SV tình nguyện ĐH Nông Lâm: Đem niềm vui về thôn núi
Sinh viên tình nguyện trường ĐH Nông Lâm TP. HCM tặng lồng đèn cho các em thiếu nhi ở Sơn Hòa, Phú Yên |
Chân đất, đầu khét nắng, các em líu lo: "Cô ơi, thầy ơi, tụi con tới rồi nè!”... Rồi cứ thế bọn trẻ ngoan ngoãn tự động ngồi vào bàn đợi các cô, thầy sinh viên.
Thương lắm ước mơ chăn trâu
Vượt chặng đường hơn ngàn km từ TP.HCM đến miền đất đá sỏi Sơn Hòa, Phú Yên, trước mặt các SV tình nguyện Đại học Nông Lâm là cái khó, cái khổ, cái nghèo điển hình của miền trung. Trước là núi, sau là núi, bên phải là núi, bên trái cũng là núi. Đất bạc màu chỉ trồng được mỗi cây mía. Trẻ con địu nhau đi chăn trâu. Đứa có quần, lại không có áo. Đứa có áo thì không mặc quần. Chỉ có vài đứa lớn lớn thì mới có đủ cả áo lẫn quần. Nhưng bộ nào cũng rách tươm, vàng ố.
Những ngày đầu, tất cả thật khó khăn. Người dân ở đây lạ lẫm với màu áo xanh tình nguyện, lạ lẫm với sự giúp đỡ. Cuộc sống quá khó khăn, tự lo cho mình đã quá khó, nên suy nghĩ chẳng có ai đâu tự nhiên giúp đỡ mình đã ăn sâu vào người dân nơi đây.
Những lần đầu bị “cự tuyệt” được giúp đỡ từ bà con, nhiều bạn khá buồn. Thế nhưng, chỉ sau một tuần, bằng sự thân thiện, vui vẻ và thật lòng, các SV đã chiếm được tình cảm của bà con.
Trẻ con ở đây đã không trốn các anh, chị SV nữa. Các em chăm chú lắng nghe các anh, chị áo xanh kể chuyện, dạy hát, rồi cả dạy chữ, dạy toán. Vui nhất là cả bọn được các anh chị tình nguyện tặng bút, tập và cả nón “để cho cái đầu không cảm nắng”.
Sau những giờ đi chăn trâu, nhặt phân trâu, niềm vui sướng của lũ trẻ lúc này là được học với các anh chị SV trường ĐH Nông Lâm. "Cô giáo" SV - Lại Thị Nhung ( SV năm 3) ân cần cầm tay từng em để tập viết. Cô giáo dạy toán, nào là cộng, trừ rồi nhân, chia. Phần thưởng mà Nhung nhận lại từ các em là những nụ cười và những bó hoa dại mới hái ngoài bìa rừng.
Thương nhất là nhiều em không được gia đình khai sinh. Vì vậy mà không được đi học ở trường. Các bạn sinh viên đã phối hợp với xã, đến từng nhà để làm giấy khai sinh cho các em. Vậy là năm sau, các bé có thể đến trường.
Khi hỏi về ước mơ của các em sau này, lũ trẻ dường như trả lời một kiểu giống nhau “Lớn lên em ước mơ sẽ được đi chăn trâu và đi chặt thật nhiều mía”. Không có những giấc mơ làm cô giáo, bác sĩ, kỹ sư… Chỉ có những giấc mơ bình dị, ngây ngô. Giấc mơ đi chăn trâu. Nghe thế, các bạn SV cứ im lặng nhìn bọn trẻ. Cô giáo Nhung xúc động thì thầm: tội nghiệp bọn nhỏ quá…Tụi mình sẽ có nhiều việc phải làm. Nhưng liệu một tháng, có đủ để thắp lại ước mơ cho các em không?
Niềm vui về thôn
Có lẽ chưa bao giờ, các thôn nơi miền núi xã Sơn Hội lại vui như thế. Anh cán bộ xã - Nguyễn Văn Tây hăm hở nói: Các SV giúp đỡ bà con ở đây nhiều lắm, nào là làm nhà, dạy học, chiếu phim, cắt tóc… Sinh viên đi đến đâu, cái thôn, cái xã được vui, được sướng đến ấy.
Buổi sáng, các chiến sĩ tình nguyện hết đi chặt cây, trét đất làm nhà, lại đi lắp điện cho bà con. Thế là cả thôn vài căn nhà tạm bợ đã được xóa, điện sáng khắp các nhà. Mọi chi phí, công sức xây dựng đều do các bạn sinh viên tự lo cả. Bà con ngỡ ngàng mà nói với nhau: Ở đâu mà có lũ nhỏ tốt thế. Hết giúp việc này, đến giúp việc kia.
Trẻ con cười tít mắt khi được các anh chị dạy, lại được chơi nhiều trò chơi thú vị. Lại còn được các anh chị sinh viên tặng bánh kẹo, quần áo, sách vở. Lũ trẻ ở đây chủ yếu là người dân tộc Chăm - Hroi, nên rất thích thú khi nghe các anh chị dạy hát tiếng Kinh.
Những đêm chiếu phim lưu động là cực và vui nhất. Dù cả đội đi bộ từ thôn này sang thôn khác xa gần bảy đến tám km, đồ đạc thì lỉnh kỉnh, nhưng thấy bà con đứng chật cả sân trước nhà Rông, mắt thì say sưa, miệng cười hả hê thoải mái vậy là bao mệt nhọc của các bạn sinh viên cũng tan theo luôn.
Dù cho những ngày này, mưa gió cứ kéo dài rả rích vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhưng cả đội tình nguyện vẫn làm việc hăng say. Và đối với người ở các thôn nơi đây, những ngày này là những hội, những ngày vui lớn.
Nguồn tin: http://www.tuoitre.com.vn
Số lần xem trang: 3587
Điều chỉnh lần cuối: 25-09-2007