/data/file/BN/BN.png

Hai năm đã trôi qua từ khi có nghị định về đổi mới giáo dục đại học, bánh xe đổi mới có vẻ như chuyển vận không xa điểm xuất phát là bao. Việc nhận rõ vị trí GDĐH Việt Nam ở đâu vẫn đang còn cần thiết.

 

Ba năm trước, ngày 2/11/2005, Chính phủ đã ra Nghị quyết 14-2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Đối với những ai nặng lòng với nền giáo dục nước nhà nói chung, và GDĐH nói riêng, đó là tín hiệu vui. 

Dĩ nhiên có nghị quyết chưa phải là có tất cả. Con đường dài và lắm gập ghềnh đang ở phía trước. Hai năm đã trôi qua, bánh xe đổi mới GDĐH có vẻ như chuyển vận không xa điểm xuất phát là bao, chưa thấy Bộ GD-ĐT đưa ra nhận định về những tiến triển đã thu được, chỉ có nhận xét, rằng khâu đổi mới phương pháp giảng dạy và khâu nghiên cứu khoa học trong trường đại học còn chậm. Chính vì vậy việc nhận rõ vị trí GDĐH Việt Nam ở đâu vẫn đang còn cần thiết. 

Cần thiết hơn nữa là phải tiếp cận với sự nhìn nhận khách quan của người ngoài cuộc, của những tổ chức kiểm định và xếp hạng quốc tế được nhiều nước chấp nhận. 

Góc nhìn từ Diễn đàn Kinh tế thế giới 

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa mới có cuộc xếp hạng về “khả năng cạnh tranh toàn cầu”, trong đó vị trí của Việt Nam trong 3 năm qua là: hạng 64 (năm 2006), hạng 68 (năm 2007) và hạng 70 (năm 2008). 

Các kết luận của WEF vẫn thường dựa vào hai nguồn: I/ Số liệu thống kê đã được công bố, và II/ Tham khảo ý kiến của chuyên gia. 

Theo nguồn số liệu thống kê, trong số 109 yếu tố cho điểm, đánh giá và xếp hạng, có 22 yếu tố Việt Nam đứng ở hạng 100 hoặc thấp hơn. Riêng yếu tố “Đào tạo và giáo dục đại học” bị xếp vào hạng hạng 98 với điểm số quá ư khiêm tốn (3,94 điểm). 

Còn theo ý kiến các chuyên gia trong “những vấn đề đáng lo ngại” của Việt Nam, có ba yếu tố được quan tâm nhất là: lạm phát, hạ tầng và lao động có trình độ. Sự yếu kém của “lao động có trình độ” chính là sự yếu kém của các sản phẩm của hệ thống đại học và cao đẳng. Điều này có nghĩa là: chất lượng của các cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ hay tiến sĩ “made in Vietnam”… được người bên ngoài, cụ thể là các tổ chức đánh giá quốc tế cho điểm thấp, xếp ở mức “đáng lo lắng”. 

Rõ ràng, hai nguồn đánh giá cho những kết quả tương đồng nhau. Sự xếp hạng quá thấp yếu tố “Đào tạo và giáo dục đại học” quả là tương tự với thực trạng đáng lo lắng của yếu tố “lao động có trình độ” của Việt Nam. Đó là một đòn đánh mạnh vào nền giáo dục đại học nước ta. 

Thực ra, ở trong nước, nhiều người cũng đã nhìn thấy rõ tình trạng này. Trong một số diễn đàn hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm đã lên tiếng, khi đối chiếu chất lượng các “tân cử nhân”, “tân kỹ sư” với 4 tiêu chí chất lượng của “sinh viên tốt nghiệp” mà ngành giáo dục xây dựng. 

Những con số thống kê năm 2000 do Bộ GD-ĐT đưa ra sau đây hẳn vẫn chưa cũ: trong số khoảng 25.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng hàng năm, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Năm 2007, một đề tài nghiên cứu của ĐHSP TP.HCM còn đưa ra con số bổ sung: 50% số sinh viên tốt nghiệp không đủ trình độ chuyên môn để nhận công việc và cần phải đào tạo lại. 

Trong một cuộc hội thảo về: "Toán, Lý, Hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (ngày 28/4/2000), một đại biểu (từ Hội Toán học Việt Nam) nhận xét thực chất các sản phẩm đào tạo ở các đại học nước ta, một cách hài hước rằng: trình độ sinh viên có bằng cử nhân hiện nay chỉ bằng đại học đại cương, thạc sĩ chỉ bằng cử nhân, và tiến sĩ chỉ bằng thạc sĩ. Chắc rằng đối với lớp sinh viên ưu tú, hay với một số trường hay ngành nghề đào tạo thuộc “top” trên, nhận xét đó chưa thỏa đáng. Tuy vậy, nhìn chung, nhận xét vẫn có lý, vẫn là lời cảnh báo về thực trạng chung của các sản phẩm đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. 

Rõ ràng, những con số, những kết luận về GDĐH Việt Nam của Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa qua là khá xác đáng và rất đáng cho mọi người suy ngẫm, thấm thía. 

Trong bảng xếp hạng “đẳng cấp quốc tế” 

Trong những năm gần đây, Nhà nước chú ý đến việc nâng nền giáo dục đại học nước ta lên tầm khu vực hay thế giới và chủ trương xây dựng một số trường đại học “đẳng cấp quốc tế”. 

Đây là tầm nhìn chiến lược đúng đắn. Nhưng điều cần làm trước hết là phải tìm hiểu các trường đại học Việt Nam đang ở đâu trong các bảng xếp loại các trường đại học trên thế giới.

Hiện nay, phần lớn sự xếp hạng nói trên được thực hiện bởi các cơ quan truyền thông lớn với hệ thống những chỉ tiêu đánh giá xếp hạng cụ thể. Có thể kể ra đây các hệ thống xếp hạng của các cơ quan truyền thông (chủ yếu là tạp chí) như: US News and World Report, Times Higher Education Supplement (THES), Maclean University Ranking, The Guardian University guide. Ngoài ra, còn có hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung quốc) hoặc một vài hệ thống xếp hạng mới khác như tạp chí Newsweek (Mỹ) và nhóm Webometrics (Ý).

Giữa các hệ thống xếp hạng có những sự trùng hợp, chẳng hạn đều coi trọng những yếu tố quan trọng nhất tạo nên đẳng cấp của một trường đại học.

Cụ thể là, chất lượng sản phẩm đào tạo hay số lượng sinh viên tốt nghiệp ưu tú hoặc đạt giải thưởng học thuật lớn đều được xem là tiêu chí hàng đầu trong xếp hạng của phần lớn các hệ thống như : US News and World Report, Times Higher Education Supplement (THES), Maclean University Ranking, The Guardian University guide, Đại học Giao thông Thượng Hải ...

Với các hệ thống xếp hạng này, tiêu chí đánh giá quan trọng tiếp theo cũng là: chất lượng và số lượng thành phần giảng dạy (số giáo sư được giải thưởng quốc tế, tỉ lệ số giáo sư/tổng giảng viên v.v...). Ngoài ra, thành tích nghiên cứu khoa học đều được các hệ thống khác nhau xem là yếu tố đánh giá quan trọng.

Tuy nhiên, về mặt định lượng, trọng số cho mỗi tiêu chí xếp hạng giữa các hệ thống xếp hạng không giống nhau. Mỗi hệ thống đánh giá đều có một thiên hướng riêng và các kết quả xếp hạng hàng năm do các hệ thống trên đưa ra đều có ý nghĩa chính xác tương đối. Trong thực tế, kết quả xếp hạng thứ bậc các trường đại học trên thế giới hàng năm luôn có sự sai khác.

Tuy nhiên, sự sai khác không phải quá lớn. Vì vậy, các kết quả xếp hạng thứ tự các trường đại học trên thế giới, hàng năm, của các hệ thống xếp hạng khác nhau trên thế giới vẫn là những thông tin quí giá và có sức hấp dẫn, để mỗi trường đại học xác định chỗ đứng của mình đang ở đâu trong cộng đồng các trường đại học trên thế giới.

Và điều sau đây, dù không vui nhưng cũng không lấy làm lạ, là: trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của THES, Guardian, Maclean, Đại học Giao thông Thượng Hải không có tên bất cứ trường đại học nào của Việt Nam!

Riêng nhóm Webometrics có đưa ra thứ tự xếp hạng 7 trường đại học Vịêt Nam, nhưng đều xếp ở vị trí rất thấp từ thứ 1920 và thấp hơn nữa. Cũng cần nói rõ cách xếp hạng của Webometrics chỉ theo thông tin trên các website của các trường đại học là không đáng tin cậy, nên thông tin xếp hạng đó chỉ mang định tính để tham khảo.

Dẫu sao, những con số lạnh lùng đưa ra từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và sự vắng mặt đáng chạnh lòng tên tuổi của các trường đại học Việt Nam trong thứ hạng hàng trăm, thậm chí một hai ngàn của các hệ thống xếp hạng của các tổ chức xếp hạng có tên tuổi trên thế giới, cũng giúp ngành giáo dục đại học Việt Nam biết chỗ đứng của mình đang ở đâu trong mặt bằng thế giới, để xây dựng một chương trình hành động chính xác, hợp lý và những bước đi mạnh mẽ nhất, khẩn trương nhất trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 sắp ban hành.

Trần Thanh Minh

Số lần xem trang: 2126
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bảy một không hai năm

Xem trả lời của bạn !