/data/file/BN/BN.png

Sự thừa nhận tình trạng thiếu về số lượng và chất lượng bác sĩ của thứ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp Quốc hội (Tuổi Trẻ 22-5) cho thấy phần nào hình ảnh ngành y VN. Nguyên nhân một phần là do đào tạo thiếu, một phần khác là do đã có hàng loạt bác sĩ được đào tạo bài bản từ nước ngoài dịch chuyển từ khối y tế công sang tư.

Về chất lượng cán bộ y tế, không đổ đồng tất cả, nhưng phải thừa nhận trình độ tự lý luận, tự đào tạo và tự nghiên cứu của bác sĩ VN hãy còn kém so với đồng nghiệp ở các nước khác. Sự ngắt khúc trong đào tạo, yếu kém về ngoại ngữ được xem là nguyên nhân chính.

Tại VN, sau khi tốt nghiệp sáu năm học y khoa tổng quát, một bác sĩ sẽ ra đi làm tại bệnh viện. Sau một thời gian, bác sĩ này lại quay trở lại với hai năm chuyên khoa 1. Xong, lại về bệnh viện làm việc tiếp tục. Một thời gian sau lại tiếp tục ba năm chuyên khoa 2. Với thời gian đào tạo như vậy, người bác sĩ không kịp tiêu hóa được kiến thức y khoa, không được cung cấp đầy đủ kỹ năng tự đào tạo, tự nghiên cứu mà chỉ thụ động ngồi nghe bài giảng ghi chép rồi lại thi như học sinh cấp 4!

Sự yếu kém về ngoại ngữ làm hạn chế khả năng tiếp cận với kiến thức mới cũng như trong trao đổi kiến thức với đồng nghiệp nước ngoài. Sự đào tạo dài hạn liên tục trong năm hay bảy năm sau đại học y khoa ở nước ngoài giúp người bác sĩ lĩnh hội đầy đủ các kỹ năng và khi học xong, thi đậu họ có thể tự tin hành nghề y và đủ năng lực giải quyết vấn đề y khoa.

Về số lượng cán bộ y tế, hình như Bộ Y tế chưa thống kê xem bao nhiêu phần trăm bác sĩ đa khoa tốt nghiệp xong đi làm trong ngành y tế, bao nhiêu phần trăm làm trình dược viên và làm các nghề khác. Bác sĩ đi làm các nghề khác là lãng phí lớn, không nơi nào trên thế giới mà bác sĩ lại đi làm trình dược viên như ở VN. Tại sao các bác sĩ trẻ lại chọn làm nghề khác? Có thể nào giảm bớt tỉ lệ này không? Đây là những câu hỏi lớn cần có lời đáp.

Theo tôi, song song với việc tăng cường năng lực đào tạo cán bộ y tế của các trường y khoa hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế nên xem lại thời gian đào tạo. Nên chăng gộp chung thời gian đào tạo chuyên khoa 1 và 2 thành 5 năm đào tạo bác sĩ chuyên khoa với một chương trình đào tạo hoàn chỉnh, để khi tốt nghiệp những bác sĩ chuyên khoa này có đủ năng lực giải quyết các vấn đề y khoa dù họ ở đâu. Tăng thời gian đào tạo nội trú bệnh viện lên tối thiểu 5 năm và xác định đây sẽ là cán bộ nguồn cho ngành y (một dạng như lớp kỹ sư tài năng ở các trường kỹ thuật).

Các hội chuyên khoa phải có chương trình đào tạo y khoa liên tục (CME) trong hội nghị thường niên của mình để nâng cao kiến thức chuyên ngành.

Tăng cường hợp tác và trao đổi với các nước trong vấn đề đào tạo nội trú và xem xét công nhận tương đương các bằng cấp do các nước hợp tác cấp.

Xem xét việc mở các trường y khoa tư nhân để tăng cường năng lực đào tạo.

BS TĂNG HÀ NAM ANH - Theo TTO

Số lần xem trang: 3577
Điều chỉnh lần cuối: 06-06-2008

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn không không chín bốn

Xem trả lời của bạn !

logolink