Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2008 nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, đông đảo sinh viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM đã tích cực tham gia diễu hành với biểu ngữ, băng rôn tuyên truyền cho ngày này. giúp bạn đọc có thêm tư liệu, phòng CTSV cung cấp một vài thông tin về chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS (01/12/2008): “TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, TRAO QUYỀN VÀ THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS”.
Như các bạn đã biết, kể từ năm 2005, để khuyến khích các quốc gia, các tổ chức và cá nhân thực hiện các mục tiêu cam kết đã được đại diện cấp cao của hơn 180 nước thông qua tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (tháng 6 năm 2001) các cơ quan Liên hiệp quốc phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự có liên quan đã chọn "Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS" làm chủ đề xuyên suốt của các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS hàng năm trong giai đoạn 2006-2010. Chiến dịch Phòng, chống AIDS năm 2008 vẫn tiếp tục thực hiện chủ đề này, nhưng tập trung vào khẩu hiệu "TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, TRAO QUYỀN VÀ THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS". Nói "LÃNH ĐẠO" trước hết là nói đến trách nhiệm của các nhà lãnh đạo trong việc cam kết và thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điều này hoàn toàn chính xác bởi vì kinh nghiệm của thế giới trong gần 30 năm đương đầu với HIV/AIDS cho thấy các nhà lãnh đạo luôn có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ có sự lãnh đạo mà hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đã có chính sách quốc gia về HIV/AIDS; các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhờ đó cũng đã được triển khai một cách toàn diện và có hiệu quả hơn, kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của mỗi quốc gia cũng không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên ở nghĩa rộng hơn, "lãnh đạo" không chỉ có ý nghĩa là các nhà lãnh đạo cần phải thực hiện trách nhiệm của mình, các cam kết của mình, mà mỗi cá nhân, mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi chính phủ cần phải đi tiên phong trong việc cam kết và ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS. Đồng thời "lãnh đạo" còn có ý nghĩa dẫn dắt, giúp đỡ, chỉ dẫn cho người khác và cả cộng đồng cùng nhau chung tay phòng, chống HIV/AIDS. Như vậy với nghĩa rộng mỗi người dân đều phải là người "lãnh đạo" của chính mình, của gia đình mình, của cộng đồng mình và là người đi đầu, đi tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. TRAO QUYỀN trong phòng, chống HIV/AIDS được hiểu là tạo cho mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng các điều kiện và cơ hội được tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho chính bản thân họ, gia đình họ, cho chính cộng đồng và cho chính quốc gia của họ. Sự tham gia của mọi người vào công tác phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả việc tự đề xuất sáng kiến, tự thiết kế, tự tổ chức triển khai các hoạt động, theo dõi giám sát và đánh giá các hoạt động do họ hoặc do các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thực hiện. Như vậy, theo nghĩa rộng, "trao quyền" chính là tạo ra một môi trường thuận lợi để mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong sự tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Môi trường thuận lợi có thể là các chính sách, cũng có thể là việc cung cấp nguồn lực và tạo ra các cơ hội để người dân được tham gia thực hiện. "Trao quyền" còn có nghĩa là phải nâng cao năng lực cho mỗi cá nhân, mỗi người dân, mỗi cộng đồng có đủ kiến thức, đủ năng lực để họ tự bảo vệ chính bản thân họ, bảo vệ cộng đồng của họ tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV, biết cách chăm sóc, hỗ trợ và cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Như vậy "trao quyền" vừa có ý nghĩa tạo ra môi trường tốt cho người dân thực hiện, vừa có nghĩa là tạo ra năng lực cho chính mỗi người dân có khả năng tự bảo vệ mình và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV. THỰC HIỆN có nghĩa là mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân cần hành động để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi đại dịch HIV. Tuy nhiên, với trách nhiệm, vai trò và vị trí xã hội của các cá nhân khác nhau nên việc thực hiện các trách nhiệm cũng khác nhau. Việc "thực hiện" của các nhà lãnh đạo trước hết là việc làm hết trách nhiệm của bản thân mình, của tổ chức mình đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia và việc thực hiện các cam kết của họ về phòng, chống HIV/AIDS, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội của họ đối với cộng đồng có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Với mỗi người dân thì "thực hiện" cũng có nghĩa là đi tiên phong trong việc phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS, hướng dẫn người khác thực hành các hành vi an toàn và bản thân họ cũng là những người đi tiên phong trong việc nâng cao kiến thức và thực hành các hành vi an toàn trong phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. TẠI SAO PHẢI "TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, TRAO QUYỀN VÀ THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS". Năm 2008 là năm thứ 20 kể từ khi ngày 01 tháng 12 hàng năm được chọn là Ngày thế giới phòng, chống AIDS vào năm 1988. Từ đó đến nay, các nhà lãnh đạo và mọi người dân trên toàn thế giới luôn luôn được cổ vũ đi tiên phong trong việc ngăn chặn AIDS. Có rất nhiều hoạt động, nhiều sự kiện đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và cũng đã có rất nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo và nhiều đáp ứng với đại dịch HIV/AIDS. Hiện nay, có thể nói, hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã nhận thức được mối đe doạ của đại dịch HIV/AIDS và rất nhiều nhà lãnh đạo đã cam kết hành động để phòng, chống HIV/AIDS. Đến năm 2007, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã có chính sách quốc gia về HIV/AIDS. Tuy nhiên, ngoài các chính sách đã được ban hành, nhiều cam kết đã được đưa ra nhưng lại không được thực hiện một cách đầy đủ và thiếu sự đầu tư kinh phí trên thực tế, ví dụ như: - Công tác điều trị HIV/AIDS đã có nhiều cải thiện và ngày càng trở nên rộng rãi hơn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người không tiếp cận được với dịch vụ điều trị. Trong năm 2007, chỉ có 31% người bệnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có nhu cầu điều trị được tiếp cận với dịch vụ điều trị này. - Mặc dù nhận thức của người dân về HIV/AIDS hiện nay đã được nâng lên ở tất cả các vùng trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm HIV vẫn đang tăng cao hơn gấp 2,7 lần so với sự gia tăng số người nhận được dịch vụ điều trị. - Trong khi nhiều nước có những chính sách nhằm bảo vệ những người nhiễm HIV/AIDS thì vẫn còn 1/3 số quốc gia trên thế giới thiếu các cơ sở pháp lý để bảo vệ họ. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục là những trở ngại chính cho chương trình tiếp cận phổ cập với các dịch vụ dự phòng và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS. - Ở mức độ rộng hơn, các hành động thực sự liên quan đến HIV/AIDS và quyền con người vẫn còn hạn chế. Các rào cản làm cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, vị thành niên, nữ bán dâm, người tiêm chích ma tuý, người có quan hệ tình dục đồng giới khó tiếp cận được các dịch vụ y tế vẫn tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó các đáp ứng một cách có hệ thống để hỗ trợ cho quyền con người liên quan đến nhiễm HIV vẫn chưa được ưu tiên. Ngày thế giới phòng, chống AIDS được bắt đầu từ năm 1988 khi Bộ trưởng Y tế các nước trên thế giới họp và nhất trí coi ngày này như một cơ hội cho tất cả chúng ta cùng nhau chứng minh tầm quan trọng và sự đoàn kết trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Sau đúng 20 năm, đến năm 2008, các ý tưởng này vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta chỉ còn 2 năm để hoàn thành mục tiêu "Tiếp cận phổ cập với các chương trình toàn diện về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đến năm 2010". Để đạt được mục tiêu này, sự lãnh đạo và hành động ngay từ bây giờ là hết sức cần thiết. Chính phủ các nước cần phải thực hiện những cam kết mà họ đã hứa. Các cộng đồng cần phải được khuyến khích tăng cường sự lãnh đạo của chính các thành viên trong cộng đồng của họ. Mỗi cá nhân đều phải được tạo điều kiện, được trao quyền để tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị, mặt khác họ cũng có trách nhiệm phải hành động để chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử, biết cách dự phòng và bảo vệ cho chính bản thân họ, gia đình họ và cộng đồng của họ tránh khỏi lây nhiễm HIV.. Bây giờ, hơn lúc nào hết là thời điểm chúng ta phải: "TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, TRAO QUYỀN VÀ THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS". (Theo cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam- Bộ Y tế) |
Số lần xem trang: 3584
Điều chỉnh lần cuối: 03-12-2008