/data/file/BN/BN.png

Hiện nay, một số trường đại học quy định sinh viên phải tự tìm chỗ thực tập. Với số ít sinh viên, đây là cơ hội để thử thách mình? Với những sinh viên đã từng đi làm hay có nhiều mối quan hệ thì chuyện tìm một nơi thực tập không đến nỗi. Nhưng với những người “lâu nay chỉ biết học” thì việc kiếm cho mình một chỗ thực tập còn khó hơn đi tìm việc làm.

 

Kiếm chỗ thực tập, "bầm dập" hơn kiếm việc

 

Năm nào cũng thế, cứ sau tết là có nhiều sinh viên lo lắng, chạy đôn chạy đáo tìm chỗ thực tập. Nguyễn Việt Hà, sinh viên trường Dân lập Kỹ thuật công nghệ, TP.HCM, cho biết: “Kế toán là một trong những ngành có đông sinh viên. Mình học ngành này nên tìm chỗ thực tập cũng hơi chua". Còn không đầy 2 tuần nữa là đi thực tập, nhưng Hà vẫn chưa được nơi nào nhận. Trước Tết, Hà đã nhờ người quen "đặt cọc" cho một công ty, nào ngờ khi liên lạc lại thì họ từ chối với lý do "công ty đang có đợt thanh tra". Nguyễn Quốc Bảo Thu, học tiếng Anh doanh nghiệp gọi điện cho tôi "Chị có quen ông giám đốc nào không, xin giùm em chỗ thực tập. Thầy cô bảo cứ đến tận công ty mà xin, nhưng cổng bảo vệ tụi em còn không lọt qua được nói chi gặp giám đốc để xin thực tập”.

 

Đang là sinh viên năm nhất, nhưng mỗi lần gặp tôi, Nguyễn Hoàng Gia Bảo, sinh viên trường Cao đẳng Marketting, TP.HCM đều nhắc: “Chị nhớ đấy nhé, có công ty nào quen thì xin cho em đi thực tập. Chị phải xin trước không là hết chỗ”. Bích Thủy, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, đại học Dân Lập Tôn Đức Thắng, TP.HCM cũng thế. Mới năm thứ 3, nhưng Thủy đã chuẩn bị chỗ thực tập đâu vào đó. Thủy thường xuyên tiếp cận các công ty trong những ngày hội việc làm. Sau vài lần làm quen, Thủy cũng kiếm được chỗ thực tập với lời giải thích của đại diện công ty. Tính kiên nhẫn của em đã giúp em có cơ hội”, Thủy nói.

 

Gặp nhóm bạn Tiến, Nhu, Vân, sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp IV, Gò Vấp, TP.HCM, đang chuẩn bị đi thực tập. Ai cũng hớn hở. Học Hóa môi trường nên các bạn phải về thực tập tại Nha Trang, Đaklak. Chỗ ăn, chỗ ở, chỗ thực tập sinh viên đều tự lo. Thầy cô chỉ hỗ trợ khi không còn con đường nào. Nguyễn Văn Tiến rời thành phố với tâm sự: “Lần đầu tiên mình xa gia đình. Ngày lễ Tình nhân sắp tới chắc buồn chết!”. Như Vân thì có nỗi lo khác: “Thầy hướng dẫn ở thành phố, trò thực tập ở Nha Trang, chắc phải tốn nhiều tiền điện thoại, tàu xe”. Những năm gần đây, có không ít sinh viên đã chủ động mở rộng phạm vi thực tập ở các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu). Hay có những sinh viên tận dụng mối quen biết ở quê nhà để về quê thực tập. Và hầu hết các bạn đều có chung nhận xét, tìm nơi thực tập dễ hơn, những người hướng dẫn cũng tận tình hơn và xác suất được giữ lại công ty cao hơn.

 

Thực tập nghề nhưng công việc lại chỉ là... lao công

 

Mới đến thực tập ở một công ty sản xuất hàng đông lạnh, T.H.V.Long (khoa Điện lạnh, trường Dân lập Kỹ thuật Công nghệ, TP.HCM) đã than thở: “Chẳng thêm được tí kinh nghiệm thực tế nào. Ngày nào cũng dọn kho, lau chùi từng ốc vích. Đề tài tốt nghiệp của mình là nghiên cứu để lập một dây chuyền sản xuất bơ, dứa, mít đông lạnh. Nhưng chắc cũng như các lớp trước, ba tháng thực tập mà chưa một lần thấy quy trình hoạt động của dây chuyền sản xuất”. Còn Tùng, cùng thực tập với Long thì cho biết: “Một ngày giặt gần một trăm cái khăn dính đầy dầu nhớt. Biết là bất công, nhưng không làm thì không có phiếu nhận xét nộp cho nhà trường”.  

 

Hồ Minh Nguyệt (sinh viên Cao đẳng Marketting, TP.HCM). Kể về 3 tháng thực tập của mình, tháng ngày thực tập của Nguyệt và những người bạn là tháng ngày đi giới thiệu sản phẩm cho công ty. Doanh thu của công ty cũng được kha khá, nhưng kết thúc đợt thực tập cũng là chấm dứt thời gian làm việc không công của mười mấy sinh viên.

 

Hỏi thăm về chuyến thực tập của Hà, cô kể, lên công ty ngồi uống trà một lúc rồi về. Chị phụ trách bảo hạn chế lên công ty với lý do: “Ai cũng bận rộn, các em lên làm phiền, họ khó làm việc”. Hết 3 tháng thực tập mà Hà không một lần được nhìn thấy sổ sách của công ty. Những số liệu được sử dụng trong luận án đều lấy từ các luận văn trước hay do thầy cô cung cấp. Cũng như Hà, sau 3 tháng thực tập ở một công ty nhà nước, Nguyễn Quốc Bảo Thu phát hiện mình có năng khiếu pha trà và biết thưởng thức trà.

 

Đem những than phiền của các sinh viên kể cho anh Nguyễn Quốc Vượng, nhân viên của một công ty địa ốc. Anh liền giải thích: "Chính những đơn vị nhận sinh viên thực tập cũng có những phiền toái. Có nhiều sinh viên vừa đến công ty đã đòi xin số liệu, đòi được trực tiếp làm việc, trong khi những nhân viên mới của công ty cũng phải làm quen một thời gian". Ngẫm nghĩ một lúc, anh lại tiếp: "Hiện nay, chỗ tôi cũng có 5 sinh viên đang thực tập. Đợt thực tập có kết quả hay không là do mỗi người. Những sinh viên cởi mở, hòa đồng với nhân viên công ty thì họ sớm có được số liệu, sớm được hướng dẫn".

 

Kết quả thực tập tốt hay không phần lớn là do nỗ lực của mỗi sinh viên. Nhưng trên thực tế cũng còn nhiều đơn vị, công ty vẫn  xem chuyện nhận sinh viên vào thực tập là một gánh nặng. Cũng từ đó tạo cho sinh viên một thói quen không tốt: sao chép luận văn của những người đi trước, tìm mọi cách để "ăn cắp" số liệu. Sẽ tốt hơn nếu sinh viên mới được sống trong cơ chế, các doanh nghiệp xem đợt thực tập của sinh viên là cơ hội để công ty tìm kiếm nhân tài. Một khi chuyện thực tập của sinh viên được cả xã hội nâng đỡ thì hiệu qủa của những đợt thực tập sẽ cao hơn.

  • Đoan Trúc (Vietnamnet)

 

Số lần xem trang: 3584
Điều chỉnh lần cuối: 22-03-2009

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn bảy năm bảy bốn

Xem trả lời của bạn !

logolink