/data/file/BN/BN.png

Giáo dục có thể không phải là lĩnh vực cuối cùng mà cơ chế thị trường xâm nhập, nhưng có thể là một lĩnh vực cuối cùng mà các quan điểm đạo đức đành phải nhượng bộ các quan điểm thị trường.

Trong thế giới ngày nay, kiến thức trở thành sản phẩm mà mỗi con người phải biết chọn lựa mua vào cho mình trong hiện tại như một hành động đầu tư với mục tiêu sử dụng cho một tương lai thu nhập cao và một cuộc sống tốt trong một môi trường đầy cạnh tranh.

Trong nền kinh tế thực dụng toàn cầu, nhu cầu đó trở nên quá lớn so với khả năng cung ứng của các hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới, do sự khác biệt cũng quá lớn về mặt chất lượng sản phẩm giáo dục giữa các hệ thống này. Chính vì vậy, thị trường giáo dục toàn cầu trở thành một thị trường khổng lồ, không những về quy mô mà còn về tỷ suất lợi nhuận. Và đó là một thị trường ngày càng phình to theo đà gia tăng mức thu nhập của tầng lớp trung lưu trên toàn hành tinh.

Giáo dục trở thành một ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu mà mỗi nước phải có kế hoạch phát triển trên tiến trình hội nhập. Xuất khẩu giáo dục trở thành một ngành xuất khẩu hiệu quả bậc nhất, với hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng cao. Tương tự như du lịch, giáo dục còn có ưu thế về xuất khẩu tại chỗ. Về mặt này, nước Mỹ, với tư cách là nước xuất khẩu giáo dục tại chỗ hàng đầu thế giới, đã nhận được lợi ích kép: một nguồn tiền khổng lồ chảy về Mỹ mỗi năm từ các gia đình ham học của các nước đang phát triển và thậm chí cả những nước công nghiệp phát triển ở cựu lục địa và một lượng không nhỏ chất xám ưu tú của các nước này được Mỹ đào tạo và ở lại Mỹ để được trọng dụng, trong ý nghĩa được một chỗ làm phù hợp và được trả lương cao (nhà đầu tư - những sinh viên du học tự túc - phải thu hồi vốn và lãi mà mình đã bỏ ra).

Ngược lại, các nước nghèo phải đối mặt với hai sự chảy máu tệ hại do tình trạng kém chất lượng của hệ thống giáo dục của mình: sự chảy máu ngoại tệ và sự chảy máu chất xám. Vòng luẩn quẩn nghèo đói trong kinh tế cũng đồng thời xảy ra trong giáo dục: giáo dục chất lượng thấp cung cấp sản phẩm giáo dục thấp, sản phẩm giáo dục thấp tạo ra những con người có kiến thức thấp, những con người kiến thức thấp tạo ra nền giáo dục chất lượng thấp. Còn những người được đào tạo tại những hệ thống giáo dục tiên tiến thì một là không quay về nước, hai là dù có quay về họ cũng không được trọng dụng ở cả hai ý nghĩa, không có được công việc thích hợp (không phát huy được năng lực) và không được trả lương cao (không có động lực làm việc).

Nâng cấp chất lượng sản phẩm giáo dục nội địa luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình cải tổ hệ thống giáo dục của các nhà lãnh đạo giáo dục và giới trí thức tại những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhưng nếu mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục là giống nhau, cách thức mà mỗi nước tiến hành để thực hiện được mục tiêu này lại không giống nhau. Sự khác biệt này một mặt tùy thuộc vào tầm nhìn và quan điểm giáo dục, nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là cách nhận thức về vai trò của Nhà nước ở hai giai đoạn giáo dục quan trọng, giai đoạn đào tạo kiến thức cơ bản (bậc trung học) và giai đoạn truyền thụ phương pháp tri thức nhằm tạo ra kiến thức mới và khả năng tư duy độc lập và sáng tạo (bậc đại học).

Tại nhiều nước, Nhà nước có vai trò chính trong việc đào tạo kiến thức cơ bản và phổ cập cho mọi người dân (bậc tiểu học và trung học) nhằm giúp họ có được phương tiện kiến thức tối thiểu để có cơ hội tối thiểu trong việc tìm kiếm công việc làm, có một cuộc sống đàng hoàng, lương thiện và khả năng vươn lên mức sống tốt hơn nếu có đủ ý chí và nghị lực. Đây là điều mà các nhà giáo dục gọi là nỗ lực của cộng đồng nhằm giảm thiểu bất bình đẳng cơ hội giữa các cá nhân thuộc các nhóm lợi tức khác nhau trong xã hội.

Một hệ thống giáo dục phổ cập miễn phí và cưỡng bách, mà tùy hoàn cảnh mỗi nước có thể đến hết bậc trung học phổ thông và cả đến bậc đại học, là sự thể hiện rõ nét nỗ lực này, trong đó vai trò của Nhà nước là không thay thế được, chỉ có thể bổ sung bằng hệ thống tư thục đi kèm, dành cho những gia đình khá giả, có khả năng đài thọ (ability-to-pay). Vai trò của Nhà nước trong giai đoạn này có hiệu quả kép: đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục và đảm bảo sự thụ hưởng đồng đều một nền giáo dục phổ cập chất lượng tốt cho mọi con em trong cộng đồng. Nhìn vào hệ thống giáo dục phổ thông, phổ cập của một nước, có thể đánh giá được tiềm năng nguồn nhân lực của nước đó trong tương lai.

Nhưng nhìn vào hệ thống đại học của một nước, mới biết rõ nguồn nhân lực nước đó có khả năng cạnh tranh toàn cầu về năng lực tri thức và kiến thức hay không, có thể trở thành lực lượng ưu tú, nguồn lực phát triển đất nước trong lâu dài hay không, có đóng góp hữu ích vào nền tri thức, sự tiến bộ và văn minh của nước đó và cho nhân loại hay không. Một hệ thống đại học tốt trước hết là một hệ thống đại học mở. Cánh cửa đại học, vốn là cánh cửa tri thức, cần được mở rộng cho nguyên tắc học suốt đời: bất cứ ai muốn học đều được học, không phân biệt tuổi tác hay bất cứ sự phân biệt nào khác.

Nguyên tắc học suốt đời là nguyên tắc căn bản chứng minh sự tồn tại của đại học với tư cách là nơi truyền thụ tri thức và phương pháp tri thức mà không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức phục vụ lợi ích kinh tế của nhà đầu tư - những sinh viên và của các doanh nghiệp. Người ta cũng cần học chỉ để biết, không chỉ cần học để làm việc. Thị trường hóa giáo dục, nhất là thái độ sẵn sàng hội nhập vào một thị trường giáo dục toàn cầu, rất cần thiết để một hệ thống giáo dục nội địa được cải thiện nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ngang hàng thế giới, phục vụ yêu cầu học để làm việc của những nhà đầu tư trẻ tuổi - những sinh viên - và cả những doanh nghiệp có yêu cầu chính đáng về một nguồn nhân lực được đào tạo tốt và phù hợp.

Tuy nhiên, thị trường hóa giáo dục chỉ có thể giải quyết một phần mục tiêu của giáo dục, phần nhu cầu kinh tế, mà không thể giải quyết phần quan trọng khác, phần nhu cầu tri thức. Ở đây, chúng ta lại thấy vai trò quan trọng không thể thiếu của Nhà nước. Vai trò Nhà nước trong giáo dục đại học không phải là tự mình thực hiện các chức năng của các trường đại học trong việc tạo ra các sản phẩm giáo dục cao mà là giám sát điều đó.

Hãy để các doanh nghiệp - các trường đại học - tự mình đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình theo những chuẩn mực mà Nhà nước thấy cần quy định, những chuẩn mực hàn lâm quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo nên sự ngang bằng về chất lượng sản phẩm. Hãy cho phép họ cùng nhau cạnh tranh lành mạnh, như đã cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, để thấy rằng mỗi ngày chất lượng giảng dạy và học tập đại học trong nước ngày càng nâng cao, một sự cung ứng công bằng và sòng phẳng đối với sinh viên trong nước, những người đang đầu tư cho tương lai của mình bằng thời gian, công sức học tập và tiền bạc.

Nhiều nước trong khu vực đã thực hiện chế độ tự trị đại học, xem đó là một mô hình tối ưu nhằm đưa giáo dục đại học tiến đến đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác quan trọng hơn, vai trò Nhà nước là tối thiết yếu trong việc đảm bảo thực thi nguyên tắc học suốt đời. Chính từ nguyên tắc đó, Nhà nước đảm bảo cho mỗi người công dân trong cộng đồng được hưởng thụ một nền giáo dục thuần túy tri thức, đảm bảo cho các nhà nghiên cứu khoa học, triết học có thể có điều kiện thực hiện những công trình nghiên cứu vì lợi ích của khoa học, triết học mà không cần nghĩ đến mục tiêu ứng dụng của chúng. Chính Nhà nước sẽ là người mở rộng cánh cửa đại học cho mọi người dân muốn học vì sự hiểu biết. Không ai khác có thể làm được điều này.

Cơ chế thị trường có thể giúp cho sản phẩm giáo dục đạt chất lượng tốt hơn và tạo nên những con người chuyên nghiệp, lực lượng cần thiết cho phát triển kinh tế. Nhưng chính cộng đồng, mà đại diện là Nhà nước, mới có thể làm cho nền giáo dục nhân bản hơn, tạo nên những con người chứ không phải những cỗ máy, những con người sẽ quyết định sự tồn vong của nền văn hóa đất nước và nền văn minh nhân loại. Cải cách giáo dục của một nước không thể thành công nếu thiếu một trong hai thành tố đó.

Theo HUỲNH BỬU SƠN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Số lần xem trang: 2126
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một tám ba bảy tám

Xem trả lời của bạn !