/data/file/BN/BN.png

(LĐ) - Thời gian gần đây, những SV năng động, tự tin xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhưng phần lớn SV được học, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua các khoá học bên ngoài nhà trường.

Kỹ năng: Yếu toàn diện

Ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc Nhân sự Cty Interflour VN đã phải nhận xét "hơi quá": Kỹ năng của SV VN hiện nay là con số 0. Theo bà, phương pháp đào tạo truyền thống đã tạo ra những "sản phẩm chất lượng kém" ở các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, thậm chí còn viết sai chính tả.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Giám đốc nhân sự Cty Friesland Food Dutch Lady lấy một ví dụ đơn giản để giải thích tại sao SV VN có kỹ năng giao tiếp yếu: "So sánh giữa hai đoàn học sinh (HS) nước ngoài và VN cùng đến tham quan một địa điểm. Tôi thấy HS nước ngoài thoải mái cười đùa, nói chuyện và hỏi rất nhiều. Trong khi HS VN đứng nghiêm thành hàng, khoanh tay, trật tự nghe theo sự chỉ dẫn của giáo viên". Ông Thiết kết luận, việc truyền đạt kiến thức một chiều khiến SV VN bị thụ động.

Thực tế, không chỉ yếu về kỹ năng mềm, nhiều SV tỏ ra bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc thực tế của chính chuyên ngành đã theo học. Một giám đốc Cty về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đã phải thốt lên: "Tôi vô cùng thất vọng khi nhận ra cậu SV hệ cao đẳng giao thông không biết hoạt động cơ bản của máy xúc". Nguyên nhân chính là thiếu thời gian thực hành, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Đã có nhiều ý kiến của các nhà quản lý đề nghị nhà trường cần áp dụng biện pháp thuê cán bộ kỹ thuật, thợ giỏi "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn SV.

Nở rộ các khóa học kỹ năng

SV ngày càng ý thức được tầm quan trọng của những kỹ năng cần thiết trong công việc và chủ động bù đắp sự thiếu hụt. Nhận thấy nhu cầu bức thiết đó, các DN triển khai tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng. SV ghi danh vào các khóa học huấn luyện kỹ năng ở các câu lạc bộ chuyên ngành, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo của DN, những môn học không có trong chương trình học chính khóa của trường ĐH.

Tại TPHCM, các bạn SV có thể dễ dàng tìm đến các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP hay Cung Văn hóa Lao động TP. Các website chuyên về tuyển dụng cũng không chịu kém cạnh với những khoá học về kỹ năng viết CV, phỏng vấn, đàm phán. Thậm chí, website www.vieclambank.com còn phát miễn phí cuốn cẩm nang tìm việc cho các ứng viên mới tốt nghiệp ĐH.

Chưa hết, một số Cty mở thêm lĩnh vực đào tạo. Nam Trường Sơn Group (NTS) là DN thuộc lĩnh vực CNTT nhưng đã mạnh dạn đào tạo kỹ năng chuyên ngành CNTT, điện tử viễn thông, QTKD và kế toán. Bà Đinh Thanh Loan, phụ trách đào tạo của NTS cho biết: "Quy trình đào tạo khép kín giúp học viên hiểu được ưu, khuyết điểm của Cty. Qua đó sẽ tập trung vào chuyên môn cụ thể để nâng cao khả năng bản thân". TT Công nghệ cao TPHCM cũng mở ra chương trình Proskill hướng đến việc đào tạo các kỹ năng một cách bài bản.

Các khóa đào tạo bên ngoài nhà trường tất nhiên sẽ ngốn thêm một khoản học phí không nhỏ của SV. Nhưng họ cảm thấy đây là điều cần thiết để hoàn chỉnh khả năng bản thân. Nếu các trường ĐH chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng cho người học, có lẽ SV sẽ đỡ vất vả và tiết kiệm được chi phí học tập. Nhưng bao giờ điều này trở thành hiện thực?

 
Vinh Hải

Số lần xem trang: 2128
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : năm ba bốn bốn bốn

Xem trả lời của bạn !