/data/file/BN/BN.png

 Ban quản lý KTX Cỏ May đã rất xúc động trước hoàn cảnh và nỗ lực của em Phạm Thị Đức Nhơn – nữ sinh viên mồ côi hiện đang học tại Trường ĐH Nông lâm TP HCM khi em viết thư bày tỏ ý nguyện muốn được vào KTX này

 Ba mất lúc con 2 tuổi, sau đó mẹ bỏ đi lấy chồng khác, không còn liên lạc, quan tâm đến hai chị em. Thương hai chị em còn nhỏ, ông bà nội mang về nuôi dưỡng và cho ăn học. Ông bà nội đã trên 80, mấy năm trở lại đây, tuổi già sức khỏe ông bà yếu đi, con được Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Hội An nhận nuôi.”- những tâm sự gửi gắm trong lá thư (*) của Phạm Thị Đức Nhơn (hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động Hóa, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) khiến chúng tôi không thể cầm lòng.

Hoàn cảnh éo le

Cha mất khi Nhơn mới hai tuổi, mẹ lấy chồng khác. Nhà có hai chị em gái(chị của Nhơn là Phạm Thị Đức Ý hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng). Ban đầu hai chị em sống với ông bà nội, nhưng rồi ông bà nội già yếu, hai chị em được Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố (trại mồ côi) tỉnh Quảng Nam nuôi dưỡng và cho đi học. Nhưng Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố cũng không còn tiếp tục nuôi dưỡng do các em đã hết lớp 12.

Sau khi rời khỏi trại trẻ mồ côi để vào ĐH, Nhơn phải đối diện với cuộc sống vừa học, vừa đi phụ quán cà phê để có tiền trang trải sinh hoạt. Tiền phụ quán cà phê là 800.000/tháng, vài tháng thì ông bà nội cho thêm vài trăm ngàn nên cuộc sống của Nhơn thiếu thốn đủ bề.

Nguy cơ phải bỏ học giữa chừng đến với Nhơn bất cứ lúc nào. Nhưng em gạt nước mắt vào trong. “Suy nghĩ thật kỹ em nhận ra rằng chỉ có học mới thành công, mới có cơ hội thay đổi số phận, chỉ có học hành đến nơi đến chốn ông bà mới an lòng ở tuổi già”. Đó chính là động lực lớn để em vươn lên hoàn cảnh và tiếp tục học tập.

Em không khỏi chạnh lòng nghĩ đến nhiều lần phải mang bụng đói đến trường nhất là vào những ngày cuối tháng khi đồng lương ít ỏi cũng hết. “Em mong được tiếp tục học và trước mắt, em mong mình sẽ không phải…đói ăn các ngày trong tháng”.

 

Nghị lực thay đổi số phận

Vốn nhiều năm liền Nhơn là học sinh giỏi Trường Chuyên Bắc Quảng Nam, khi lên ĐH Nhơn không phải sắm tập vở vì dùng số vở từ phần thưởng học sinh giỏi khi còn học phổ thông. Sách, giáo trình học thì chủ yếu xin các sinh viên khóa trước.

Trong khi đối với đa số sinh viên khối kỹ thuật, máy tính là phương tiện học tập không thể thiếu thì cho đến thời điểm hiện tại, với Nhơn là một thứ quá xa xỉ mà em chưa dám mơ tới. “Em cũng lo lắng vì các anh chị khóa trên bảo là năm thứ hai phải dùng máy tính để học rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện tại, em chưa dám nghĩ đến chuyện có một cái máy tính cho mình”, Nhơn tâm sự.

Sắp tới, Nhơn đi dạy kèm thay vì phụ quán cà phê vì em muốn dành chút ít thời gian cho việc tự học ngoại ngữ. Hoài bão của cô sinh viên mồ côi còn gặp nhiều chông gai vì thu nhập từ công việc dạy kèm vài trăm ngàn quá ít ỏi so với mức chi tiêu cần thiết.

Chuyên ngành Nhơn theo học có 76 sinh viên thì chỉ có 4 em là nữ nên Nhơn là một "bông hoa lạ" trong ngành học vốn phù hợp cho nam sinh nhiều hơn, “Dù nhận được nhiều lời tư vấn rằng ngành này không phù hợp với con gái nhưng đây là ngành học em ưa thích. Em sẽ theo học đến cùng và sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng con gái vẫn có thể làm được nếu thật sự yêu thích và cố gắng học tập, rèn luyện nhiều. Em hy vọng Ban quản lý KTX Cỏ May sẽ giúp em vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay bằng việc cho em một suất vào ở KTX nhân ái này. Em thực sự muốn được học hết ĐH, muốn trở thành một nữ kỹ sư cơ khí giỏi. Em học không chỉ cho em mà còn cho nguyện vọng của ông bà nội em ”- Nhơn tâm sự.

Nguồn: Hoàng Lan  (Báo Người lao động)

Số lần xem trang: 2114
Điều chỉnh lần cuối: 12-08-2016

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn không không bảy chín

Xem trả lời của bạn !