Mạnh dạn, thẳng thắn khi đụng đến những bất cập của ngành dệt may, da giày bao nhiêu thì người đàn ông trung niên này lại tỏ ra kín đáo bấy nhiêu khi nhắc đến chuyện làm ăn riêng của doanh nghiệp mình. Vì thế có nhiều người lầm tưởng rằng ông chỉ làm việc cho các hội và trung tâm đào tạo.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ tình hình xuất khẩu của ngành dệt may và da giày ba tháng đầu năm nay. Ông nói:
- Quý I-2009, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 1,9 tỉ USD (bằng với cùng kỳ năm ngoái), còn da giày xuất khẩu là 915 triệu USD, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số 11% của ngành giày nếu trừ đi thời gian tăng ca thì xem như công việc đem lại vẫn gần bằng năm ngoái. Như vậy là nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu thì hoạt động của hai ngành này vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác, khủng hoảng kinh tế khiến sức mua của các thị trường lớn giảm mạnh, các khách hàng của chúng ta buộc phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí.
Thay vì đặt hàng từ nhiều nhà cung cấp như trước, họ tập trung đơn hàng vào một vài nhà cung cấp nhất định. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có đơn hàng lớn, vượt quá công suất nhà máy lại cũng gặp khó khăn vì không thể giao lại cho các đơn vị khác gia công. Bởi với các khách hàng Âu, Mỹ, nếu muốn thuê doanh nghiệp khác gia công thì đơn vị nhận gia công phải được khách hàng đánh giá (audit) và phải đáp ứng được những tiêu chuẩn do khách hàng đề ra mới được nhận hàng. Thế nên mới có tình trạng nơi này làm không hết việc, phải đỏ mắt tìm lao động, trong khi nơi khác lại không có đơn hàng khiến thừa lao động.
Một dấu hiệu khác cũng rất đáng lưu tâm là việc khách hàng cắt giảm triệt để chi phí trung gian bằng cách đặt hàng trực tiếp các nhà sản xuất trong nước. Đây là một trong những lý do khiến hàng loạt ông chủ nước ngoài bỏ trốn thời gian qua. Những ông chủ nước ngoài vừa có nhà máy sản xuất nhưng đồng thời họ còn đóng vai trò trung gian. Khi đơn hàng ít, khách hàng chọn ngay giải pháp đầu tiên là cắt bỏ trung gian. Dự báo là khoảng 30% nhóm doanh nghiệp dạng này sẽ ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó là những doanh nghiệp âm thầm đóng cửa, những thường hợp này đa phần rơi vào các doanh nghiệp trong nước. Không có đơn hàng thì họ cho sản xuất cầm chừng bằng cách giảm giờ làm, khiến thu nhập của công nhân vốn đã chẳng nhiều nhặn gì, giờ bị giảm thêm. Kết quả là công nhân tự làm đơn xin nghỉ việc.
* Cách nay chưa lâu, ngành lao động thông báo TP.HCM có tổng số 26 ngàn người mất việc tính đến hết quý I-2009. Là người gắn bó sâu sát với những ngành dệt may và da giày, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng con số trên không thuyết phục, nó sẽ khiến cho nhiều ngành chức năng thiếu quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng mất việc. Cần nhìn thẳng vào thực trạng thất nghiệp. Đánh giá tình hình thực tiễn như thế nào thì người ta sẽ lựa chọn cách hành xử như thế ấy. Cũng giống như người bệnh, biết sức mình đã đuối nhưng vẫn tìm cách giấu gia đình thì mức độ chăm sóc của những người thân có thể sẽ giảm đi. Đến một lúc nào không gượng được nữa, suy sụp thì người thân của bệnh nhân chắc chắn sẽ bị động, trở tay không kịp.
Tiêu chí để xếp người mất việc hiện nay, theo tôi, là không phù hợp. Những người tự nguyện nghỉ việc vì doanh nghiệp sản xuất cầm chừng vẫn chưa được xem là những người thất nghiệp để nhận được sự hỗ trợ, mặc dù con số này trong thực tế là rất lớn. Tại sao ta phải bắt họ chờ đến khi doanh nghiệp cho nghỉ theo chế độ mất việc khi mà họ phải kéo lê cuộc sống với đồng lương ít ỏi?
Thêm nữa, sau khi nghỉ việc, họ cũng không dễ tìm được việc làm như thời gian trước khi diễn ra khủng hoảng kinh tế. Theo ước tính của tôi, số người mất việc trong ngành dệt may và da giày hiện nay phải dao động trên dưới 10% trong khoảng trên hai triệu lao động của hai ngành.
* Có ý kiến cho rằng tìm việc làm cho người lao động mất việc xét cho cùng chỉ là giải pháp tình thế. Muốn cứu người lao động thì phải làm sao để những doanh nghiệp lành mạnh tồn tại?
- Xung quanh vấn đề giữ và tạo nên công ăn việc làm cho khu vực xuất khẩu nói chung, hai ngành dệt may và da giày nói riêng, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Có người cho rằng cần đẩy mạnh việc mở ra thị trường, khách hàng mới. Tôi không phản bác hướng đi này nhưng trong giai đoạn hiện nay, khai phá những thị trường, khách hàng mới sẽ rất tốn kém và rủi ro trong khi chúng ta đang phải thắt lưng buộc bụng và khủng hoảng đang ảnh hưởng trên toàn cầu.
Trong tình hình này, những khách hàng lâu năm của chính chúng ta còn không có đủ sức để giao đơn hàng cho chúng ta thì khó có thể hy vọng những khách hàng khác lại chịu từ bỏ những nhà cung cấp của họ để đặt hàng cho chúng ta.
Lại có một số ý kiến cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp quay trở lại thị trường nội địa. Điều này thoạt nghe có vẻ đúng, nhưng nếu suy xét kỹ lại không phải là vấn đề đơn giản. Như chúng ta đã biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 của dệt may và da giày gộp lại khoảng 14 tỉ USD. Nếu cộng thêm chi phí phân phối để biến thành giá bán lẻ thì con số này tối thiểu cũng phải tương đương 28 tỉ USD, trong khi đó tổng cầu nội địa của hai ngành hàng này trước khủng hoảng mới xấp xỉ 3 tỉ USD.
Như vậy, chỉ cần 10% lượng hàng xuất khẩu quay trở lại thị trường trong nước - tương đương 2,8 tỉ USD - thì thị trường nội địa của chúng ta sẽ không thể nào hấp thu nổi, nhất là trong bối cảnh sức mua lại giảm như hiện nay. Vì vậy, dù muốn dù không, ưu tiên số một là các doanh nghiệp vẫn phải bám chặt các khách hàng hiện tại bằng cách áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn, cơ cấu lại bộ máy để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh để cùng chia sẻ với khách hàng. Cố gắng không để cho khách hàng hiện tại gạch tên chúng ta khỏi danh sách những nhà cung cấp. Đó cũng chính là cách giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục sống sót và thậm chí là phát triển mạnh sau khi kinh tế hồi phục.
Tóm lại, mở thị trường mới hay thâm nhập vào thị trường nội địa cần được xem là một chiến lược dài hơn là những giải pháp tình thế.
* Với những khó khăn và tồn tại như vừa nêu, mục tiêu 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu Bộ Công Thương đặt ra cho ngành dệt may trong năm 2009 liệu có khả thi, thưa ông?
- Trong buổi làm việc với Ban chấp hành Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các ủy viên đều đề nghị cố gắng duy trì mức xuất khẩu như năm 2008 hoặc tăng trưởng một ít là đã giỏi rồi. Tuy nhiên, Chính phủ có đưa ra yêu cầu là phải đạt mức 10 tỉ USD, chúng tôi chia sẻ điều này và Chính phủ cũng có một số giải pháp kích cầu để hỗ trợ cho sự tăng trưởng, tuy rằng có chậm. Theo tôi, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều đã nỗ lực hết mình, một mặt cho chính bản thân doanh nghiệp, mặt khác góp phần cho đất nước, nhưng phải qua quý II năm nay chúng ta mới có thể đánh giá được khả năng có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỉ USD hay không.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại các con số, không nên quá tập trung vào tổng kim ngạch và không nhất thiết phải đặt nặng vấn đề xem chúng ta xuất khẩu được bao nhiêu, mà điều cần thiết là phải xem từng ngành đã mang về cho đất nước bao nhiêu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, tức là phần do chính chúng ta tạo nên.
* Hiện nay ngành dệt may của chúng ta chủ yếu là gia công. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta cũng cần thấy rằng việc gia công của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua là tất yếu vì khi chúng ta bắt đầu cung cấp hàng dệt may cho các nước lớn thuộc khối EU, Nhật, Hoa Kỳ thì ngành công nghiệp thượng nguồn của chúng ta hầu như là rất yếu, số nhà máy sợi và dệt không nhiều lại đơn điệu, chủ yếu phục vụ cho thị trường Đông Âu theo phân công của khối SEP. Hơn nữa, lúc đó đời sống chúng ta còn thấp nên chọn con đường cạnh tranh bằng lao động giá rẻ, khéo tay. Giai đoạn này bắt đầu vào đầu thập niên 1990 và kéo dài đến đầu những năm 2000.
Đến những năm đầu 2000, nhờ chính sách mở cửa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, mức sống người dân dần được cải thiện, cạnh tranh bằng lao động giá rẻ không còn phù hợp, từ đó, ngành dệt may có một áp lực lớn là phải nâng cao giá trị gia tăng, không những góp phần nâng cao đời sống người lao động mà còn tạo nên vốn tích lũy cho doanh nghiệp.
* Liệu chúng ta đã có những kế hoạch thoát ra khỏi “cơ chế gia công” hay chưa? Nếu thoát ra được thì ngành dệt may sẽ đóng góp như thế nào vào GDP của đất nước?
- Kế hoạch thoát khỏi gia công đã manh nha từ cuối thập niên 1990, nhưng mãi đến năm 2000, Chính phủ mới có quyết định 55 nhằm góp phần tăng tốc cho ngành dệt may. Tuy nhiên, quá trình thực hiện khá chậm. Sau gần 20 năm thì chúng ta cũng chỉ hạ tỷ lệ gia công từ 100% xuống còn khoảng 60-70%. Đến giai đoạn này, chúng ta có thể định hình dần chiến lược kinh doanh của cả ngành như sau.
Với các doanh nghiệp gia công các mặt hàng thông dụng, chất liệu vải bình thường thì phải sớm thoát ra khỏi gia công bằng cách tự lo nguyên liệu. Trong thời gian đầu, nguyên liệu có thể do khách chỉ định, dần dần sẽ chủ động vì nhóm mặt hàng này có tính cạnh tranh cao. Càng kéo dài việc gia công thì thu nhập càng thấp và thậm chí có thể mất đơn hàng vào tay các nước mới tham gia có giá gia công thấp như Campuchia, Myanmar.
Với các doanh nghiệp gia công hàng cho các thương hiệu có chất lượng từ trung đến cao cấp, việc thoát dần khỏi gia công cần có sự phối hợp với khách hàng vì có một số nguyên liệu đã được họ chuẩn bị từ mùa trước.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đang sống khỏe nhờ gia công. Theo đó, khách hàng cung cấp nguyên liệu từ chính nước nhập khẩu hoặc mua nguyên liệu từ những nguồn chất lượng cao như châu Âu, Nhật Bản… Những đơn hàng này có tính thời trang, giá trị lớn, khách hàng quan tâm đến chất lượng và thời gian giao hàng hơn là tiền công. Với nhóm khách hàng này, việc thoát khỏi gia công là khó và thậm chí gia công lại là một hình thức thích hợp.
Tóm lại, tôi không ủng hộ duy trì gia công, nhưng tùy trường hợp mà phải đẩy nhanh hoặc phải thận trọng khi thoát khỏi cơ chế gia công. Không phải gia công lúc nào cũng là không tốt. Vấn đề là cần xem xét kỹ phần giá trị sẽ mang lại qua gia công hoặc tự lo nguyên liệu (làm FOB), đồng thời nắm bắt yêu cầu của khách hàng và khả năng của chính doanh nghiệp. Nếu chọn giải pháp thoát khỏi gia công bằng cách đặt mua nguyên liệu do khách chỉ định toàn bộ, sau đó họ cộng cho ta thêm một khoản lãi định mức 5-7% thì chẳng khác nào ta tự rước rủi ro vào mình, chỉ cần một sự cố nhỏ là mất khoản lãi này và doanh nghiệp lãnh đủ.
Hiện tại, tỷ lệ ngoại tệ do gia công mang về cho đất nước chỉ ở mức 30-40% trên tổng kim ngạch xuất của cả nước. Nếu ta chủ động được nguồn vật tư trong nước, nâng cao được giá gia công do tham gia vào các chuỗi cung ứng có thương hiệu lớn, sản phẩm có thương hiệu và giá trị cao… thì phần ngoại tệ mang về cho đất nước sẽ cao hơn nhiều.
Có thể GDP và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ không tăng thêm, vẫn dao động quanh con số 10 tỉ USD, nhưng đời sống của người lao động sẽ được nâng lên, doanh nghiệp sẽ có tích lũy tốt hơn. Thử đặt giả thiết là ngành dệt may có thể đem về một lượng ngoại tệ thực hưởng hàng năm ở mức là 7 tỉ USD (khoảng 70%), nghĩa là một người lao động ngành dệt may tạo ra khoảng 3.500 USD/năm. Đây là con số lý tưởng cho đất nước ta kể cả đến năm 2015.
* Nếu cần một tiếng nói phản biện từ phía người trong cuộc khi đụng đến những vấn đề bức xúc trong ngành dệt may, có vẻ như giới truyền thông thường tìm đến Diệp Thành Kiệt, ông suy nghĩ thế nào về tình hình phản biện xã hội hiện nay?
- Tôi cho rằng phản biện xã hội là một nhu cầu có thực và rất lớn của xã hội chúng ta, manh nha xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990, sau khi khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Làm phản biện cực hơn là nói theo vì nó đòi hỏi ta phải suy nghĩ thấu đáo, nhìn thấy được các mặt chưa được và chỉ ra bằng các lý lẽ chắc chắn để phản biện những mặt không phù hợp.
Đương nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về những người có trách nhiệm, vấn đề là anh có muốn nghe hay không. Cũng không loại trừ trường hợp một số người tỏ ra khó chịu, có phản ứng tiêu cực, gây tổn thương cho lực lượng phản biện. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, từ xa xưa đã như vậy. Không phải ai cũng biết chấp nhận những ý kiến trái ngược với suy nghĩ của mình, mặc dù họ biết ý kiến đó đúng.
* Có vẻ như làm phản biện xã hội mất nhiều hơn được?
- Tôi lại cho rằng được nhiều hơn mất, tôi biết rằng còn rất nhiều trí thức, nhất là những người từng làm việc dưới chế độ cũ, và kể cả những lớp trí thức mới, các bạn trẻ học trong nước hoặc từ nước ngoài về muốn đóng góp ý kiến cho xã hội. Càng mở rộng cho phản biện xã hội, đất nước càng được nhiều và không mất gì. Tuy nhiên cũng có lúc mất, đó là khi những phản biện tích cực không được tiếp nhận một cách cầu thị và có hiệu quả khiến người phản biện nản chí, bỏ cuộc.
* Xét từ góc độ cá nhân thì ông đã mất gì chưa?
- Nếu hiểu “mất” theo nghĩa thiệt hại về vật chất thì chưa có gì đáng gọi là “mất”. May mắn là bên cạnh mình vẫn có nhiều người ủng hộ. Cũng có những trường hợp chính người có trách nhiệm cũng nhìn ra vấn đề và cũng muốn phản biện, nhưng vì lý do tế nhị nào đó, hoặc do có vị trí trong chính quyền nên họ không thể nói ra được, vì thế khi mình phản biện đúng sẽ tạo nên lợi thế và cơ hội để người có trách nhiệm nhanh chóng sửa đổi.
Một phản biện được xem là tích cực, theo tôi, khi nó trở thành tiền đề cho những phản biện kế tiếp. Mục đích cuối cùng phải là hướng tới sự liên tục hoàn thiện. Như đã đề cập, phản biện xã hội là nhu cầu có thực, nên sớm hay muộn cũng sẽ có cầu còn cung lại không phải là điều quá lo lắng, chỉ cần có cơ chế phù hợp và đặc biệt là cần động viên được đội ngũ trí thức trong nước.
Nếu ví phản biện xã hội là một thửa đất thì thửa đất này cần phải được xới thường xuyên, càng xới nhiều thì đất càng tơi, càng dễ dàng cho canh tác. Tuy nhiên, thành thực mà nói thì cũng có những lúc tinh thần mình bị dao động, muốn chọn thái độ im lặng, tập trung thì giờ cho công việc riêng, nhưng rồi lại thấy rằng xã hội mình còn rất nhiều người tốt, có nhiều quan chức có trách nhiệm, biết lắng nghe và cần nghe những lời nói thẳng, vậy là mình lại tiếp tục nói.
* Được biết ngoài việc trực tiếp điều hành và giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo Dệt may Quốc tế, ông còn làm công tác tư vấn?
- Tôi bắt đầu công tác tư vấn trong ba năm gần đây. Thực ra việc dạy học và tư vấn cũng khá gần nhau. Dạy học là chia sẻ một cách tập trung, có lý luận; còn tư vấn là chia sẻ một cách trực tiếp các kinh nghiệm và kiến thức với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để mình gần gũi và nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp, góp phần phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp.
* Người ta thường ví những người làm công tác hội như “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Để làm được điều đó, hẳn rằng ông phải có một hậu phương vững chắc?
- Bà xã tôi ít khi xuất hiện ra xã hội, cô ấy chấp nhận lùi lại và tập trung thời gian cho việc chăm sóc gia đình. Sự thiệt thòi của cô ấy lại là một sự tiếp sức giúp cho tôi tiếp tục đóng góp cho xã hội.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Số lần xem trang: 3601
Điều chỉnh lần cuối: 14-09-2009