/data/file/BN/BN.png

Không dừng lại ở dòng sản phẩm cao cấp, ông Lưu Ngọc Phi còn có nhiều công trình nghiên cứu chống ôxy hóa, chống xuống màu cho sản phẩm bạc...

Tôi biết nghệ nhân Lưu Ngọc Phi cách nay gần 10 năm và trong khoảng thời gian ấy ông đã nhiều lần thay đổi chỗ làm. Nhưng điều đặc biệt là những nơi ông đầu quân đều nằm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nghiệp làm vàng cứ níu chân, khiến ông không thể quay lưng trước những thăng trầm của nghề. Cũng chính sự yêu nghề, ông đã có nhiều cống hiến tích cực, giúp ngành kim hoàn VN ngày càng phát triển.

Hoàn tất dây chuyền công nghệ

15 tuổi, Lưu Ngọc Phi đã đến với ngành kim hoàn. Nhưng Phi chính thức đến với nghiệp làm vàng khi Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ra đời vào năm 1988 và Phi được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật. Kỷ niệm ông nhớ nhất trong thời gian làm việc tại đây là khi ban giám đốc quyết định đưa ngành kim hoàn VN sang một giai đoạn mới là làm sản phẩm trên dây chuyền công nghiệp vào năm 1991. Lúc bấy giờ, ông đảm nhận vị trí phó giám đốc xưởng được cử sang Singapore cùng phó giám đốc công ty, giám đốc xưởng xem công nghệ sản xuất của Ý. “Ngày ấy, khi dây chuyền sản xuất công nghệ được chuyển về VN cũng là lúc tổ kỹ thuật gặp không ít rắc rối. Bởi khi lắp ráp, vận hành được máy thì sản phẩm làm ra lại không hoàn hảo vì các mối nối ở đầu khoen cứ bung ra. Có trường hợp đan dính, hàn dính nhưng khi dập vàng lại bị gãy. Trước tình hình đó, nhóm kỹ thuật xin công ty tăng cường thêm hai kỹ sư để nghiên cứu. “Tôi cùng mọi người bỏ ra hơn một tháng tìm hiểu và cuối cùng mới phát hiện sự thất bại bắt nguồn từ khâu ủ. Khi nhiệt độ ủ được điều chỉnh phù hợp thì những sợi dây chuyền áp dụng công nghệ mới đầu tiên đã được ra đời” - ông nói.

Những thử nghiệm thành công

Hiện nay, xu hướng sử dụng nữ trang cao cấp và trang sức bạc đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Đó cũng là lý do khiến cho ông Lưu Ngọc Phi gần một năm qua có thêm nhiều công trình nghiên cứu trên các sản phẩm. Công trình thử nghiệm giảm tỉ lệ rỗ mọt trên trang sức cao cấp đã thành công khi ông cùng đồng nghiệp khắc phục tỉ lệ rỗ mọt giảm xuống 70%. Theo ông, cái khó nhất của công trình này là xác định nguyên nhân rỗ mọt từ đâu. Sau gần một tháng nghiên cứu, ông đúc kết: Để sản phẩm bóng đẹp, cần lựa chọn nguyên liệu thật tinh khiết, sáp phải thật sạch, cách cắm đường dẫn đưa vàng vào sản phẩm phải đúng kỹ thuật. Đặc biệt, khâu xử lý nhiệt độ cực kỳ quan trọng vì nó quyết định chất lượng của từng loại hợp kim.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc PNJ: “Sự yêu nghề đã khiến cho anh Lưu Ngọc Phi có những sáng kiến cũng như đóng góp cho ngành kim hoàn. Ngoài lòng yêu nghề, trong công việc, anh rất nhiệt tình, có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho việc đào tạo nhân lực của ngành”.

Không dừng lại ở thành công với dòng trang sức cao cấp, ông còn tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về bạc như: kéo dài thời gian chống ôxy hóa trên sản phẩm bạc, sử dụng nước xi chống xuống màu cho bạc. Ông cho biết các công trình này sẽ công bố vào đầu năm 2009.

Để nghề không mai một, thất truyền

Ngoài những công trình nghiên cứu, ông còn là người thầy dạy nghề cho nhiều thế hệ trẻ. Cách nay hơn 3 năm, khi còn là giám đốc Trung tâm Dạy nghề Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM (trực thuộc Hội Mỹ nghệ kim hoàn), ông đề xướng những chương trình dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo ở các quận, huyện vùng ven như Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh... Từ chương trình dạy nghề của ông, hàng trăm học viên nghèo đã có công ăn việc làm ổn định. Riêng tại PNJ, gần một năm qua, ông đã dạy nghề cho gần 300 công nhân mới và cũ, trong đó có rất nhiều cán bộ quản lý. Ông nói: “Tôi muốn những kiến thức cũng như kinh nghiệm mình có, được mọi học viên biết đến. Có như thế nghề mới phát triển, không bị thất truyền”.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Số lần xem trang: 3576
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : năm hai sáu bảy không

Xem trả lời của bạn !

logolink