Nguyễn Thị Trang Nhã, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Nông lâm TP HCM đã nghiên cứu thành công loại cây ghép cà chua – khoai tây. Loại cây “2 trong 1” này sẽ cho thu hoạch cả quả lẫn củ, giúp nhà nông tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ở Việt Nam, cây cà chua đã từng được trồng ghép lên gốc cà dại nhằm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian thu hoạch cà chua. Tuy nhiên, trong thực tế, việc ghép này mất rất nhiều công chăm sóc, phân bón… mà hiệu quả vẫn không bằng việc bắt đầu trồng lại vụ khác. Xuất phát từ thực tế này, ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai Đại học Nông lâm TP HCM, Nguyễn Thị Trang Nhã đã có ý tưởng tạo ra cây ghép khoai tây – cà chua để vừa thu hoạch được cà chua, lại vừa thu hoạch được khoai tây.
Cho cả củ lẫn quả
Nếu thành công, cách làm này sẽ làm tăng sản lượng nông sản trên cùng một diện tích đất, trong cùng một thời điểm; tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc. Thế nhưng ý tưởng trên của Nhã đã gặp không ít khó khăn: thiếu tài liệu, chưa có kinh nghiệm thực tế. Dù vậy, Nhã vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình.
![]() |
Cà chua ghép khoai tây mới trồng. Ảnh: Thái Ngọc |
Không nhận được sự giúp đỡ của giảng viên trong khoa với lý do “thiếu cơ sở khoa học”, Nhã đã tự mình mày mò ghép hai loại cây nói trên, sau đó mang cây đã trưởng thành xuống “trình” giảng viên kết quả đạt được: cây ghép vừa có quả (cà chua), lại vừa có củ (khoai tây). Từ thực tế đó, Nhã mới được nhà trường đồng ý cho làm đề tài khoa học. Nhã mang cây ươm từ Đà Lạt lên TP HCM để ghép, đến khi cây ổn định mới mang về Đà Lạt trồng. Sau hai năm, Nhã đã hoàn thiện được quy trình ghép, trồng, chăm sóc, thu hoạch… và phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm.
Khoai tây sau khi giâm từ 23 – 25 ngày và cà chua sau khi gieo từ 17 – 22 ngày được tiến hành ghép. Loại cây này sau khi ghép 15 ngày có thể đem trồng và chăm sóc bình thường như khi trồng cây không ghép. Mật độ cây ghép sống và sinh trưởng tốt đến trên 90%.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Nhã đã thuyết phục gia đình cho trồng thử loại cây hai trong một này trên diện tích 200 m2 trong vườn nhà ở phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), rồi sau đó trồng mở rộng trên 1.000 m2.
Tăng lợi nhuận
Ông Nguyễn Hữu Thắng, bố của Nhã, cho biết: cách chăm sóc loại cây ghép này không khác với trồng khoai tây như trước đây. Phân bón tuy có tăng nhưng không đáng kể. Trước đây, với 1.000 m2 trồng khoai tây một vụ, ông bón khoảng bốn tạ phân chuồng, 50 kg phân vô cơ. Còn để trồng loại cây ghép này, lượng phân bón chỉ tăng thêm hơn 20 kg nữa (tăng 5%). Nhìn bên ngoài, cây ghép cho ra cà chua, khoai tây không khác với sản phẩm được trồng bình thường. Về chất lượng, kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng vitamin, tinh bột ở trái cà chua, khoai tây lai cao hơn gấp đôi cà, khoai thông thường…
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Thắng, đang chăm sóc vườn cà chua ghép. Ảnh: Thái Ngọc |
Tính ra, khi trồng trên diện tích đất một ha, cây trồng không ghép, hai vụ một năm, sẽ cho năng suất 95 tấn cà hoặc 60 tấn khoai. Trong khi đó, cây ghép sẽ cho năng suất 76,6 tấn cà và 38,2 tấn khoai. Tính giá khoai trung bình 7.000 đồng một kg và cà 2.000 đồng một kg, người trồng thu được khoảng 420 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí giống, phân bón… sẽ thu được khoản lợi không nhỏ.
Đánh giá cao nghiên cứu trên, TS. Hồ Đắc Túc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng: việc trồng một cây mà thu hoạch được hai loại sản phẩm có ý nghĩa rất lớn, nhất là trước tình trạng khan hiếm lương thực trong tương lai.
Hiện có rất nhiều nông dân tại Đà Lạt mong muốn được trồng loại cây cho cả củ lẫn quả này. Nhưng Nhã cho biết, cô đang phải hoàn tất kết quả thử nghiệm trên vườn nhà cho đến khi có được kết luận chắc chắn về mặt khoa học.
Theo www.baodatviet.vn
Số lần xem trang: 3598
Điều chỉnh lần cuối: