Đây rất có thể là "đáp án" đúng cho vấn đề "đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hộí" đang được coi là sôi động...
Không còn 2 hệ CĐ song song
Đã sau 2 tuần kể từ hội nghị trực tuyến "Dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN" do Bộ LĐTBXH tổ chức tại 4 thành phố lớn ngày 31.5, dư âm vẫn chi phối cuộc trao đổi giữa chúng tôi với BGH trường ĐH tỉnh lẻ nhưng đang là Chủ tịch Hiệp hội CĐ cộng đồng VN (VACC) và là thành viên nước ngoài duy nhất của Hiệp hội CĐ cộng đồng Canada (ACCC). Bởi còn 1 khía cạnh vẫn chưa được mổ xẻ: Làm gì với 2 hệ thống CĐ nghề tồn tại song trùng - một thuộc Bộ LĐTBXH "chỉ dạy những gì NT có", một thuộc Bộ GDĐT "chuyên dạy những gì DN cần"?
Th.S Nguyễn Hữu Dũng - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của ĐHTV phân tích: "Nó tạo ra sự manh mún, không đồng bộ. Chẳng hạn, trước đây CN có 4 bậc, bây giờ còn 3 bậc (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng), hệ thống lương tính sao đây? Cùng là dạy nghề, nhưng trường CĐ nghề chỉ chạy theo cái chuẩn sẵn có, không khảo sát thị trường LĐ, không mời DN tham gia đào tạo nên khó có "đầu ra". Trường CĐ cộng đồng thì hoàn toàn khác. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rất muốn trực tiếp cùng lãnh đạo Bộ GDĐT nghe VACC và ACCC trình bày để có thể sớm đưa ra "quyết sách". (Trong hai ngày 10-11.6 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "VN-Canada hợp tác về GD chuyên nghiệp và kỹ thuật" do VACC và ACCC phối hợp tổ chức).
Thành lập năm 2001, nâng cấp từ CĐ lên ĐH năm 2006, ĐHTV đang được coi là trường hợp vận dụng thành công mô hình GDCĐ Bắc Mỹ ở VN thông qua hỗ trợ của Canada. Điểm đáng nói là Trà Vinh đã xoá bỏ tình trạng 2 hệ thống song song tồn tại từ 7 năm trước khi sáp nhập Trường dạy nghề và Trung tâm GD thường xuyên thành Trường CĐ cộng đồng. Th.S Dũng nói: "Hiện nay, ĐHTV được Bộ GDĐT cho phép đào tạo 8 ngành bậc ĐH, CĐ là 16 và 15 ngành bậc TCCN. Tổng cục Dạy nghề và Sở LĐTBXH duyệt 14 chương trình đào tạo nghề trung cấp và sơ cấp. Tất cả đều có phần mềm linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu DN và liên thông giữa các bậc học".
Mật thiết với DN
Nếu như hệ thống GDCĐ Canada có tới 93% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thì "truyền nhân" của nó ở VN đã đạt "tối thiểu" 70,75% sinh viên CĐ và 64,26% học viên TCCN có việc làm sau khi ra trường. Điểm đáng nói nữa là ĐHTV đã thiết lập quan hệ với 166 DN trong, ngoài vùng ĐBSCL mà đây đều là quan hệ... không bình thường. DN chiếm tới 50% hội đồng tư vấn, được lập ra để giúp BGH nắm bắt tín hiệu từ cộng đồng. DN được mời tham gia 21 ban tư vấn chương trình để cải tiến nội dung, 6 tháng 1 lần. ĐHTV vừa ký hợp tác với Cty đầu tư phát triển CN (Becamex IDC) về cung ứng nhân lực các khu CN ở Bình Dương.
Với Cty hóa chất Mỹ Lan, mối quan hệ NT-DN phát triển đến đỉnh điểm: Chủ DN - TS Nguyễn Thanh Mỹ - giúp ĐHTV mở chuyên ngành "Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và công nghệ nano" đầu tiên ở VN (viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy, mời giáo sư thỉnh giảng nước ngoài...) và nhận SV đến nhà máy thực tập, cam kết giải quyết việc làm cho các em.
Từ năm 2000 đến nay, VN đã thành lập 13 trường CĐCĐ tại Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tây, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận. Nếu "đáp án" Trà Vinh được chọn để giải quyết bài toán "đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội" thì thiết nghĩ việc thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp cho hệ thống CĐ nghề không đến nỗi phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài.
Số lần xem trang: 3599
Điều chỉnh lần cuối: 18-06-2008