Sự đột phá đầu tiên của tập đoàn Starbucks ra khỏi thị trường Bắc Mỹ “mê cà phê” là tại đất nước “mê uống trà” Nhật Bản vào năm 1996. Vào thời điểm đó, ở nước này, việc mua cà phê đem về và vừa đi vừa uống bị xem là khiếm nhã.
Để thâm nhập vào thị trường này, các nhà chiến lược của Starbucks đã quan sát khách hàng tại cửa hàng đầu tiên của họ trên một khu phố nhỏ ở quận Ginza tại Tokyo. Họ sớm phát hiện ra là phụ nữ với thu nhập ổn định sẽ trở thành đối tượng khách hàng chính của cửa hàng cà phê theo kiểu phương Tây này.
Vào năm 2001, Starbucks Nhật Bản đã sẵn sàng niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi quán cà phê lớn nhất nước Mỹ này nhanh chóng lan sang các nước Châu Á khác.
Nhưng vào năm ngoái, thương hiệu toàn cầu này bắt đầu gặp nhiều khó khăn, và sự phát triển kỳ diệu đó bắt đầu chậm lại. Một số thay đổi trong bộ máy quản lý đã được tiến hành để làm khách hàng giảm bớt ấn tượng là thương hiệu Starbucks đã trở thành một loại hàng hóa thông thường và phục hồi lại “trải nghiệm” Starbucks độc nhất vô nhị.
Tại Châu Á, ông John Culver tiếp quản vị trí Chủ tịch của Starbucks khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào tháng 1 năm 2007. Đồng thời, ông ấy cũng là Phó Chủ tịch cấp cao của tập đoàn Starbucks toàn cầu. Thách thức đầu tiên của ông vào năm đó là Starbucks phải đóng cửa tiệm cà phê của họ trong Tử Cấm Thành của Bắc Kinh sau khi một chương trình truyền hình quốc gia chỉ trích Starbucks gây ảnh hưởng xấu đến thắng cảnh văn hóa của Trung Quốc.
Hiện nay, Starbucks có hơn 15 ngàn cửa hàng trên toàn thế giới, với khoảng 600 ở Nhật bản, và hơn 300 ở Trung Quốc đại lục. Bất chấp kế hoạch đóng cửa khoảng 600 cửa hàng kinh doanh thua lỗ và cắt giảm khoảng 12 ngàn việc làm tại Mỹ, Starbucks vẫn quyết định mở thêm 80 cửa tiệm nữa tại Trung Quốc, thị trường có tiềm năng nhất ngoài khu vực Bắc Mỹ. Ông Culver, đang làm việc tại trụ sở ở Hồng Kông, còn có trách nhiệm vực dậy thương hiệu Starbucks tại Úc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, và Thái Lan.
Người lãnh đạo ở tuổi 47 đã tham gia Starbucks từ năm 2002 ở cương vị Phó chủ tịch và Tổng giám đốc khối dịch vụ thực phẩm, nơi ông tập trung phát triển mức độ nhận biết thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi gia nhập Starbucks, ông từng làm việc cho Nestlé Hoa Kỳ, nơi ông là phó chủ tịch chịu trách nhiệm cho hơn một tỷ USD doanh thu dịch vụ thực phẩm và quản lý khoảng 30 nhãn hàng. Ông có bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học tiểu bang Florida.
Tor Ching Li ở Singapore trò chuyện qua điện thoại với ông Culver ở Hồng Kông.
WSJ: Bài học lớn nhất ông học được từ việc làm đầu tiên của mình?
Ông Culver: Tôi đã rửa chén và làm bồi bàn khi tôi còn học trung học. Bài học lớn nhất tôi đã học được là phải đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn họ đối xử với mình. Là con người, tất cả chúng ta đều muốn được biết đến và tôn trọng, dù chỉ bằng một câu chào thân thiện hay một lời cám ơn chân thành. Chính những điều nhỏ nhặt ấy sẽ xây dựng nên mối quan hệ giữa con người với con người.
WSJ: Ông có lời khuyên nào cho các bạn mới khởi nghiệp trong lĩnh vực của ông?
Ông Culver: Hãy vui vẻ, nhiệt thành trong những việc bạn làm và cho mọi người thấy bạn quan tâm đến họ. Bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn bỏ ra. Phần thưởng bạn nhận được là mối quan hệ mà bạn đã tạo dựng được và những tác động của bạn đến cuộc sống của người khác.
WSJ: Ông mong chờ điều gì nhất ở những nhân viên mới?
Ông Culver: Có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là bạn phải chọn cho mình một con đường thăng tiến hoặc một công ty bạn đam mê và có thể đồng hành cùng những giá trị của bạn.
WSJ: Thị trường cà phê Châu Á và phương Tây có khác nhau không?
Ông Culver: Đó là hai thị trường khác nhau. Thị trường ở Châu Á còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Về mặt thiết kế, chúng tôi muốn chắc chắn rằng mỗi cửa tiệm đều giữ được tính chất “môi trường thứ ba”. Đó là nơi giao kết giữa nhà và công sở, một không gian nghỉ ngơi với ghế sofa thoải mái, những nhân viên pha cà phê thân thiện, và âm nhạc nhẹ nhàng, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa bản địa. Starbucks bản địa hóa thực đơn cho các sản phẩm thức ăn và bánh ngọt để phục vụ sở thích của khách hàng địa phương và để nâng cao trải nghiệm khi uống cà phê. Tuy nhiên, dù ở nơi đâu thì chất lượng cà phê và sự trải nghiệm Starbucks vẫn được giữ nguyên.
WSJ: Ông đã đối mặt với những thách thức của việc làm lãnh đạo như thế nào trong thời điểm có nhiều sự thay đổi trong ban quản lý?
Ông Culver: Trong thời điểm thay đổi, điều quan trọng là luôn cập nhật thông tin cho nhân viên, chia sẻ hướng đi rõ ràng của công ty và thể hiện việc thay đổi sẽ đề cao giá trị cốt lõi của công ty như thế nào. Cung cấp thông tin một cách chân thật, cởi mở, nhất quán, và đúng lúc thông qua những cuộc họp chính thức hoặc không chính thức và những buổi hội thảo công khai là cách hiệu quả nhất. Nó giúp nhân viên có thể tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của mình.
WSJ: Ông có nghĩ là người ta rất cần phải biết những điều căn bản như pha cà phê và quản lý cửa tiệm trước khi được bổ nhiệm vào những vị trí quản lý cao hơn?
Ông Culver: Đó là điều chắc chắn. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, tôi tin rằng quan trọng nhất là người ta phải có sự đam mê đối với con người và cà phê, vì chúng chính là cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Khách hàng chỉ hài lòng và hứng thú khi doanh nghiệp thu hút và giữ được những người giỏi nhất, và chúng tôi làm được điều này bằng cách liên tục đào tạo cho những “đối tác” của chúng tôi (cụm từ Starbucks dùng để nói về nhân viên của mình).
WSJ: Quyết định khó khăn nhất mà ông từng đưa ra ở cương vị lãnh đạo?
Ông Culver: Những quyết định khó khăn nhất là những quyết định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một cá nhân hay một tập thể, chẳng hạn như sự phân chia các nguồn lực bị giới hạn và làm sao để sử dụng chúng. Là một nhà lãnh đạo, tôi cảm thấy có trách nhiệm rất lớn với những người tôi làm việc cùng mỗi ngày. Tại Starbucks, chúng tôi luôn tin rằng chính đội ngũ nhân viên đã làm nên sự thành công của công ty. Đó là lý do chúng tôi gọi họ là những đối tác của chúng tôi.
WSJ: Ông có khuyến khích những bạn đang khởi nghiệp trong ngành của ông theo học trường kinh doanh hay bỏ qua bằng MBA và học trong khi làm việc?
Ông Culver: Tôi tin rằng sự đam mê và toàn tâm toàn ý vào những gì bạn chọn làm, cho dù đó là học tập hay công việc, là rất quan trọng. Starbucks có một số câu chuyện thành công tiêu biểu, chẳng hạn đối tác khởi đầu là nhân viên pha cà phê bán thời gian khi còn đi học đã trở thành những nhà quản lý hàng đầu cho công ty và tạo dựng được một sự nghiệp lâu dài. Chúng tôi cũng có những câu chuyện khác, chẳng hạn đối tác đến làm việc cho công ty sau khi tốt nghiệp cao học và MBA. Có một điểm chung là họ đều yêu thích những việc họ làm và cảm thấy rằng họ đang tạo được một tác động tích cực đến những người họ làm việc chung hoặc tiếp xúc hàng ngày.
Theo The Wall Street Journal
Nguồn: Vietnamworks
Số lần xem trang: 3583
Điều chỉnh lần cuối: