tuần lễ, tiền thù lao của Vy không dưới 80ngàn/ngày. Tính sơ sơ suối tiên mỗi năm có 5 cái “đại lễ” là Vy đã ẵm trong tay bạc triệu trong khi không phải tốn nhiều thời gian.
Còn với “bảo vệ nghiệp dư”- Trương Phú Thành (sinh viên trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật) thì mỗi lần Hội đến cũng là lúc “mình bắt đầu thấy..giàu lên” (dĩ nhiên chỉ để so với những sinh viên..cùng cảnh). Thành làm bảo vệ không chuyên cho Suối Tiên tính ra cũng được gần năm chẵn. Thời gian đầu Thành còn ngại vì thỉnh thoảng gặp bạn bè dắt tay nhau di chơi thấy cũng tủi thân nhưng lâu dần…quen. “Mình đi làm thấy quý hơn công sức bố mẹ đã bỏ ra. Hơn nữa cũng học được nhiều điều như tính nguyên tắc, tinh thần kỷ luật”- Thành tâm sự.
Gặp chúng tôi ở bàn Buffet (trong tuần đại lễ Vu Lan ở Suối Tiên), Hoàng Thị Hoa-sinh viên Đại học Luật hồn nhiên kể “Em nhờ có bạn đã từng đi làm ở đây giới thiệu vô. Bây giờ đã làm được 4 ngày rồi. Mệt nhưng vui lắm chị ơi! Em làm có tiền rồi sẽ mua rồi gửi về quê tặng mẹ món quà nho nhỏ”.
XÂY DỰNG..THƯƠNG HIỆU
Kiếm được một việc làm bán thời gian vừa ý đã khó, giữ được suất làm ấy lâu dài cho mình lại càng khó hơn, chính vì thế một khi đã đi làm mỗi sinh viên đều cố gắng xây dựng “thương hiệu” cho bản thân cũng như giữ uy tín cho người giới thiệu.
Dẫu là làm việc bằng chân tay hay bằng đầu óc thì tầm quan trọng của sự chuyên nghiệp hoá không cách xa nhau. Chính vì vậy “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp” thì cũng đòi hỏi những kỹ năng hay yêu cầu nhất định.
Với Phạm Văn Đông (ĐH Nông Lâm Tp.HCM) bí quyết bảo vệ thương hiệu chính là hết mình trong mỗi việc kể cả làm và học. Đông có 3 năm làm “quân lính triều đình” trong vở diễn sơn Tinh Thuỷ Tinh khu du lịch Suối Tiên. Cứ mỗi mùa lễ hội đến là Đông để dành các ngày nghỉ để “đầu quân”. “Hồi đầu mới vào riêng việc “thổi tù và”, “bắn tên” mà Đông phải tập cả mấy ngày trời. Ngày lên văn phòng Đoàn tập, đêm về cư xá tập, tập cho đến lúc thành thục mới thôi. Mình đã nhận công việc không chỉ là làm cho mình mà phải giữ uy tín cho trường nữa”- Đông chia sẻ. Bây giờ Đông đã là được xếp vào hàng…kỳ cựu, có thể tập dượt cho các bạn mới.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có thâm niên 10 năm công tác giới thiệu việc làm bán thời gian cho sinh viên- Phan Xuân Phước, cán bộ chuyên trách Đoàn trường đại học Nông Lâm tỏ vẻ nuối tiếc khi nhắc đến những…“kỷ niệm buồn” khi sinh anh dẫn một nhóm sinh viên đi làm thêm-phục vụ nhà hàng tiệc cưới khu Sóng Thần nhưng bị trả về vì còn “vụng”. Rất nhiều trường hợp cơ hội vuột khỏi tầm tay vì sinh viên mình thiếu tính…“pro”.
Việc đi làm thêm của sinh viên ít nhiều có ảnh hưởng đến chuyện học tập. Tuy vậy cũng không ai có thể phủ nhận sinh viên làm thêm ngoài việc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình còn có thêm rất nhiều lợi ích. Đi làm ngay trên ghế giảng đường cũng là cơ hội trau dồi thêm nhiều kỹ năng, học thêm nhiều thứ..không được dạy trên giảng đường như kỷ năng làm việc nhóm, cách tổ chức, quản lý…
Hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian ở các khu du lịch, các nhà hàng…rất nhiều đặc biệt trong những dịp lễ tết. Tuy nhiên những đầu mối việc làm tìm được chỉ vẫn đáp ứng được một số rất nhỏ sinh viên tìm việc. Làm sao để xây dựng cầu nối giữa cung- cầu hay nói cụ thể hơn là sinh viên với đơn vị cần người làm thêm là vấn đề cấp bách. Một số trường đại học đã xây dựng thành công mô hình trung tâm hỗ trợ sinh viên, nhất là lĩnh vực giới thiệu việc làm bán thời gian và việc làm sau khi tốt nghiệp ví dụ như văn phòng đoàn kiêm hỗ trợ sinh viên của trường ĐH KHXH&NV, ĐH Hoa Sen…hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử như Trung Tâm Hỗ Trợ Sinh Viên Đại học Nông Lâm Tp HCM chỉ trong thời gian diễn ra đại lễ Vu Lan, ngày quốc khánh 2/9 có trên 200 suất lao động do khu du lịch văn hoá Suối Tiên “đặt hàng”.
Hoàng Lan
Số lần xem trang: 3580
Điều chỉnh lần cuối: 12-10-2007