“Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT hằng năm có thể xét chọn, đề xuất những dự án khởi nghiệp tốt giới thiệu với các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, thậm chí có thể sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ tài trợ. Chúng ta có thể thành lập những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong các trường ĐH để phát triển những sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị tại lễ “Phát động về khởi nghiệp từ OCOP trong thanh niên, sinh viên và ký kết chương trình phối hợp với Bộ NN&PTNT” diễn ra tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ngày 8-1.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng trình bày sản phẩm sáng tạo của SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
Theo Phó Thủ tướng, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện nghị quyết về tam nông. Sau gần 10 năm, đến nay cả nước đã có 42,3% xã đạt tiêu chuẩn NTM và có 61 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, đặc biệt có 3 tỉnh đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng NTM (Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng).
Để nâng cao tư duy mới, tạo sức sống, động lực mới cho chương trình xây dựng NTM, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chương trình “OCOP - Mỗi xã một sản phẩm”. Mục tiêu là từ những sản phẩm có tính chất địa phương (sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm liên quan đến kinh tế nông thôn), gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu để trở thành những sản phẩm của vùng, thậm chí của quốc gia và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị. Điều này đáp ứng những tiêu chí cốt lõi về xây dựng NTM, đó là sinh kế, việc làm, thu nhập của cán bộ công nhân viên chức, người nông dân.
“Được phát động từ tháng 5-2018, hiện đã có trên 30 tỉnh, thành phê duyệt chương trình cụ thể với khoảng 34.000 sản phẩm; Trung ương, địa phương sẽ đầu tư vào đây trực tiếp và gián tiếp khoảng 15.000 tỷ đồng để triển khai. Rất nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh. Nhờ chương trình này, thu nhập và đời sống của người nông dân nhiều tỉnh, thành đã khấm khá hơn. Đây là một lĩnh vực cần thiết với sinh viên, thanh niên và hoàn toàn có thể tham gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tập trung vào 3 lĩnh vực. Thứ nhất, phổ biến tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để tìm hiểu về chương trình, từ đó có những mô hình tốt, cách làm hay; Thứ hai, kêu gọi thanh niên, sinh viên, giảng viên cả nước trực tiếp tham gia vào các mô hình khởi nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ kinh tế nông thôn liên quan đến OCOP.
“Khởi nghiệp ở đây quan trọng là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa hàm lượng khoa học công nghệ và quản trị mới vào những sản phẩm này, để thổi hồn cho những sản phẩm địa phương nhưng mang tính chất toàn quốc, thậm chí toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ ba, Đoàn Thanh niên cần phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương tổ chức những phong trào thanh niên tình nguyện để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chương trình OCOP, khởi nghiệp trong nông dân nông thôn, sinh viên, thanh niên…
“Tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ NN&PTNT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp phát động phong trào khởi nghiệp trong HS,SV gắn với chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. |
Về vốn đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng, khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì rủi ro không phải nhỏ, thậm chí rất lớn. Những nước đi đầu khởi nghiệp như Israel, tỷ lệ thành công của khởi nghiệp cũng chỉ 60-70%. Như vậy, các nguồn vốn cho khởi nghiệp không thể huy động từ ngân hàng, vì lĩnh vực rủi ro của ngân hàng là rủi ro hệ thống, thay vào đó cần tập trung nhiều vào các “quỹ thiên thần”, quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân.
Phó Thủ tướng thông tin, hiện đang xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu chính là hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được xét chọn, có tính khả thi cao. Vì vậy, hằng năm, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT có thể xét chọn, đề xuất những dự án tốt giới thiệu với các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, thậm chí có thể sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ để tài trợ.
“Khi có thành công thì các ngân hàng sẽ có bước đầu tư bổ sung vào các giai đoạn sau để phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp có tính chất đổi mới sáng tạo. Chúng tôi rất mong muốn các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu các cách thức, mô hình, phương pháp phù hợp. Chúng ta hoàn toàn có thể thành lập những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong các trường ĐH để phát triển các sản phẩm OCOP này với các sản phẩm khác”, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.
Được biết, chương trình thí điểm từ nay đến 2020. Sau đó Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tổng kết, nhân rộng mô hình và đề ra khuôn khổ, hệ sinh thái để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025.
Theo báo: giaoduc.edu.vn
Số lần xem trang: 3597
Điều chỉnh lần cuối: 09-01-2019