Những lỗi thường gặp trong phỏng vấn xin việc
Nhà tuyển dụng là những người rất khắt khe trong việc tuyển chọn các ứng viên. Họ sẽ đánh giá bạn ngay từ sự xuất hiện của bạn: từ cách mở cửa đóng cửa cho đến cách ăn mặc đi đứng giao tiếp, ứng xử… Mặc dù bạn đã tham khảo rất nhiều sách tư vấn nghề nghiệp nhưng bạn vẫn có thể mắc sai lầm. Vì vậy, hãy dành thời gian chuẩn bị để chắc rằng các lỗi sau đây không xảy ra với bạn:
1. Không chuẩn bị
Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn không thể trả lời câu hỏi mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng hỏi các ứng viên: "Anh (chị) biết gì về công ty của chúng tôi?". Vì vậy, trước khi đến phỏng vấn, hãy tìm hiểu các thông tin về công ty mà bạn đang muốn xin tuyển. Chúng bao gồm: Lịch sử hình thành, địa điểm, các phân nhánh, hoặc slogan của công ty.
2. Ăn mặc không chuyên nghiệp
Hình thức bên ngoài có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng. Vì thế, hãy đảm bảo rằng trang phục khi đến phỏng vấn phải thực sự chuyên nghiệp. Trước khi phỏng vấn, nên tìm hiểu môi trường văn hoá công ty và những quy định về đồng phục để có cách ăn mặc cho phù hợp.
3. Yếu kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng, không thể thiếu đối với bất kỳ công việc nào. Khi gặp gỡ với nhà tuyển dụng, cần bắt tay mạnh mẽ, giữ liên lạc bằng ánh mắt, thể hiện sự tự tin và nói chuyện một cách lôi cuốn. Hãy thể hiện mình là một ứng viên xuất sắc ngay cả khi bạn chưa trả lời các câu hỏi của người phỏng vấn.
4. Thiếu lịch sự
Thực tế đã cho thấy, nhiều ứng viên còn để chuông reo hoặc nghe điện thoại trong khi đang phỏng vấn. Tất nhiên, sẽ chẳng lịch sự chút nào. Vì vậy, hãy tắt máy trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.
5. Nói quá nhiều
Không có gì tồi tệ hơn việc "bắn liên thanh" hoặc nói luyên thuyên trong cuộc phỏng vấn. Nhà tuyển dụng thực sự không cần những thông tin về cuộc sống của bạn, về nơi sinh cũng như các thông tin không liên quan đến công việc. Vì vậy, hãy trả lời thật ngắn gọn, đúng trọng tâm các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra.
6. Quá kiệm lời
Không một nhà tuyển dụng nào lại hài lòng với một câu trả lời chỉ với một hoặc hai từ. Nếu bạn quá kiệm lời, chỉ sau một hai câu hỏi, người phỏng vấn sẽ cảm thấy ngán ngẩm và tất nhiên, cuộc phỏng vấn cũng sẽ kết thúc nhanh chóng. Vì vậy, hãy trả lời đầy đủ, ngắn gọn với sự hiểu biết của bạn và chú ý tránh lan man.
7. Trả lời sai
Trả lời sai, chắc chắn bạn sẽ không được tuyển dụng. Do vậy, cần lắng nghe cẩn thận câu hỏi của nhà tuyển dụng đưa ra để đảm bảo rằng bạn hiểu đúng ý câu hỏi.
8. Nói xấu sếp và đồng nghiệp cũ
Bạn trình bày với nhà tuyển dụng rằng bạn bỏ công việc trước vì không ưa sếp cũ, vì sếp của bạn năng lực kém, sau đó bạn lại "thả phanh" đưa ra một loạt điểm xấu để chê bai các đồng nghiệp. Thật sai lầm! Thực sự nhà tuyển dụng không muốn nghe một lời huyênh hoang, rỗng tuyếch như vậy. Bởi họ nghĩ rằng, chắc chắn khi không làm việc tại công ty của họ nữa, anh ta cũng sẽ nói xấu về công ty như thế này.
9. Không theo đuổi
Bạn có chắc rằng mình để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng? Bạn có nghĩ rằng sau cuộc phỏng vấn bạn sẽ được tuyển dụng? Chưa chắc. Vì thế, sau phỏng vấn, hãy gọi điện hoặc viết một lá thư cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian cho mình và bày tỏ sự quan tâm và mong muốn của mình đến vị trí mà bạn muốn xin tuyển.
Nguồn tin: http://www.tuvanxinviec.com
Số lần xem trang: 3582
Điều chỉnh lần cuối: 25-09-2007