/data/file/BN/BN.png

(ANTĐ) - Tại cuộc họp bàn giữa doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng với Bộ GD-ĐT và các trường về nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng vừa diễn ra, thông tin cho thấy thời điểm này, nguồn nhân lực của ngành này có thể nói là đã bão hòa sau cơn sốt đổ xô vào học của các thí sinh dự thi đại học. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao ngành này đang rất thiếu.

Được đánh giá là một trong những ngành nóng, lĩnh vực tài chính-ngân hàng hàng năm thu hút số lượng lớn sinh viên đăng ký dự thi. Điều này diễn ra trong nhiều năm gần đây đã tạo nguồn tuyển khá phong phú cho doanh nghiệp. Ông Trịnh Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Hàng hải Việt Nam cho biết, nhân lực tài chính, kế toán của ngân hàng được tuyển từ 3 nguồn chính: sinh viên tốt nghiệp các trường trong nước, du học sinh và các chuyên gia có kinh nghiệm.

Với nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp trong nước, ông Anh cho rằng còn có nhiều hạn chế. Thứ nhất là khả năng thực hành còn yếu. Kiến thức của SV nhiều, hàn lâm nhưng không “chuyển hóa” được thành kỹ năng. Nguyên nhân của vấn đề này, ông Anh cho biết là do SV “đuối” thực hành. Thứ hai là sinh viên ít cập nhật thông lệ quốc tế tốt. Thiếu kỹ năng mềm cũng là một trong những vấn đề được các nhà tuyển dụng đề cập. Ông Trịnh Quốc Anh khẳng định mặc dù đây là nguồn nhân lực dồi dào và được đánh giá là “rẻ” so với các nguồn tuyển khác nhưng bù lại các doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên đào tạo trong nước đều xác định sẽ phải đầu tư lớn để đào tạo lại.

Còn theo Giám đốc tài chính và hành chính Tập đoàn Comin tại Việt Nam, bà Bùi Thu Trang, chương trình đào tạo tại các trường cần phải xem lại. “Hiện nay, trong tổng số 139 tín chỉ sinh viên được học tại trường ĐH thì chỉ có 39 tín chỉ thuộc về chuyên ngành, tương đương với 1 trong tổng số 4 năm học tại trường. Trong khi đó, để đạt được một chứng chỉ về tài chính, kế toán quốc tế, sinh viên cũng chỉ học 10 môn nhưng phải mất đến 2 năm” - bà Bùi Thu Trang phân tích.

Trong khi các doanh nghiệp đưa ra khá nhiều phàn nàn về chất lượng đào tạo của đại học trong nước thì các trường cũng đưa ra những phản ảnh về sự thiếu hợp tác của người sử dụng nhân lực. Cụ thể nhất là vấn đề thực hành, thực tập của sinh viên đa số gặp khó khăn do doanh nghiệp không mặn mà. Ông Đặng Văn Thanh, Trưởng khoa Kế toán, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng 60% sinh viên thực tập không được tiếp cận với doanh nghiệp vì rất nhiều lý do từ phía doanh nghiệp đưa ra. Đại diện cho doanh nghiệp, bà Bùi Thu Trang cũng công nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không muốn tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Chính vì thiếu sự nhiệt tình từ phía các doanh nghiệp nên sinh viên khi thực tập không được tiếp cận với thực tế.

Tuy nhiên, các trường cũng thẳng thắn thừa nhận hạn chế từ phía các nhà đào tạo. TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng đội ngũ nhân lực có trình độ nhiều nhưng chưa có tính tương thích cao với các vị trí công việc. Bản thân các trường ĐH nói chung và Học viện Tài chính nói riêng chưa nhanh nhạy với nhu cầu xã hội. Theo bà Thủy, việc đào tạo nghiệp vụ tại các trường và Học viện Tài chính nhìn chung vẫn có một khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường và công việc thực tế khi đi làm.

Chính vì khoảng cách này, các trường đều mong muốn các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và phối hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp tạo lập một cơ chế tuyển dụng thực sự khuyến khích người học. Bà Lê Thị Thu Hà, Học viện Ngân hàng cho rằng doanh nghiệp và nhà trường cần thống nhất quan điểm là trường đại học cần đào tạo cho sinh viên những kiến thức lý thuyết nền căn bản và vững chắc, còn việc đào tạo kỹ năng thực hành là trách nhiệm của doanh nghiệp tuyển dụng.

Ngoài ra, các cán bộ từ doanh nghiệp cần tham gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm ở các trường đại học trong chương trình chính khóa và ngoại khóa và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên”. Còn về phía các doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng việc xây dựng chuẩn đầu ra của các trường cần trực tiếp tham khảo ý kiến của người sử dụng lao động để xây dựng được những tiêu chí bám sát hơn với nhu cầu thực tiễn và qua đó sinh viên sẽ hiểu được mình phải phấn đấu học tập theo hướng nào để có thể đáp ứng được công việc ngay sau khi ra trường.

Số lần xem trang: 3577
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bảy năm ba tám bốn

Xem trả lời của bạn !

logolink