TT - Quý 2-2008, khoảng cách cung - cầu lao động (LĐ) vẫn tiếp tục xu hướng thu hẹp dần với mức cầu LĐ trực tuyến tăng trưởng 0,3%, trong khi chỉ số cung LĐ trực tuyến tăng 6%.
Trên trang web VietnamWorks.com, chỉ 25/49 ngành nghề có chỉ số cầu LĐ tăng. Đây là lần đầu tiên kể từ quý 4-2006, chỉ số cầu LĐ trực tuyến tăng với mức khiêm tốn trong "mùa nhảy việc". Trong khi đó chỉ số cung LĐ trực tuyến tăng 6%, mức tăng thấp nhất trong hai quý gần đây với cung LĐ trong 13 ngành nghề giảm. Như vậy, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2008 đến nay, khoảng cách cung - cầu LĐ liên tục thu hẹp.
Sản xuất: cầu tăng 19%, cung tăng 5%
Hai quý đầu năm 2008 các lĩnh vực bán hàng, kỹ thuật ứng dụng, kế toán - tài chính và hành chính - thư ký luôn trong nhóm sáu lĩnh vực có chỉ số cung-cầu LĐ cao nhất. Ngược lại, nguồn cung của các lĩnh vực kế toán - tài chính và ngân hàng - đầu tư tăng lần lượt 22% và 20%, trong khi chỉ số cầu LĐ của hai ngành này giảm 3% và 13% so với quý đầu năm 2008.
Bà Winnie Lam, giám đốc bộ phận tuyển dụng nhân sự Navigos Group:
|
"Các công ty chắc chắn phải cẩn trọng hơn khi tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu dành thêm nhiều thời gian để xác định đúng ứng viên cần tuyển hơn là dễ dàng chấp nhận những người chỉ đạt 70% yêu cầu chỉ để lấp vào chỗ đang thiếu người". |
Chỉ số cung LĐ của lĩnh vực sản xuất tăng 5% , trong khi chỉ số cầu tăng 19%, trở thành một trong những ngành có mức tăng trưởng cao nhất quý 2-2008. Đây cũng là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự gia tăng liên tục kể từ đầu năm 2007. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT - phần mềm giảm 2%, nhưng ngành này vẫn thuộc danh sách các lĩnh vực có cầu nhân lực cao nhất quý này; liên tục có tên trong nhóm có cầu nhân lực cao nhất suốt sáu quý vừa qua.
LĐ đang dãn ra các tỉnh, khu vực
TP.HCM và Hà Nội vẫn là những địa phương dẫn đầu về chỉ số việc làm. Tuy nhiên, so với quý trước, chỉ số việc làm quý 2-2008 tại TP.HCM giảm nhẹ 0,2% trong khi tại Hà Nội lại tăng đến 10%. Cũng trong quý này chỉ số việc làm tại Đà Nẵng giảm 7%, ra khỏi nhóm năm tỉnh thành có chỉ số việc làm cao nhất. Lần đầu tiên Hải Phòng lọt vào nhóm năm địa phương hấp dẫn nhất về cơ hội việc làm. Như vậy, làn sóng LĐ đã không còn đổ vào TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã giảm và có xu hướng dãn ra các địa phương, khu vực khác. Đó là một sự điều tiết cần thiết và hợp lý.
VietnamWorks.com hiện thu hút số lượng người tìm việc truy cập nhiều nhất VN. Sáu tháng đầu năm nay, hơn 67.000 ứng viên tiềm năng đã đăng hồ sơ tìm và trung bình mỗi ngày hơn 130 công việc mới được đăng trên trang web này. |
Tuy nhiên trước khả năng cung ứng ngày càng dồi dào của thị trường nhân lực cao cấp trong nước, sẽ khó xảy ra "làn sóng nhập khẩu" nhân lực quản lý người nước ngoài như một số ý kiến lo ngại. Nửa đầu năm 2008, nhu cầu nhân lực người nước ngoài của các doanh nghiệp đã tăng không đáng kể, mặc dù chính sách về sử dụng LĐ nước ngoài ngày càng thông thoáng hơn; đồng thời nguồn cung luôn cao gấp 2,4-2,6 lần so với nguồn cầu. Chắc chắn đây là cơ hội cho lực lượng LĐ trí thức trong nước.
Quý vừa qua cả nguồn cung và nguồn cầu LĐ có nghề, LĐ đã qua đào tạo đều tăng. Theo phân tích của các chuyên gia thị trường LĐ, số liệu này cho thấy nhu cầu LĐ cấp thấp, LĐ phổ thông trên thị trường đang sụt giảm.
Số liệu thống kê cũng nổi lên một vấn đề: nguồn cung nhân lực không còn quá tập trung vào một số lĩnh vực "nóng" như trước, mà đã trải đều hầu hết các lĩnh vực. Có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy đã có sự tự điều chỉnh trong nội tại thị trường LĐ; cung và cầu đang trong chiều hướng xích lại gần nhau, thị trường từng bước lấy được sự cân đối cần thiết.
Chỉ số cung - cầu nhân lực 2007 - 2008
Chỉ số cung - cầu nhân lực các ngành sản xuất 2007-2008
VIỆT HÙNG
Nguồn: Tuổi Trẻ
Số lần xem trang: 3576
Điều chỉnh lần cuối: