/data/file/BN/BN.png

Không còn là những lời cảnh báo nữa, nạn thất nghiệp đang lan nhanh ở các thành phố, đô thị lớn do tình trạng hàng loạt doanh nghiệp đã và đang thu hẹp lại quy mô sản xuất, đã có một số doanh nghiệp phá sản

Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã có 14 doanh nghiệp đóng cửa sa thải 4.000 lao động. Trao đổi với SGTT ngày 22-12, ông Nguyễn Đại Đồng, cục trưởng cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện cục này đang tổng hợp, thống kê con số thất nghiệp cụ thể của cả nước nhưng bước đầu ghi nhận lượng thất nghiệp ở một số thành phố lớn như TP.HCM hay Đồng Nai… lượng công nhân thất nghiệp lên đến con số hàng chục ngàn. Và con số này có nguy cơ ngày càng tăng cao trong năm 2009.

Các chuyên gia kinh tế trong nước đã nhìn nhận ra vấn đề này rất sớm vì theo lý thuyết kinh tế học, khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm đi 2% so với tiềm năng thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 1%. Ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã đưa ra một công thức tính tỷ lệ thất nghiệp co giãn hơn cho Việt Nam.

Theo ILO, do từ mức tăng trưởng GDP tiềm năng là 8,5% nhưng đến năm 2009, mức tăng trưởng của Việt Nam giảm chỉ còn khoảng 6,5% nên tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 tại Việt Nam dự kiến khoảng 0,65%. Ông Đồng cho rằng thất nghiệp sẽ chủ yếu xảy ra ở các khu vực thành phố, đô thị lớn, các khu công nghiệp cho nên, với tỷ lệ trên thì số lượng người thất nghiệp sẽ không phải quá lớn.

Mất việc không chỉ ở thành phố

Nhưng thực tế dường như nghiêm trọng hơn đánh giá của ông cục trưởng cục Việc làm. Tổng lực lượng lao động trong độ tuổi lao động hiện có ở Việt Nam theo cục này là khoảng 44 triệu người (9 triệu ở khu vực chính thức và 35 triệu lao động ở nông thôn). Ngoài số lao động đã thất nghiệp trong năm 2008, một tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm là 0,65%, nếu công thức của ILO là đúng, sẽ làm tình hình thất nghiệp trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Trong khi đó, mỗi năm, lại có hàng triệu người mới bước vào độ tuổi lao động và Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1,7 triệu người trong năm sau. Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã thừa nhận rằng chỉ tiêu này sẽ rất khó đạt được trong năm 2009.

Tuần trước, trong phiên họp với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tỏ ý rất lo ngại về xu hướng này. Ông yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhất định giữ, tạo việc làm không để thất nghiệp tăng cao vì nếu nạn thất nghiệp trầm trọng hơn thì ngân sách nhà nước sẽ không đủ đề trợ cấp trực tiếp cho những người thất nghiệp.

Phó ban Chính sách phát triển của liên minh Các hợp tác xã Việt Nam, ông Phan Vĩnh Điển, cho biết là nạn thất nghiệp sẽ không chỉ xảy ra ở các thành phố, đô thị mà đã xảy ra ở nhiều vùng nông thôn, các làng nghề, vùng chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như đồ thủ công, mỹ nghệ.

“Các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, các làng nghề đang chịu tác động rất lớn của khủng hoảng tài chính bên ngoài và khó khăn ở trong nước. Một số nơi chúng tôi đến như Thanh Hóa, chiếu cói xuất khẩu cứ đắp đống. Rất nhiều người mất việc. Sau vụ mùa thì nhiều người ở các vùng nông thôn giờ không làm gì cả”, ông Điển nói.

Gói kích cầu cần tạo nhiều việc làm

Nhưng người ta đã làm gì để đối phó về một khả năng nạn thất nghiệp bùng nổ ở mức độ nghiêm trọng hơn? Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang cho tiến hành khảo sát, nghiên cứu các số liệu cụ thể để có đánh giá và đề xuất về chính sách.

Để xảy ra một tình trạng thất nghiệp tràn lan sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế sẽ phải từ bỏ những sản phẩm, dịch vụ mà những người công nhân (bị thất nghiệp) làm ra. Hơn nữa, đó còn là sự lãng phí to lớn nguồn nhân lực đang ở độ tuổi lao động và để tồn tại một lượng lớn người mất việc làm, để họ rơi vào tình cảnh nghèo khó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Do đó, ngay từ bây giờ, đã cần phải có những chính sách, kế hoạch bài bản hơn để ngăn ngừa nguy cơ nạn thất nghiệp tiếp tục lan rộng. Một khoản tiền lớn, có thể từ gói kích cầu 5 - 6 tỉ USD như Chính phủ đã công bố để tăng cường đầu tư, kích thích phát triển sản xuất ở những lĩnh vực dễ tạo nhiều công ăn, việc làm, cùng các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất ở nông thôn… có thể sẽ làm tỷ lệ thất nghiệp vẫn dừng lại ở mức hợp lý. Còn nếu không, rất có thể, Chính phủ sau này sẽ lại bỏ ra những khoản lớn hơn để giải quyết những hậu quả về kinh tế - xã hội do tình trạng thất nghiệp cao, kéo dài gây ra.

Theo MẠNH QUÂN - Sài Gòn tiếp thị

Số lần xem trang: 3580
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một tám năm chín không

Xem trả lời của bạn !

logolink