/data/file/BN/BN.png
(TNO)- Hôm nay 5.12, hơn 160 trường ĐH trên cả nước sẽ gặp nhau tại hội thảo "Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ". Đây là cuộc hội thảo đầu tiên được Bộ GD-ĐT cùng với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ phối hợp tổ chức.

Trình độ tiếng Anh của SV rất thấp

Bộ GD-ĐT cho biết: trước khi tiến hành hội thảo, Bộ đã gửi công văn và phiếu khảo sát hiện trạng đào tạo tiếng Anh tới 162 trường ĐH không chuyên ngữ trên cả nước và đã có 59 trường ĐH gửi báo cáo về Bộ. Từ kết quả khảo sát này cho thấy: trình độ tiếng Anh của SV nhìn chung thấp so với các nước trong khu vực; SV chưa đủ năng lực để sử dụng tiếng Anh làm phương tiện học tập, nghiên cứu, tham khảo tài liệu và giao tiếp hằng ngày.

Đáng lưu ý là việc dạy và học tiếng Anh hiện nay chưa mang lại hiệu quả so với thời gian cũng như nguồn lực đầu tư. 87,2% số trường được khảo sát có xác định tiêu chí khi xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh. Tuy nhiên các tiêu chí này còn chung chung, không có tiêu chí cụ thể nào về chuẩn trình độ sử dụng tiếng Anh cho từng năm học hoặc sau khi kết thúc học môn tiếng Anh của người học. Việc rà soát, chỉnh sửa chương trình chi tiết, giáo trình, tài liệu môn tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội nhìn chung ít được quan tâm. Chỉ có 15,6% số trường thực hiện, thông qua việc bổ sung một số hoạt động, như dạy học theo phương pháp giao tiếp, dạy cho SV làm quen và chuẩn bị bài thi TOEIC - bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc.

Sẽ dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh

Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân đầu tiên của việc dạy và học tiếng Anh chưa hiệu quả là do chưa thống nhất được chuẩn các cấp độ tiếng Anh để làm chuẩn cho các chương trình giảng dạy và biên soạn giáo trình, sách giáo khoa theo kịp các chuẩn quốc tế và khu vực. Sự thiếu tính liên thông giữa các chương trình dạy ngoại ngữ ở các cấp, bậc học và thời lượng dành cho môn tiếng Anh đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự lãng phí, kém hiệu quả trong việc dạy và học môn này. Một nguyên nhân khác là nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh chưa có điều kiện học tập, bồi dưỡng thường xuyên và không giao tiếp bằng tiếng Anh trong một thời gian dài, do đó đã mất dần khả năng giao tiếp tích cực bằng tiếng Anh.

Đáng lưu ý là việc kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học tiếng Anh vẫn chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc và làm các bài tập ngữ pháp, chưa theo kịp xu thế đổi mới phương pháp dạy và học, chưa quan tâm chú ý đánh giá kỹ năng giao tiếp...

Để khắc phục những bất cập nêu trên, một trong những giải pháp mà Bộ GD - ĐT đưa ra là  từ năm 2012 sẽ triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh các môn chuyên ngành của 4 ngành gồm: Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Du lịch và tiến tới năm 2020, các trường tổ chức dạy các môn chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao bằng tiếng Anh. Khuyến nghị các trường cần tạo điều kiện tối đa trong việc tổ chức lớp học có trình độ SV đồng đều. Cho phép SV được học trước, rút ngắn thời gian học môn tiếng Anh nếu đã có các chứng chỉ trình độ phù hợp. Thiết lập hệ thống công nhận trình độ tiếng Anh độc lập tương đương với khung chuẩn các trình độ tiếng Anh trên thế giới áp dụng (CEF). Xây dựng quy định và áp dụng chế độ miễn học và thi tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục ĐH đối với những người đã có chứng nhận trình độ tiếng Anh quốc tế hoặc của các cơ sở giáo dục trong nước được công nhận.

Vũ Thơ

Số lần xem trang: 2119
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba chín tám sáu hai

Xem trả lời của bạn !