/data/file/BN/BN.png

Xin lựa chọn và giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm...

10 sự kiện nổi bật Việt Nam 2007

 

 Năm 2007, VN tiếp tục được ghi nhận là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực; đạt nhiều thành tựu lớn về xã hội, văn hoá, giáo dục; đồng thời ghi dấu ấn đậm nét trên chính trường quốc tế với sự kiện được cộng đồng thế giới tín nhiệm cao vào chiếc ghế không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc. Song năm 2007, VN cũng đã phải đối mặt với lạm phát gia tăng; thiên tai lũ lụt, sập cầu, lở núi, dịch tiêu chảy cấp...

Xin lựa chọn và giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm.

1. Giảm đầu mối, hình thành các bộ đa ngành

Ngày 20.5, cử tri và nhân dân cả nước tham gia ngày hội lớn của dân tộc - bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII (nhiệm kỳ 2007-2011). Ngay trong kỳ họp đầu tiên, QH khoá XII đã bầu, phê chuẩn bộ máy các cơ quan quyền lực nhà nước. Tại kỳ họp này, QH đã phê chuẩn cơ cấu Chính phủ theo hướng tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối, hình thành các bộ đa ngành, giảm số bộ, cơ quan ngang bộ từ 26 xuống còn 22.

Cụ thể: Hợp nhất Bộ Thuỷ sản với Bộ NNPTNT; hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; giải thể Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan này sang các bộ liên quan; hợp nhất Uỷ ban TDTT với Bộ VHTT, giao bộ này quản lý Tổng cục Du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Bộ Bưu chính - Viễn thông nhận thêm phần quản lý báo chí và xuất bản chuyển từ Bộ VHTT sang, đổi tên thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Kinh tế: Tăng trưởng, đầu tư, xuất - nhập khẩu, lạm phát đều tăng cao


Với mức tăng trưởng GDP đạt 8,5% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (năm 2006 đạt 8,17%). Tổng GDP tính theo giá hiện hành đạt 1.144 ngàn tỉ đồng, tương đương 71,3 tỉ USD. Bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng - tương đương 835USD.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ mức 41,5% của năm 2006 lên mức 42,1% trong năm 2007; khu vực dịch vụ tăng từ 38% lên 38,1%...

Kim ngạch xuất khẩu (XK) cả năm đạt 48 tỉ USD, tăng 20,5% so với năm trước, vượt 3,1% so với kế hoạch đầu năm Chính phủ đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 59 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2006, nâng mức nhập siêu lên mức kỷ lục với kim ngạch tăng hơn 10 tỉ USD, tỉ lệ nhập siêu/XK đã tăng trên 70% so với năm 2006.


Lạm phát tăng cao
so với chỉ tiêu đề ra. Dự báo (của Tổ điều hành thị trường trong nước) mức lạm phát trong năm sẽ ở mức khoảng 11% so với tháng 12.2006, vượt xa mức tăng trưởng GDP 8,5%.

Thu hút FDI và kiều hối đạt kỷ lục mới. Năm 2007, lần đầu tiên vốn FDI đạt con số kỷ lục xấp xỉ 20 tỉ USD (bao gồm cả vốn thu hút mới và tăng thêm). Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG-2007) vừa kết thúc vào đầu tháng 12, cộng đồng tài trợ quốc tế cũng đã cam kết viện trợ cho VN hơn 5,4 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, mở ra nhiều kênh ODA mới giúp VN nhanh chóng trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Năm nay cũng là năm lượng kiều hối của kiều bào ở nước ngoài chuyển qua các dịch vụ NH tăng đột biến, dự kiến cả năm nay sẽ đạt mức kỷ lục: 6 tỉ USD.

3. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng


Năm 2007 được xem là năm quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, các cơ quan chống tham nhũng đã khởi tố điều tra và đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng lớn như vụ tham nhũng trong việc thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính giai đoạn 2001 -2005 (Đề án 112) với việc khởi tố, bắt giam nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần và một loạt cán bộ khác.

Vụ án Tổng Giám đốc TCty Vật tư nông nghiệp Trần Văn Khánh; vụ tham nhũng trong việc đầu tư xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ Thiên Lợi Hoà (Lào Cai);
vụ đất đai tại Quán Nam (Hải Phòng).


Các quan tham trong 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có chỉ đạo đã và đang lần lượt được đưa ra xử lý. Trong đó, vụ tham nhũng đất đai đầy tai tiếng tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã được điều tra, xử lại với một bản án nghiêm khắc đủ sức răn đe, được dư luận đồng tình; 3 quan tham là Vụ phó Cơ quan Thanh tra Chính phủ trong vụ án tham nhũng xảy ra khi thanh tra các công trình của ngành dầu khí đã phải nhận một bản án nghiêm khắc; đối với vụ án xảy ra tại PMU18, mảng đánh bạc, đưa và nhận hối lộ đã được đưa ra xét xử phúc thẩm...

Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên theo đánh giá chung thì tham nhũng vẫn ở mức nghiêm trọng.

4. VN được bầu vào ghế không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc


Với số phiếu 183/190 ủng hộ, VN đã chính thức được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Ngày 1.1.2008, VN sẽ chính thức đóng vai trò này. Việc tham gia HĐBA thể hiện bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế của VN và là dấu mốc quan trọng của việc triển khai chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Gia nhập HĐBA cũng sẽ tạo điều kiện để VN tranh thủ tốt hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.


Việc đề cử VN là ứng cử viên duy nhất của Châu Á và tỉ lệ phiếu bầu đạt 96%, chứng tỏ cộng đồng thế giới đã rất tín nhiệm VN trong việc tham gia giải quyết các vấn đề hoà bình, an ninh trên toàn cầu. Đây cũng là cơ hội "vàng" cho VN quyết tâm hoàn thành trọng trách đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ của thế giới và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ VN, nhằm nâng cao hơn vị thế và hình ảnh một đất nước yêu chuộng hoà bình đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hoà bình, độc lập dân tộc, phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

5. Đội mũ bảo hiểm - thắng lợi của nhận thức và tuân thủ luật pháp


Thành công ngoài mong đợi - đó là kết quả thực hiện chỉ thị của Chính phủ về việc bắt buộc mọi người đi xe máy trên tất cả các tuyến đường đều phải đội mũ bảo hiểm (MBH) bắt đầu từ 15.12.2007. Hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tỉ lệ người đi xe máy đội MBH đã đạt gần con số tuyệt đối, ở nhiều địa phương khác, tỉ lệ này cũng ở mức rất cao (98- 99%).

Góp phần vào thành công ngoài mong đợi đó trước hết là nhờ sức mạnh của công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân; thứ đến là chúng ta có thời gian chuẩn bị và triển khai rất kỹ lưỡng đến từng người dân, từng gia đình, từng cơ quan, tổ dân phố và cuối cùng là việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh của các cơ quan chức năng với những người vi phạm.

6. Miền Trung: Bão lụt chồng lên bão lụt

Có lẽ chưa năm nào, khúc ruột miền Trung lại phải gánh chịu những đợt
thiên tai nặng nề như năm 2007. Hàng loạt cơn bão đổ dồn về miền Trung, trong lúc bão chưa kịp tan thì lũ lại tràn về, thiệt hại do cơn bão, lũ lần trước chưa kịp khắc phục thì trận lũ sau lại đến. Bão chồng lên bão và lũ chồng lên lũ. Trong lịch sử hơn 40 năm qua, chưa bao giờ người dân miền Trung phải chứng kiến cảnh lũ lụt chà xát mảnh đất này đến mức cùng cực như vậy.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng đến ngày 15.11, chỉ tính riêng 3 cơn lũ đổ dồn vào miền Trung đã làm 155 người chết; 12 người mất tích; 137 người bị thương; hơn 57,9 nghìn hộ gia đình phải sơ tán; gần 5 nghìn ngôi nhà bị đổ và trôi; 18.833ha lúa ngập, hư hại; 37.473ha màu bị ngập; 35.415 tấn lương thực bị ướt và lũ cuốn; tổng thiệt hại về vật chất 4.434 tỉ đồng. Đó là chưa kể những thiệt hại do các cơn bão gây ra. Mức độ thiệt hại trong các trận bão lũ trên là đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng có trong lịch sử.

Đảng, Chính phủ đã có chính sách hữu hiệu và kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, trong đó hỗ trợ ngay hàng trăm tỉ đồng; hàng chục nghìn tấn gạo cùng các lương thực thực phẩm thiết yếu; hàng triệu cơ số thuốc với cam kết không để người dân vùng lũ bị đói hay phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất; không để dịch bệnh xảy ra.

Nhân dân cả nước luôn hướng về đồng bào vùng lũ với một tấm lòng sẻ chia, với tinh thần "lá lành đùm lá rách". Hàng triệu tấm lòng đã tự nguyện quyên góp được hàng trăm tỉ đồng và nhiều hàng hoá, tài sản có giá trị khác gửi đến giúp đỡ người dân vùng lũ.

7. Khống chế dịch tả lớn nhất từ trước đến nay trong 40 ngày


Ngày 23.10, bệnh nhân tả đầu tiên được phát hiện là một người đàn ông 70 tuổi đã ăn thịt chó chấm mắm tôm cách đó vài ngày. Liên tiếp 2 tuần sau, số bệnh nhân tả tăng lên từng giờ, lan đến 13 tỉnh/thành phía bắc, bùng phát thành vụ dịch tả lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội và Hà Tây vẫn là 2 địa phương "nóng" nhất với số bệnh nhân chiếm tới 60 - 70%. Mắm tôm pha loãng nhiễm khuẩn được coi là thức ăn nguyên nhân số 1 gây ra dịch tiêu chảy, ngay lập tức món gia vị này đã bị tạm dừng lưu hành. Cùng với đó, rau sống và một số loại thức ăn chế biến sẵn cũng được khuyến cáo không nên sử dụng.

Sau 40 ngày lưu hành, dịch tiêu chảy có nguyên nhân do vi khuẩn tả này đã ghi nhận 1.991 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có 295 ca tả. Đây cũng được các nhà dịch tễ học coi là vụ dịch tả lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Với sự tham gia dập dịch tổng lực của cả ngành y tế, các cấp chính quyền, người dân, ngày 25.11, không còn ca tả mới nào được ghi nhận.

Và đến 10.12, Bộ Y tế đã chính thức công bố khống chế thành công dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả. Không có ca tử vong nào được ghi nhận. 

8. Thi thật: Bộc lộ yếu kém trong đào tạo


Lần đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT theo tinh thần "2 không". Một kết quả thi thấp "bất ngờ": Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của toàn quốc là 66,7%, tương đương với việc có 302.199 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT. Đối với hệ bổ túc THPT, tỉ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 26,6%, tổng số thí sinh trượt tốt nghiệp bổ túc THPT là 115.553 em. Kết quả này đã bộc lộ rõ chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông còn yếu kém và thành tích ảo từ trước đến nay.

Mặc dù số TS trượt tốt nghiệp cao nhưng kỳ thi này nhận được sự đồng tình của xã hội bởi bước đầu đã phản ánh đúng thực chất việc dạy và học của học sinh ở một số địa phương. Với  417.752 thí sinh đã trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, Bộ GDĐT đã phải tìm giải pháp tạm thời là tổ chức thêm một kỳ thi tốt nghiệp nữa, diễn ra từ 18 - 20.8.

Giải pháp này dự kiến sẽ được áp dụng trong vòng 2 năm tới, cho đến khi ngành giáo dục "thanh toán" được nạn "ngồi nhầm lớp".

9. Báo động tai nạn trong thi công công trình công nghiệp lớn


Sự kiện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ lúc 7 giờ 55 phút ngày 26.9.2007, khiến toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép đã bị sập đổ và khối lượng bêtông dầm đã thi công từ những ngày trước khoảng 2.000m3 đã bị phá huỷ hoàn toàn. Tổng số nạn nhân là 134, trong đó có 54 người chết, 80 người bị thương.


Khoảng hơn hai tháng sau, sự cố tai nạn nghiêm trọng tại thuỷ điện Bản Vẽ trưa ngày 15.12 đã khiến 18 công nhân và kỹ sư đang thi công công trình  bị vùi lấp. Trong đó có 9 người là cán bộ, công nhân của Cty Sông Đà 2, 8 người của Cty Sông Đà 5 và một kỹ sư địa chất - BQLDA thuỷ điện 2. Tính đến 23.12 đã tìm thấy thi thể 12 nạn nhân.

Đây là báo động đỏ về tình trạng tai nạn lao động, thiệt hại quá nhiều người trong thi công công nghiệp xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn. Đây cũng là lời cảnh tỉnh nóng bỏng với các dự án công nghiệp đang được thi công khắp đất nước.  

10. Bóng đá Việt Nam: Mốc son và vết nhơ


2007 là năm đáng đánh dấu một cột mốc to, đậm trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đặc biệt trên các đấu trường quốc tế. Mốc son tươi đẹp nhất, hẳn nhiên phải là sự kiện đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm nhiều cầu thủ Olympic với lợi thế sân nhà đã lần đầu tiên dự giải vô địch Châu Á (7-27.7) đã xuất sắc lọt vào 8 đội tuyển mạnh nhất châu lục, khi giành 4 điểm, đứng thứ hai bảng B (thắng UAE 2-0, hoà Qatar 1-1, thua Nhật Bản 1-4) và thua nhà vô địch sau đó, Iraq 0-2 ở tứ kết trên sân Rajamangala, Thái Lan.

Ở lứa tuổi Olympic, chúng ta cũng lần đầu tiên lọt vào tới tận vòng loại cuối cùng cuộc đua đến Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng đáng tiếc thay, thành tích đó đã được thổi phồng quá mức, khiến nhiều người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam tự huyễn hoặc mình, cho rằng là thời điểm thuận lợi nhất để chúng ta vô địch SEA Games. Nhưng cái giải đấu quan trọng nhất, mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam trong năm 2007 trên đất Thái Lan đã chứng kiến
sự thảm bại của đội U.23 Việt Nam khi phơi bày một lối chơi vô hồn, bạc nhược.
May mắn đứng đầu bảng B, nhưng chúng ta đã thất bại ở bán kết trước Myanmar và thua "nhục nhã" Singapore 0-5 ở trận tranh huy chương đồng, dù HLV A.Riedl đã phải miễn cưỡng từ chức trước đó. Đáng tiếc, sau đó, VFF dù
mổ xẻ thất bại bằng rất nhiều cuộc họp kín, mở nhưng vẫn không cá nhân nào dũng cảm nhận trách nhiệm về mình.

                                                                                                                    (THEO LĐ)

 

Số lần xem trang: 3591
Điều chỉnh lần cuối: 26-12-2007

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : hai bảy không ba sáu

Xem trả lời của bạn !

logolink