/data/file/BN/BN.png

(LĐ) - Trong những năm trở lại đây, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" vẫn là điệp khúc quen thuộc đối với các DN tuyển dụng. Trong khi sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH chạy đôn, chạy đáo tìm việc, thì ngược lại tại các trường trung cấp, dạy nghề tỷ lệ học viên tìm được việc làm có khi lên đến 100%.

Thế nhưng, học viên theo học nghề đang ngày càng ít đi và số lượng đăng ký theo học thậm chí còn thấp hơn cả chỉ tiêu đề ra...

"Phập phồng" đầu vào

Theo thống kê của Sở LĐTBXH Đà Nẵng, toàn TP hiện có 50 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 23 cơ sở ngoài công lập và 27 cơ sở công lập. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề cho ra lò khoảng 20.050 học viên. Chỉ tính riêng hệ trung cấp, Đà Nẵng hiện có 9 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nếu tính cả trường CĐ tham gia đào tạo bậc trung cấp thì con số này lên tới 18 trường. Trong kỳ tuyển sinh năm 2007, tại Đà Nẵng, số lượng trường TCCN tuyển đủ số chỉ tiêu được giao chỉ đếm trên đầu ngón tay (trường Phương Đông, Đông Á).

Thậm chí, có trường gửi giấy thông báo nhập học cho học sinh vượt quá chỉ tiêu đến 300% thì tỉ lệ nhập học mới xấp xỉ đủ chỉ tiêu. Tại trường CĐ Đông Du, năm học 2007-2008, trường buộc phải hoàn trả hồ sơ và học phí, viết giấy giới thiệu sang các trường khác cho học sinh ngành văn thư lưu trữ - Kế toán hành chính sự nghiệp vì chỉ tuyển vỏn vẹn 16 học sinh, không thể tổ chức giảng dạy được.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Phó hiệu trưởng trường CĐ Đông Á cho biết: "Đầu vào cho các trường nghề quả thật rất chật vật. Cứ vào trước mùa tuyển sinh, trường đã tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gởi tờ rơi đến các trường, tham gia hội chợ việc làm để quảng bá về trường và phát hồ sơ, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách...nhưng kết quả số lượng học viên vẫn không đáp ứng được như chúng tôi mong đợi". Bên cạnh đó, cũng có trường nghề áp dụng phương thức thông báo, gởi công văn đến khắp các Phòng Lao động thương binh & Xã hội quận huyện, cử người xuống tận phường, xã để tuyên truyền về ngành học, thậm chí còn đảm bảo có việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp... nhưng kết quả cũng không được khả quan.

Theo khảo sát mới nhất của Sở LĐTBXH TP Đà Nẵng về nhu cầu tuyển dụng lao động ở 1.000 DN trên địa bàn TP trong năm 2007 thì, nhu cầu tuyển dụng lao động về công nhân kỹ thuật (bậc 3/7), trung cấp chiếm tỷ lệ rất lớn (85%) trong tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động của DN. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đã qua đào tạo (bậc ĐH, CĐ) chiếm 15%. Như vậy, có thể thấy nhu cầu hiện nay của các DN cần thợ nhiều gấp 5 lần so với lao động có trình độ cao.

"Chuột chạy cùng sào" mới vào... trường nghề

Làm sao để các trường dạy nghề thu hút được học viên? Đây là câu hỏi đang được các trường dạy nghề quan tâm. Tại hội thảo "Dạy nghề gắn với việc làm" do Sở LĐTBXH Đà Nẵng tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng- Giám đốc Sở đã nêu ra ý kiến: "Học sinh thường coi trường nghề là giải pháp cuối cùng: Rớt đại học (ĐH) vào CĐ, rớt CĐ thì mới vào các trường dạy nghề. Có thể nói: Các trường nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng cho học sinh bám lấy khi không đạt 2 hệ đào tạo trên".

Lý do chủ yếu vẫn là tâm lý chung của xã hội hiện nay: Phải vào cho được ĐH. Cả phụ huynh và học sinh thường coi ĐH là đích đến lý tưởng và bất kể là ĐH nào? Ngành học có dễ kiếm việc làm hay không? Học lực của mình ra sao? Miễn vào ĐH là được. Trên thực tế, các trường dạy nghề đang được học sinh xem là "chuột chạy cùng sào" và lựa chọn một cách miễn cưỡng. Thậm chí, có người nghĩ đây là nơi dừng chân hợp pháp để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Nhiều người cho rằng học nghề thì suốt đời chỉ làm thợ mà chẳng bao giờ có cơ hội thăng tiến nên khuynh hướng là họ chọn con đường vào ĐH, CĐ vì bằng cấp ĐH, CĐ sẽ dễ tiến thân hơn. Cũng theo bà Nguyễn Thị Anh Đào: "Muốn thu hút học sinh học nghề thì phải thiết kế lại hệ thống đào tạo nghề sao cho học viên khi chọn vào trường nghề khi học xong đều dễ dàng liên thông để nâng cao lên các bậc học cao hơn. Việc liên thông phải được linh hoạt chứ không cứng nhắc". 

Thực tế cho thấy, hiện nay, học nghề là một trong những biện pháp tối ưu để kiếm được việc làm và có cơ hội hoàn chỉnh lên ĐH theo con đường ngắn nhất. Nếu học viên tốt nghiệp các trường nghề có tay nghề bậc 3/7 thì có thể đăng ký học liên thông tiếp lên ĐH theo hệ kỹ sư thực hành. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp học viên có thể vừa đi làm và vừa đi học ở các hệ CĐ, ĐH không chính quy khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết thêm: "Xã hội nên có cái nhìn đúng hơn đối với các trường nghề. Thực tế là vậy, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh cũng thấy được điều đó nhưng cái nhìn và quan niệm xã hội về các trường nghề không mấy được đề cao nên học sinh vẫn dửng dưng trước các trường này mặc cho thị trường lao động đang rất cần những công nhân lành nghề...".

 
Võ Tuấn

Số lần xem trang: 3577
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : chín không hai một không

Xem trả lời của bạn !

logolink