/data/file/BN/BN.png

Hanoinet - Với Trương Hồng Quang, lớp Kinh tế 30A - Đại học Luật HN, cái "được" của nghiên cứu khoa học không phải là giải thưởng mà là cơ hội để nâng cao khả năng viết, tổng hợp, nghiên cứu.

Theo Huy Hoàng/HNM

 

Cuối tháng 11 này, Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Sinh viên thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức, để đánh giá hoạt động trong chặng đường đã qua, đưa ra phương hướng đổi mới trong công tác Hội, giúp sinh viên có cơ hội góp sức xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển. Hơn lúc nào hết, các vấn đề về cuộc sống, học tập, phấn đấu đang được đông đảo sinh viên toàn thành phố quan tâm sâu sắc và một trong những con đường trưởng thành của sinh viên chính là tham gia nghiên cứu khoa học…
 
Nghiên cứu để trưởng thành
 
"Cái được lớn nhất của nghiên cứu khoa học (NCKH) là bạn có dịp trao đổi, học hỏi kiến thức với giáo viên, với bạn bè, đồng thời "ép" được mình vào ý thức tự nghiên cứu tài liệu không chỉ bằng tiếng Việt mà còn là tài liệu bằng ngoại ngữ và như thế bạn sẽ thêm một lần rèn cho mình kiến thức ngoại ngữ…" - Đó là ý kiến chungcủa các sinh viên đã và đang tham gia NCKH.
Nguyễn Khắc Bằng, sinh viên năm thứ 4 - Điện tử K46 - Đại học Giao thông Vận tải cho biết, ngay từ khi là sinh viên năm thứ 2, Bằng đã để tâm vào các vấn đề NCKH vì theo Bằng nếu chỉ học "chay" thì kiến thức chuyên môn chỉ được tiếp cận thụ động, kém hiệu quả khi áp dụng ngoài thực tế. Khi học năm thứ 3, đề tài nghiên cứu đầu tiên Bằng tham gia là "Xây dựng kíp phát triển vi xử lý 89C51". Bắt đầu đăng ký đề tài từ tháng 10-2007, bảo vệ vào tháng 4-2008, Nguyễn Khắc Bằng và 2 cộng sự đã đoạt giải 3 về NCKH cấp trường. "Nói về giải thưởng, bản thân mình cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn, nhưng qua NCKH mình đã học hỏi được nhiều điều: NCKH cũng cho mình cách làm việc bài bản, biết cách sắp xếp hoạch định kế hoạch, đưa ra mục tiêu và thực hiện có hiệu quả mục tiêu đó", Bằng cho biết.
Chính vì vậy, với Nguyễn Khắc Bằng, càng tới những năm học cuối trên ghế giảng đường, sinh viên càng cần tích cực tham gia làm các đề tài NCKH, vì đây chính là cơ hội tốt nhất để rèn luyện chuyên môn, trau dồi vốn kiến thức, tạo bước đi vững vàng khi ra trường. Cùng với Bằng, những ngày tháng 11 này, ở Trường Đại học GTVT, hàng trăm sinh viên năng động cũng đang nỗ lực tham gia NCKH nhằm tập dượt cách làm việc tự lực để tạo cho mình tư thế tự tin bước chân vào cuộc sống sinh hoạt, làm việc thực tế khi tốt nghiệp.
 
Thêm niềm vui mới
 
"Sau một quá trình trăn trở nghiên cứu, đôi lúc gặp những khó khăn tưởng chừng nản chí thì một ngày nào đó những nỗ lực của bạn đã báo hiệu thành công. Niềm vui từ những điều do tự mình làm ra đó sẽ là ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời, làm bạn vững tin để tiếp tục gặt hái những thành công…" Thủy Anh, sinh viên Đại học Hà Nội, đã đoạt giải cao về NCKH cấp trường, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường đã tâm sự như vậy.
Với Trương Hồng Quang, lớp Kinh tế 30A - Đại học Luật HN thì cái "được" của NCKH không phải là giải thưởng mà là cơ hội để nâng cao khả năng viết, tổng hợp, nghiên cứu. Điều đó sẽ giúp Quang khi ra trường biết làm việc một cách khoa học, bài bản. Quang đã từng có 2 năm liền có đề tài NCKH đoạt giải nhất, nhì cấp trường, một trong 2 đề tài đó tiếp tục dự thi Giải thưởng khoa học cấp Bộ. Theo Quang thì NCKH giúp Quang biết vượt qua chính mình: "Nó giống như việc khi ta va chạm thực tế, sẽ thấy không có quá nhiều khó khăn đến nỗi không thể giải quyết được như khi ta vẫn ngồi trong phòng kín rồi tưởng tượng. Điều đó tạo nên bản lĩnh cho mỗi sinh viên…"
Diễn đàn Nghiên cứu khoa học, Khoa Vật Lý - ĐH Sư phạm HN có chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai NCKH dành cho sinh viên như thế này: Trước hết, biết xác định mình thích nghiên cứu về cái gì. Điều này cực kì quan trọng. Vì lựa chọn này sẽ thành cái nghiệp của bạn. Nên căn cứ vào sở thích và khả năng bản thân chứ đừng căn cứ vào việc liệu nghiên cứu về điều đó sau này mình có xin việc được không! Niềm say mê sẽ luôn tạo nên hiệu quả công việc và cả những kỳ tích phi thường của bạn.
 
Hãy chủ động gặp giáo viên: Do mối quan hệ giữa giáo viên và sinh viên đại học khá lỏng lẻo cho nên nhiều sinh viên rất ngại gặp thầy cô. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều rất ủng hộ nếu biết rằng sinh viên yêu thích lĩnh vực nghiên cứu của mình. Đừng suy nghĩ và hỏi "thầy, cô bảo em phải làm gì" mà nên trình bày rằng "em định làm như thế này". Hướng nghiên cứu ban đầu bao giờ cũng rất khó và rộng. Bạn hãy mạnh dạn nhìn lại tình hình nghiên cứu của mình để tìm tới sự trợ giúp của giáo viên khi cần thiết, không nản lòng trong công tác nghiên cứu khoa học.

 

Số lần xem trang: 2127
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : hai bảy hai hai

Xem trả lời của bạn !