Trong buổi hội thảo nọ, một diễn giả đã từng nói: “Mình chọn nghề, nhưng liệu nghề có chọn mình?”. Điều này có nghĩa là khi bạn chọn được một nghề cho mình, liệu bạn có đủ kiên trì và bản lĩnh để tiếp tục đeo đuổi nó? Liệu bạn có thể vượt qua những sàng lọc khắc nghiệt không phải chủ động chọn nghề mà chính nghề sẽ tìm đến bạn?
MT – tài năng không thể thiếu nhưng chưa đủ
Để trở thành Quản Trị Viên Tập Sự (Management Trainee - MT) bạn cần có tài năng? Tài năng ở đây là thành tích học tập thật xuất sắc hay khả năng bẩm sinh trời cho? Cần nhưng không đủ. Vậy đâu là yếu tố quyết định bạn có khả năng làm MT hay không?
Tốt nghiệp Đại Học với điểm không mấy gì xuất sắc hay hoành tráng, vậy mà bạn Nguyễn Lương Hoàng lại được chọn là MT cho Coca-cola - một trong 2 tập đòan nước giải khát lớn nhất thế giới. Hoàng tâm sự: “Thời sinh viên đại học, chỉ có mấy môn chuyên ngành yêu thích Hoàng đạt điểm cao, còn những môn đại cương hay mấy môn mình ngán ngẫm thì điểm chỉ thường thường bậc trung”. Từng là chủ nhiệm CLB Magroup trường đại học Kinh Tế và tổ chức thành công nhiểu chương trình kết nối sinh viên và doanh nhân. Khi xin thực tập ở Unilever, trong Cover Letter anh đã nói “Mẹ tôi giặt đồ bằng Omo, cả nhà đánh răng bằng PS”. Đến khi phỏng vấn ở Coke, Hoàng cũng không quên tự quảng cáo về mình. Vậy là anh được chọn. Phải chăng năng động, tự tin và pha một chút dí dỏm, thông minh đã giúp Hoàng được nghề MT chọn mặt gửi vàng?
Nguyễn Thị Vân Hạnh, cô sinh viên khoa Quản Lí Công Nghiệp trường đại học Bách Khoa ngày nào đã vượt qua gần 1.000 thí sinh để trở thành MT của tập đoàn Nestle. Và không còn xa nữa, tháng 8 năm 2007, Hạnh sẽ chính thức trở thành một nhân viên chính thức của Nestle. Hạnh đã định hướng cho mình sẽ làm gì khi trở thành một MT ở Nestle. Có những lúc áp lực công việc nặng nề, phải làm những việc mà Hạnh không ngờ tới, nhưng Hạnh đã kiên trì đến cùng. Hạnh quan niệm “Với sinh viên, không gì hạnh phúc hơn vừa đi làm, vừa được học”.
Từng tham gia chương trình tập sự ở P&G, Unilever nhưng Lan Diệu đã thất bại. Những tưởng anh sẽ bỏ cuộc và nói lời chia tay với vị trí MT mà bao người mơ ước; nhưng không, một lần nữa, anh nôp đơn xin làm MT của Pepsico và được chấp nhận. Anh tâm sự “Có thể bạn giỏi, kết quả học tập xuất sắc nhưng mỗi công ty có một văn hóa riêng rất khác nhau và nếu mình không phù hợp thì sẽ bị loại. Ở Pepsico, họ không chỉ cần người giỏi hay xuất sắc mà quan trọng hơn, họ cần những nhân viên có khả năng làm việc nhóm cao. Bạn hội tụ đủ yếu tố và phù hợp với văn hóa công ty đó thì trở thành MT là điều không quá khó”. Hãy tự tin thể hiện mình một cách tốt nhất!.
Chị Đỗ Phương Anh và anh Trí Hiếu, đã vượt qua hàng ngàn sinh viên khác để trở thành MT của Maersk (một tập đoàn hoạt động trong ngành vận tải biển, năng lượng và công nghiệp bán lẻ có mặt ở hơn 125 nước trên thế giới) đều nói rằng: “Chúng ta hãy tự tin. Tự tin không có nghĩa là cố tạo ra một vẻ bọc với những điều nằm ngoài sức của mình, mà tự tin với bản thân chúng ta. Hãy cứ thẳng thắn với các khuyết điểm và mạnh dạn nói ra những ưu điểm của mình”.
MT – nhà leo núi cự phách
Chiến thắng hàng ngàn đối thủ nặng ký không có nghĩa là bạn đã cầm chắc tấm vé trở thành MT. Khó khăn hơn rất nhiều, các bạn phải trải qua nhiều công việc khác nhau và luân chuyển qua các phòng ban của công ty, phải được huấn luyện nhiểu kỹ năng khác mới được công nhận là một MT đúng nghĩa.
Như vậy, việc trải qua 5-6 vòng thi (duyệt hồ sơ và kiểm tra về khả năng tư duy, sự phù hợp với chương trình, thi tiếng Anh, phỏng vấn hay thử khả năng làm việc nhóm…) chỉ là bước đệm. Khi cơ hội đến, việc còn lại là bạn tận dụng cơ hội đó như thế nào và thể hiện mình ra sao.
Maresk- 4 năm dài vừa học vừa làm và phải trải qua các kỳ thi mới được “lên lớp”. Anh Trí Hiếu và chị Phương Anh, MT của Maersk, cho biết: “Một trong những yêu cầu của công việc là chấp nhận đi công tác xa thường xuyên, vì ngành vận tải biển mà. Đặc biệt, có những đợt huấn luyện phải đến Đan Mạch. Công việc khá stress, vì ngoài làm việc theo lịch trình, còn có công việc phát sinh hằng ngày. Nếu vượt qua được áp lực công việc, bạn mới thực sợ trở thành một nhà lãnh đạo tương lai của Maersk đúng như chương trình M.I.S.E (You could be one of our future leaders). 4 năm đào tạo cộng thêm khối lượng công việc đồ sộ quả là một áp lực nặng nề cho MT. Có thể ví MT như một nhà leo núi, phải rèn luyện sức khỏe và sức bền đều đặn để leo lên tới đỉnh”
Ở Nestle và Coca-Cola, bạn đừng nghĩ QTVTS là sếp và ở vị trí cao. Vì nếu nghĩ như vậy bạn sẽ bị sốc khi thực sự bước chân vào đó. Chị Vân Hạnh (Nestle) và anh Lương Hoàng (Coca-Cola) chia sẻ: “Trong một năm, mình phải luân chuyển nhiều bộ phận khác nhau và làm từ việc thấp nhất đến vị trí cao hơn như: nhân viên bán hàng, nhân viên giám sát-làm leader của các nhân viên khác, nhân viên nghiên cứu thị trường, tham gia một dự án thử nghiệm. Sau khi chương trình quản trị viên tập sự kết thúc, căn cứ vào nguyện vọng, nhu cầu và kết quả bạn đạt được, bạn sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty ở một bộ phận nào đó và tiếp tục công việc”.
Mỗi công ty là một môi trường khác nhau và áp lực công việc cũng khác nhau và có rất nhiều khó khăn, áp lực mà bạn phải vượt qua. Nhận diện chân dung QTVTS là ai, công việc của QTVTS là gì, những áp lực công việc đang chờ đón là điều rất quan trọng và không dễ dàng gì. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu vượt qua được, MT rất xứng đáng là vị trí để nhiều bạn sinh viên phải mơ ước. Vì sao ư? Bạn được đi làm ở một môi trường chuyên nghiệp, có cơ hội thăng tiến trong nghề cao, bạn cò thể phát huy hết khả năng của mình và bạn học được rất nhiều mà một nhân viên bình thường chưa hẳn đã biết được.
Người viết: Bích Thủy
Bản quyền thuộc www.VN8X.com
Số lần xem trang: 3577
Điều chỉnh lần cuối: