/data/file/BN/BN.png

Ảnh minh họa.

 Hanoinet - Hai tháng sau khi ra trường, Hải Yến, cựu SV ĐH Kinh tế quốc dân HN giữ kỷ lục thời gian làm việc ngắn nhất ở công ty. 

 

Hai tháng sau khi ra trường, Hải Yến, cựu SV ĐH Kinh tế quốc dân HN giữ kỷ lục thời gian làm việc ngắn nhất ở công ty. Ngay ngày đầu đi làm, cô đã dự cuộc họp của công ty (ở đường Láng) thông báo vì tình hình kinh tế khó khăn, mỗi bộ phận của công ty sẽ cắt giảm ít nhất một nhân sự. Tuyển mới 2 nhân viên, nhưng ngay ngày hôm sau, công ty đã cho nghỉ việc 7 người.
 
Tình trạng của Hải Yến không phải hi hữu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Khá nhiều sinh viên ra trường không thể tìm cho mình một vị trí để làm. Nhiều người khác làm trong tình trạng phấp phỏng không biết lúc nào mình sẽ là người kế tiếp.
Cách đây chưa lâu, FPT tuyên bố cắt giảm 10% số lao động, tương đương con số 1000 người. Công ty chế biến xuất - nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai cũng dự kiến giảm hơn 2000 lao động trong năm 2008... (theo Sài Gòn Tiếp thị).
 
Không sa thải nhân sự, nhưng khối văn phòng của một DN xây dựng lớn của Hà Nội thực hiện chế độ giãn việc với nhân viên, theo đó mỗi người sẽ một ngày nghỉ, một ngày đi làm luân phiên.
 
Ở một công ty thiết kế - xây dựng khác trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo công ty đã đặt vấn đề giảm lương nhân viên, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều đang tăng cao.
 
Thu hẹp sản xuất, sa thải lao động... đã là một thực tế, dù như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, bản thân DN không ai muốn sa thải lao động, bởi để có người lao động có tay nghề, kỹ năng, thạo việc không đơn giản. Nhiều DN thời gian qua đã phải đau đầu tìm lao động qua đào tạo, và giữ chân họ.
 
Không bị sức ép của yếu tố bên ngoài, nhưng các DN đã chủ động cố gắng không cắt giảm chi phí nhân công, đảm bảo đời sống cho người lao động và việc làm cho họ.

Việc sa thải là lựa chọn cuối cùng, khi ở tình trạng bất khả kháng. Đó là hệ quả tất yếu của việc DN không thể tiếp tục hoạt động hoặc buộc phải hoạt động cầm chừng nếu muốn tiếp tục tồn tại.
 
Theo bà Chi Lan, bản thân việc cắt giảm là một điều đau đớn với DN. Bao giờ các DN cũng cân nhắc rất kỹ khi đối mặt với hai tình trạng: mất nhân lực và mất thị trường. Cả hai khu vực này đã mất rất khó lấy lại. Khi khó khăn, DN buộc sa thải lao động, đến khi phục hồi được, muốn tuyển dụng, họ lại phải bắt đầu lại quy trình tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp và tổ chức lại nhân sự.
 
Đỡ cho DN chính là đỡ cho người lao động
 
Nhưng dù muốn dù không, trong tình thế kinh tế hiện nay, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng là không tránh khỏi, khi có tới 70% DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những DN đã lịm đi, chìm vào cái chết trong im lặng.
 
Điều khiến các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế quan ngại nhất chưa và không phải là số phận DN, mà là số phận người lao động sẽ đi về đâu trong và sau lạm phát. Nếu các DN dân doanh, khu vực tạo công ăn việc làm chính cho xã hội, không trụ nổi, mức thất nghiệp sẽ như thế nào? Nhà nước có thể làm gì để hỗ trợ người lao động?
 
Hiện nay, các ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu là những ngành sử dụng lao động lớn. Có nhiều DN con số lao động là vài nghìn người. Nếu con số 20% DN đang lịm đi mà Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm nói nằm trong dạng này, số người lao động có thể mất việc sẽ lên tới hàng triệu người. Nó là một vấn đề xã hội to lớn, cần được nghiêm túc xem xét, giải quyết.

Riêng với các DN trong Hiệp hội dệt may, lượng lao động trong tại các DN đã giảm khoảng 15-30% so với thời điểm cuối năm 2007.
 

Kinhtenongthon.com.vn


Ông Kiêm cho rằng, Chính phủ "phải lưu tâm giải quyết hậu quả của những cái chết của DN... Một bộ phận lao động sẽ chuyển hướng, trở về với nông thôn, còn bộ phận khác thất nghiệp sẽ đi đâu, về đâu?"
 
Hỗ trợ cho DN dân doanh là một trong những hướng ưu tiên mà các chuyên gia kinh tế tư vấn cho Chính phủ để hỗ trợ cho người lao động. Mỗi năm khu vực dân doanh đang góp phần tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới cho người lao động. Nếu kinh doanh chững lại, thậm chí thu hẹp, hơn triệu việc làm này sẽ không được tạo ra bên cạnh số việc làm bị mất đi. Lượng người gia nhập đội quân thất nghiệp sẽ tăng lên. Và nguồn lực xã hội to lớn - con người không được tận dụng đầy đủ.
"Đỡ cho DN dân doanh chính là đỡ cho người lao động", bà Phạm Chi Lan nói.
 
Cơ hội chuẩn bị cho nhân lực cho tương lai
 
Nhìn xa hơn, theo bà Chi Lan, nhà nước cần tính tới các giải pháp mang tính dài hạn hơn. Theo dự báo, đến năm 2012, Việt Nam chỉ cung cấp được 50% nhu cầu lao động có kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Đó là con số đáng báo động.
Trong khi người lao động lo thất nghiệp, thì thực tế, chúng ta vẫn còn chỗ để có thể tận dụng nguồn lực này. Điều đáng tiếc là Việt Nam chưa tổ chức được cho người lao động học tập, rèn luyện các kỹ năng theo yêu cầu thị trường.
 
Đơn cử, khi FDI vào Việt Nam, nhu cầu nguồn lao động có kỹ năng rất lớn. Intel, Foxconn... đều cần số lượng lao động lớn. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng, tổ chức chương trình đào tạo, trao cơ hội cho người Việt Nam, nhất là giới trẻ có được công việc tốt hơn.
 
Hiện nay, nhìn vào con số người thất nghiệp của Việt Nam, người trẻ chiếm tỷ lệ rất lớn, tới 75% ở dưới tuổi 34. (Ở các nước, tỷ lệ này thường dao động ở mức 50-60%). Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn.
 
Theo bà Chi Lan, nhà nước cần chăm lo giảng dạy cho người trẻ, để họ có cơ hội việc làm tốt hơn, nhất là những người ở khu vực nông thôn, khi diện tích nông nghiệp đang bị thu hẹp nhanh chóng cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Trước mắt, trong giai đoạn khó khăn, nhà nước cần giúp DN đào tạo lại lao động, giữ và nâng cao tay nghề để có một công việc vững vàng hơn cho tương lai. Nói cách khác, kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh thu hẹp là cơ hội để tái đào tạo nhân lực, chuẩn bị cho sự hồi phục trong tương lai không xa, và cả thời điểm xa hơn, sau 5-10 năm nữa, Việt Nam không thể tiếp tục đưa nền kinh tế hội nhập với lợi thế nhân công giá rẻ được nữa.
 
Đương nhiên, với nhiệm vụ lớn như vậy, sức của mình nhà nước sẽ không làm nổi. Nhà nước cần trao cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, trao cơ hội cho DN đang khó khăn mở các khóa đào tạo lao động. Mô thức này sẽ mang lợi cho cả ba bên: nhà nước, DN và người lao động, trong đó nhà nước sẽ giải được bài toán thiếu nhân lực cho tương lai; DN sẽ có được cách sống trong tình thế khó khăn và người lao động sẽ được trang bị năng lực cho tương lai.
 
Việc này trao cơ hội cho Việt Nam giải quyết tình trạng "thị trường lao động chia cắt, quản lý manh mún, thiếu luật pháp và công cụ điều hành" và thực tế "nơi cần không có, nơi có không cần" lao động như lời mô tả của ông Đào Quang Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
 
Riêng với người lao động thất nghiệp do lạm phát, hiện nay, Bộ Lao động thương binh xã hội đang tiến hành một khảo sát, nghiên cứu về thực tiễn, để đề ra một chính sách thích hợp. Hy vọng, với kết quả nghiên cứu cụ thể, chúng ta sẽ được nhìn thấy những giải pháp xác đáng để giúp cho người lao động, những người tổn thương nhiều nhất trong lạm phát.

 

Theo Phương Loan - TuanVietNam

Số lần xem trang: 3578
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : năm một hai năm hai

Xem trả lời của bạn !

logolink