Xuất ngũ về quê năm 1981, suốt 12 năm sau đó, ông Chính một mình ra khai hoang ở bãi cỏ lau ven đê để trồng sen, cấy lúa. Ý tưởng làm giàu nảy sinh trong thời gian khó ấy, để giờ đây ông đã có trong tay trang trại cá sạch lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.
Nhìn ông giữa cái nắng hanh hao của mùa đông, tóc đốm bạc dài đến vai, áo vét cổ lỗ, quần dạ xám, chẳng ai nghĩ đó là một vị giám đốc doanh nghiệp. Với quy mô đầu tư lên đến 20 hecta, và hiện có khoảng 50 hồ nuôi cá, song ông Đỗ Chính, Giám đốc công ty nuôi trồng thuỷ sản Sông Thiên Đức (thôn Thuỵ Mão, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn tự nhận mình là người "chưa giàu". Doanh thu mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, nhưng có được bao nhiêu, ông lại dành cả cho tái đầu tư. "Bao lâu nay, người dân vẫn thường dùng phân chuồng để nuôi cá, hoặc dùng nước sông, nước ao hồ ô nhiễm khiến cho sản phẩm làm ra thực ra là cá bẩn. Tôi lại nghĩ khác. Cá sống là nhờ nước, nước có sạch thì con cá mới béo khoẻ, mới lành được. Vì thế tôi đã chọn con đường nuôi cá sạch", ông nói. Với tâm niệm này, ông quyết theo đuổi và xây dựng quy trình nuôi cá mới, dù phức tạp và đắt gấp đôi so với việc nuôi cá bình thường. Ông dẫn nước từ kênh đào Bắc Hưng Hải, qua ao lắng, sau đó dùng chế phẩm sinh học EM hoặc nước ôzôn để khử hết độc tố trong nước. Qua hết các khâu này, nước này mới được dùng để nuôi cá. Trừ hồ cá giống, còn lại các hồ nuôi cá thương phẩm được thay nước thường xuyên, 1-2 ngày một lần, nhằm giúp chúng có môi trường trong lành và tránh bệnh tật. Hiện tại, với 50 hồ sản xuất cá giống, cá bột và một phần nhỏ cá thương phẩm, ông Chính đang xuất sản phẩm đi hầu hết các tỉnh từ Nam ra Bắc, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc, Huế, Đà Nẵng và sang cả Lào. Cá thương phẩm (mà ông gọi là Trắm giòn, Chép giòn) tuy có giá đắt gấp 3 lần bình thường, nhưng to đến vài ký, và thịt trắng, giòn, ăn rất thơm ngon. "Tôi chưa dám nhân rộng cá thương phẩm, vì phải xây dựng dựng thương hiệu cá sạch mới bán được. Chưa có thương hiệu, người tiêu dùng chưa chấp nhận", ông nói. Thôn Thuỵ Mão quê ông vốn là quê hương của nghề cá. Nhưng bao năm, người dân vẫn nuôi theo kiểu manh mún, thủ công. Đi bộ đội về, suốt 12 năm (từ 1981 đến 1992), ông một mình ra "nằm vùng" khai hoang ở bãi cỏ lau, cỏ lác um tùm ven đê. Hết trồng sen, cấy lúa ngoi rồi thả cá trong lúa, ông đã thành công trong việc cho cá chép đẻ tự nhiên. Từ đây, ông nảy ra ý định tầm sư học đạo để cho sinh sản các loài cá khác như trôi, mè, trắm (là những loài vốn không sinh sản tự nhiên được ở đồng bằng, mà phải vớt trứng cá giống ở sông). Đến năm 2003, mỗi năm ông cho ra lò 200 - 300 triệu cá bột và cá giống, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất ra 20 hecta, thành lập công ty. Hai mươi năm nuôi cá, thất bại hàng chục lần, có những lúc tưởng như nản lòng vì cá bị bệnh chết gần hết nhưng ông đã quyết tâm tự chữa bệnh được cho chúng. Chính từ những mày mò này mà ông thấy được tầm quan trọng của việc phòng bệnh, và đưa đến quy trình nuôi cá sạch. Chỉ tay vào cánh đồng mênh mênh bên cạnh những dãy hồ mới đào, ông bảo: "Dự kiến năm 2008, tôi sẽ có 50 hecta kết hợp nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái chữa bệnh, nuôi trồng các loại cây, con giống mới sạch bệnh". Tầm nhìn của "lão nông" này đã vượt xa khỏi đồng ruộng. Ông đang thuyết phục các vị lãnh đạo tỉnh cho phép biến người nông dân thành công nhân lao động, thành cổ đông trong các công ty trang trại để họ gắn bó hết mình với công việc. Từ trang trại này, cá sạch, rau sạch, thịt sạch và cả lúa sạch... sẽ được đóng gói đến tận tay người tiêu dùng. Nếu trang trại sạch của ông mở rộng, sẽ có 80-120 nông dân trở thành công nhân lao động lành nghề. Chưa kể đội ngũ marketing với 15-20 người. Nỗi băn khoăn lớn nhất của ông hiện nay là quyền sử dụng đất lâu dài. "Có an cư mới lạc nghiệp. Người sản xuất như chúng tôi muốn có quyền sử dụng đất từ 30 đến 50 năm để đầu tư mở rộng cơ sở, nhưng với chế độ chỉ được sử dụng 5-10 năm như hiện nay, rồi lại gia hạn, tôi khó mà có can đảm đầu tư được". Nhân sự cũng khiến ông đau đầu. Có anh kỹ sư thuỷ sản đến chỗ ông, được vài ngày đã thấy câu cá bố mẹ lên để... nướng. Hiện ông Chính vẫn mong chờ được hợp tác với các nhà đầu tư và những sinh viên tâm huyết để phát triển khu du lịch sinh thái kết hợp trang trại này. |
||||
Vnexpress |
Số lần xem trang: 3578
Điều chỉnh lần cuối: