/data/file/BN/BN.png

TT - Dự bữa tiệc cuối năm của một tập đoàn nước ngoài, có một cô gái kín đáo để ý từ công tác tổ chức của đối tác đến cung cách phục vụ của nhà hàng. “Nếu chịu khó quan sát chắc chắn sẽ có được những điều rất hay”.

Đó là kinh nghiệm và cũng là thói quen từ những ngày khởi nghiệp mười năm trước của “bà giám đốc” 8X Trần Thị Xuân Hạ.

Ngày ấy gia đình phá sản, khi bè bạn đã trở về nhà sau kỳ thi vào đại học, Hạ vẫn ở lại, mỗi sáng dắt xe ra khỏi nhà trọ đạp khắp Sài Gòn. Đi hết đường chính rồi hẻm nhỏ, vào hết cửa hàng lớn rồi ra ngó các thúng mẹt hàng rong, cô học trò đến từ phố huyện Cam Ranh kiên nhẫn quan sát để học cách người Sài Gòn kiếm tiền.

Sau vài ngày lòng vòng, Hạ kiếm được chỗ dạy kèm cách nhà trọ hơn một giờ đạp xe. Tạm thời có kế sinh nhai, nhưng vào năm học mới số tiền ấy không đủ để trả tiền nhà, tiền ăn, vừa lo học phí.

Tập làm chủ

Sau thời gian quan sát cách vận hành trung tâm gia sư, dành dụm được vài trăm ngàn đồng, cô gái 19 tuổi bạo gan mở một trung tâm của mình. Cũng thuê chỗ (một góc nhỏ vừa đủ kê chiếc bàn và tấm bảng), cũng quảng cáo, cũng gọi điện thoại. Được hơn một năm, bắt đầu có đồng ra đồng vào thì bỗng nhiên Hạ “dẹp tiệm” vì nghe một người bạn bảo: “Mấy trung tâm gia sư dạng này có thể là bóc lột sinh viên bọn mình đó”.

Hạ quay sang mở sạp báo. Mỗi sáng từ 4g, hôm trời mưa cũng như ngày gió rét cô dậy đạp xe ra dọn hàng. Cảm giác của những chiều mưa ướt nhoét, lo lắng nhìn chồng báo vẫn còn cả xấp khiến sau này mỗi lần mưa, Hạ thường dừng xe mua giùm người ta khi chục trứng, lúc mớ trái cây héo cuối ngày bên đường.

Chạy vạy đi làm, Hạ tự thấy xấu hổ vì “đi học gì mà bữa đực bữa cái, kiến thức chẳng vô đầu được mấy phần”. Hạ nộp đơn xin nghỉ ở Trường Ngoại thương. Thầy chủ nhiệm tiếc và động viên hoài, nhưng cái “sĩ diện” của cô học trò trường chuyên ngày nào khiến Hạ tự nhủ đã học phải cho ra học.

Một lần xem cách làm ở xưởng thạch cao, Hạ thấy có thể thay khuôn đúc bằng cao su để hạ giá thành. Thế là mở xưởng đúc, rồi một cửa hàng, hai cửa hàng tô tượng, Hạ đón ba mẹ anh em ở quê cùng vô làm bán cho các tiệm đang rầm rộ mở ra lúc đó.

Rồi Hạ xin đi làm ở một công ty lớn. Ngày đầu tiên ông giám đốc giao cho Hạ khảo giá dịch vụ. Chưa biết “luật”, Hạ báo đúng giá đối tác đưa ra. Vậy là chỉ trong hôm đó anh nhân viên cũ phải xách gói ra đi, ném lại một ánh nhìn “hình viên đạn”. Chỉ một tháng sau Hạ được cất nhắc làm trợ lý tổng giám đốc, “gác cửa” mọi đơn hàng. Hạ lo mình không tránh được cái bẫy lòng tham, cộng với sự quản lý ngày càng gia đình, thiếu chuyên nghiệp của công ty, năm 2003 Hạ xin nghỉ, quyết chí dùng 15 triệu đồng để dành được lập công ty chung với bạn.

Hiện nay, bạn bè thán phục khi thấy nhỏ bạn mình từ tay trắng giờ đã có nào xe tải xe hơi, rồi nào nhà xưởng máy móc đến hàng ngàn mét vuông, quan trọng hơn Hạ vẫn mê học như ngày nào.

Học để kinh doanh bài bản hơn

Khi tiền bạc không còn là vấn đề cấp bách, Hạ bắt đầu quay lại trường dù không phải không có lúc ngài ngại. Học đại học xong, Hạ đăng ký học tiếp rất nhiều lớp, từ phiên dịch tiếng Anh cho đến quản trị doanh nghiệp, từ đầu tư tài chính cho đến công tác khách hàng. Mà không chỉ một mình đi học, Hạ còn đóng tiền để ba mẹ, anh em, nhân viên trong công ty cũng phải học theo.

Ham học một phần để bù đắp sự thiệt thòi ngày xưa, phần còn lại vì Hạ thấy học hành thật sự giúp ích cho sự nghiệp và cuộc sống của mình. Cứ ban ngày dành cho công việc, tối đến cho chồng con, thứ bảy là để đi học, chủ nhật là dành cho bạn bè. Cho đến nay, cuộc sống cân bằng là điều bạn bè ghen tị nhất ở “bà giám đốc mê học” này.

Quý trọng chữ nghĩa, Hạ nghiêm túc trong chuyện dạy - học tới mức “thấy nể”. Tới giờ, ông chồng và mấy cô bạn dạy đại học vẫn luôn phải cẩn trọng khi nói về nghề dạy vì với Hạ, “người đi dạy cần tâm huyết, chấm bài là phải đọc kỹ từng câu chữ. Vì trong mỗi bài viết đó là bao nỗ lực của người đi học”.

Trong thời buổi khó khăn, bà giám đốc Công ty TNHH Esuhai (Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyên về đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng, tư vấn đầu tư, tư vấn nghề nghiệp... 28 tuổi vẫn làm đồng nghiệp ngạc nhiên với quyết định mở thêm văn phòng, thuê thêm nhân viên. Hạ cho biết: “Làm ăn phải lấy lúc thừa bù lúc thiếu, càng khó khăn càng phải thêm phúc lợi cho nhân viên để anh em yên tâm làm việc”. Đó là “quyết sách” đối phó với thời điểm khó khăn của bà giám đốc trẻ này.

HỒNG NGUYỄN (Tuoi Tre)

Số lần xem trang: 3575
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một sáu bảy năm không

Xem trả lời của bạn !

logolink