/data/file/BN/BN.png

Khó có thể ngờ rằng ngồi trước mặt tôi là một cô gái Việt mới 27 tuổi nhưng đang chứng minh cho thế giới rằng mô hình kinh tế vĩ mô được áp dụng hiện nay có nhiều chỗ chưa chuẩn xác, đồng thời chỉ ra một mô hình mới mang tính khả thi hơn.

Và với ý tưởng táo bạo ấy, cô đã được Bộ Giáo dục Anh cấp học bổng trị giá gần 200.000 bảng Anh (tương đương gần 6 tỷ VND) cho chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ về các mô hình kinh tế vĩ mô.

 

 

Đó là tiến sỹ Lê Võ Phương Mai - cán bộ của trường đại học nổi tiếng Cardiff (Anh) - thành viên tổ chức nghiên cứu kinh tế của Liverpool.

 

 

 

Tác động lớn tới người làm chính sách

Để nghiên cứu được các mô hình kinh tế vĩ mô phải là những chuyên gia kinh tế giỏi và có nhiều năm kinh nhiệm. Với Mai thì ít nhất một trong hai yếu tố đó (ví như tuổi tác) còn thiếu. Mai đã đối mặt với trở ngại ấy như thế nào?

Nghiên cứu của tôi là dùng một thuật toán để kiểm tra các mô hình kinh tế. Nhờ đó, tôi đã chỉ ra mô hình kinh tế vĩ mô đang được áp dụng phổ biến có những điểm chưa chuẩn xác và không thể dùng riêng mô hình này để chẩn đoán nền kinh tế, cần phải có một sự thay đổi.

Tôi cũng đã chứng minh rằng nền kinh tế Mỹ không thể dùng riêng mô hình này mà phải thêm những mô phỏng khác thì mới chuẩn xác hơn.

Để có thể thực hiện được đề tài nghiên cứu này, tôi may mắn đã nhận được sự giúp đỡ lớn lao của người thầy và cũng là chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Anh.

Ông là Giáo sư, tiến sỹ Patrick Minford - người đã từng nhiều năm làm cố vấn kinh tế cho nguyên Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher. Trong thời gian làm nghiên cứu tiến sỹ và sau đó, ông đã hỗ trợ tôi rất nhiều, nhất là những kiến thức liên quan đến thực tế.

Một mô hình kinh tế vĩ mô mới? Hình hài nó như thế nào vậy?

Tôi xây dựng mô hình mới dựa trên thuyết mô hình kinh tế hiện nay có tên là New Keynesian Model với một thuyết cũ hơn là New Classical. Thông qua các dữ liệu sẵn có, tôi đã chứng minh rằng, nền kinh tế được mô phỏng theo hai thuyết này gặp nhau sẽ thấy đúng hơn.

Khi đọc các luận thuyết của bạn, các chuyên gia kinh tế Anh chắc khó đồng tình?

Trước khi tôi làm nghiên cứu này, đã có nhiều người không đồng tình với mô hình hiện nay nhưng do họ không tìm được mô hình nào phản bác lại nên khi tôi làm thì họ cũng đồng tình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng ý với cách lập luận của tôi.

Chuyện này cũng là bình thường vì trong kinh tế vĩ mô có rất nhiều trường phái. Song điều quan trọng là nghiên cứu của tôi có tính thực thi nên đã tác động lớn tới suy nghĩ của những người làm chính sách, nghĩa là họ đã phải nghĩ đến các mô hình khác chứ không chỉ dùng mô hình như bây giờ.

Trường hợp đầu tiên được đặc cách lên tiến sỹ

Những người trẻ tuổi thường mơ mộng mà kinh tế thuộc lĩnh vực khô khan. Con đường bạn đến với ngành này như thế nào?

Tôi yêu khoa học tự nhiên từ nhỏ. Năm 12 tuổi, tôi cùng gia đình sang Nga và học trường phổ thông chuyên lý tại đây. Tốt nghiệp phổ thông, tôi sang Anh học dự bị đại học tại trường Bellebys ở Brighton và học đại học ở trường Cardiff.

Hồi năm thứ nhất học đại học, tôi chọn ngành Tài chính - Ngân hàng, nhưng đến năm thứ hai, nhận thấy tôi có năng khiếu về kinh tế, các thầy đã khuyên tôi chuyển sang học ngành kinh tế và đó chính là dấu mốc gắn tôi với con đường nghiên cứu sau này.

Nghe nói, Mai là người đầu tiên của trường Cardiff được đặc cách học tiến sĩ?

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã xin được học bổng cao học ở nhiều nơi như tại trường ĐH Oxfoxd, ĐH Cambridge, ĐH Kinh tế chính trị London… nhưng rồi tôi lại quyết định học tiếp ở trường Cardiff, nơi có người thầy đã dìu dắt tôi trong suốt những năm học đại học.   

Do có kết quả học tập xuất sắc, tôi đã trở thành sinh viên đầu tiên của trường Cardiff được đặc cách học luôn tiến sĩ (vì theo quy định bắt buộc phải học qua thạc sỹ mới được làm tiến sỹ - PV). Đề tài nghiên cứu sau tiến sỹ mà tôi được nhận học bổng gần 200.000 bảng Anh cũng bắt đầu nhen nhóm trong quá trình tôi làm tiến sỹ tại trường.

Học bổng gần 200.000 bảng Anh không chỉ lớn đối với người Việt Nam mà tại Anh cũng vậy. Mai có cảm thấy vinh dự vì điều đó không?

Đây là suất học bổng do Bộ Giáo dục Anh cấp rất có uy tín, mỗi năm chương trình này chỉ cấp tối đa là 15 suất dành cho lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, do điều kiện lựa chọn rất khắt khe, nếu người xin cấp học bổng không đưa ra được chủ đề làm nghiên cứu có sức thuyết phục thì sẽ không thể xin được.

Chính vì thế, có nhiều năm số người nhận được học bổng này rất ít. Về trường hợp của tôi, theo đánh giá của cơ quan xét cấp học bổng thì chủ đề nghiên cứu này có tác động lớn tới nền kinh tế.

Hơn nữa do nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế lại bao gồm nhiều kiến thức về toán học nên tôi đựơc nhận học bổng kéo dài tới 2 năm (2008 - 2010) và số tiền đó lên đến gần 200.000 bảng Anh.

Trót mê nghiên cứu rồi

Mai có dự định gì cho công việc sắp tới của mình?

Cái mô hình mới của tôi đang làm rất khả thi và hiện tại tôi đang thực hiện đề tài mới về Bong bóng giá cả đối với các thị trường như: vàng, bất động sản, chứng khoán, vật liệu… và cách xử lý của nhà nước.

Việc nghiên cứu đề tài tiếp theo cũng là cách củng cố cho mô hình mới mà tôi đưa ra. Chẳng hạn như sự nổ bong bóng về giá nhà đất vừa qua tại Mỹ, nhiều người nói là phải ngăn chặn bong bóng này từ đầu nhưng Chính phủ Mỹ không làm được điều đó.

Và để có bài học, chúng ta cần phải chứng minh bằng mô hình vĩ mô, tôi sẽ thể hiện điều đó trong nghiên cứu của tôi.

Hiện tượng "bong bóng nổ" cũng đã từng xảy ra với nhiều thị trường hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ này. Với kiến thức của mình, Mai có sự liên tưởng nào tới nền kinh tế trong nước hiện nay?

Tôi có được thông tin về nền kinh tế Việt Nam qua sách báo và internet. Theo tôi, lạm phát cao như thời gian vừa qua là do mình mở cửa quá nhanh các thị trường như chứng khoán, nhà đất… và không quản lý được.

Chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ở Việt Nam vẫn còn có những bất cập. Để có thể giải quyết được tận gốc vấn đề, nhà nước cần quan tâm đến các chính sách luật pháp, tiếp đến là bộ máy quản lý và ngân hàng.

Một vấn đề nữa, hiện nay Việt Nam đang là một nước nhập siêu, trong khi đó một nền kinh tế bền vững cần phải phát triển nội tại, từ "trong nhà". Như nền kinh tế Trung Quốc, họ đẩy mạnh tiêu thụ và sản xuất trong nước, đó là chính sách tốt. Vì nếu nhập siêu hay xuất siêu khi ở bên ngoài có vấn đề thì sẽ bị tác động mạnh.

Đã bao giờ Mai nghĩ đến việc sẽ trở về Việt Nam đóng góp cho đất nước?

Trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi hoàn thành chương trình nghiên cứu, tôi sẽ vẫn vừa giảng dạy và nghiên cứu tại Cardiff. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian đi thuyết trình và viết bài.

Tôi cũng tranh thủ về nước hàng năm để giúp các học sinh giỏi của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các trường học tốt của Anh, trước mắt là Cardiff và Bellerbys, nơi tôi từng học, đồng thời thực hiện kết nối hợp tác đào tạo giữa các trường ở Việt Nam và Vương quốc Anh. Nếu có cơ hội, tôi rất muốn sau này được về Việt Nam đóng góp cho đất nước.

Nhưng lĩnh vực nghiên cứu mà Mai đang theo đuổi e khó có thể tìm được một công việc phù hợp ở Việt Nam hoặc phải chấp nhận thay đổi công việc khác?

Đúng là ngành của tôi hiện giờ khó xin việc ở Việt Nam vì nó chỉ phù hợp với công việc của những người làm chính sách, còn làm ở công ty thì kiến thức của tôi sẽ không có điều kiện vận dụng.

Nhưng tôi nghĩ trong tương lai, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô và lúc đó, kiến thức của tôi có thể vận dụng đựơc. Còn phải thay đổi công việc ư? Tôi nghĩ là khó vì tôi đã trót mê nghiên cứu mất rồi rồi.

Xin cám ơn bạn vì buổi trò chuyện này

Dân trí  


Số lần xem trang: 2127
Điều chỉnh lần cuối: 10-12-2008

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một năm một bốn chín

Xem trả lời của bạn !