/data/file/BN/BN.png

20 trường ĐH đã có kết quả kiểm định chất lượng gồm: ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Hàng hải, ĐH Kinh tế quốc dân HN, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG HN), ĐH Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Vinh, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Nông lâm TP.HCM và 2 trường ĐH dân lập là ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH dân lập Văn Lang.

 

Các trường cần phải cạnh tranh với nhau

* Chất lượng các trường ĐH sẽ được công bố trước Tết

Hôm qua 25.12, trong cuộc trao đổi với PV Báo Thanh Niên, TS Phạm Xuân Thanh (ảnh) - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã khẳng định: “Các trường đạt chuẩn kiểm định sẽ có nhiều lợi thế như khẳng định được thương hiệu, được giao chỉ tiêu đào tạo nhiều hơn, thu hút nhiều người học hơn...”.

* Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm định chất lượng ở 20 trường ĐH, kết quả như thế nào, thưa ông?

- Theo kết quả đánh giá ngoài thì tất cả các trường đều đạt cấp độ 2 (đạt được 80% tiêu chí kiểm định); Chưa có trường nào đạt được cấp độ cao nhất (cấp độ 3) vì thực ra cấp độ này rất khó, yêu cầu các trường phải đạt được 100% tiêu chí kiểm định. Ngay trong các trường đạt cấp độ 2 thì biên độ cũng rất rộng, có những trường nằm ở cuối cấp độ 2, có trường nằm ở đầu cấp độ 2. Những trường nằm ở đầu cấp độ 2 chiếm đa số. Những trường này, theo đúng quy trình thì chỉ cần khoảng 6 tháng để khắc phục những tồn tại của mình thì chắc chắn sẽ đạt cấp độ 3.

* Thưa ông, thực ra ngay khi lựa chọn kiểm định cũng chỉ lựa những trường tốt nhất, phải chăng vì sợ bị lộ ra “gót chân Asin”?

 

 
- Do muốn biết rõ khả năng các trường đạt được ở mức nào trong chuẩn kiểm định nên chúng tôi phải chọn những trường tốt nhất để thực hiện. Nếu chọn những trường mà sau đó kết quả không đạt thì có thể sẽ có những phản ứng không tốt đối với việc kiểm định. Các trường yếu kém và các trường mới thành lập thì rất ngại việc kiểm định nhưng thực tế trong các quy định của Bộ về việc kiểm định có đưa ra chủ trương là đánh giá từng phần. Nghĩa là các trường thấy phần nào làm tốt (có đủ 80% tiêu chí đạt yêu cầu) thì có thể kiểm định. Còn khi họ chưa đạt yêu cầu thì có thực hiện kiểm định họ cũng không đạt được.

* Kết quả kiểm định này bao giờ được công bố và các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định sẽ được gì, thưa ông?

- Chúng tôi đang chuẩn bị họp Hội đồng kiểm định để có thể công bố kết quả kiểm định trước Tết. Các trường được kiểm định sẽ có nhiều lợi thế. Thứ nhất, khẳng định được thương hiệu, đạt chất lượng kiểm định tức là trường có đủ điều kiện để tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng. Những người tốt nghiệp trường đó có bằng cấp giá trị hơn; họ có thể sẽ dễ xin việc làm hơn hoặc học tiếp và trao đổi hợp tác quốc tế cũng dễ dàng hơn. Như vậy đương nhiên sẽ thu hút được nhiều người theo học. Thứ hai, qua kết quả kiểm định, nhà trường cũng khẳng định được với xã hội và với cơ quan chủ quản là đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ thuận lợi hơn trong liên kết đào tạo và hợp tác với nước ngoài.

* Nhưng thưa ông, ở Việt Nam nhu cầu của người học quá lớn còn các trường ĐH thì chỉ được tuyển một số chỉ tiêu nhất định nên họ đâu có cần cạnh tranh để tuyển được nhiều người học?

- Trong xu hướng hội nhập quốc tế, các trường nước ngoài sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều vì thế các trường không thể không cạnh tranh để tuyển được những sinh viên tốt. Các trường trong nước cũng đến lúc phải cạnh tranh với nhau. Nhà nước sẽ tạo ra những cơ chế để họ cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ đề án đổi mới giao chỉ tiêu tuyển sinh trong đó nhấn mạnh chỉ tiêu giao dựa trên kết quả kiểm định.

* Như vậy thì có thể dựa trên kết quả kiểm định để xếp hạng các trường không?

- Việc xếp hạng và kiểm định là hai việc khác nhau. Kiểm định là khuyến khích các trường từng bước đi lên, khắc phục những tồn tại yếu kém để đạt được mức độ tối thiểu. Còn xếp hạng lại khác, nó không quan tâm đến việc các trường có đạt mức tối thiểu hay không mà đánh giá từ trên xuống dưới. Nếu những trường quan tâm đến chất lượng tối thiểu thì không thích xếp hạng nhưng đối với những trường đã đạt được mức cao rồi thì họ muốn được xếp hạng để khẳng định vị trí.

 

Cần có trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập

“Cần có trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập để có thể có một kết quả kiểm định phân minh. Kiểm định có một khối lượng công việc rất lớn từ kiểm định sinh viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, kiểm định ngành học... Sự chính xác và công minh của kết quả kiểm định còn là vấn đề, nếu như người làm kiểm định nghiêm túc với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục lên thì không có gì để nói nhưng nếu kiểm định để mang tính chất đối phó thì sẽ có chuyện tiêu cực. Việc người làm công tác kiểm định là nhân viên trong trường thì sẽ có chuyện ngại đụng đến đồng nghiệp nên không khách quan”. (Ông Lê Đình Thông – Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM)

“Kiểm định chất lượng giáo dục đòi hỏi phải có sự tổng hợp thông tin của rất nhiều phòng trong nhà trường. Không có việc đánh giá cho có, đánh giá sai vì mỗi tiêu chí được đánh giá là đạt hay không đạt phải có minh chứng kèm theo. Tuy nhiên, kết quả kiểm định dù đạt hay không đạt không phải là tất cả bởi vì kết quả đó chỉ có thời hạn nhất định và mỗi năm các trường phải tự đánh giá và công bố mới”. (PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm)

Phi Loan (ghi)

 

Nhà tuyển dụng cũng rất quan trọng

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng Bộ nên sớm công bố các trường đã được kiểm định trên các phương tiện thông tin đại chúng và công bố các trường được kiểm định ở mức độ nào để các trường khác học tập kinh nghiệm và để người dân được biết, khi đó người học sẽ được cung cấp những thông tin đầy đủ về các trường được kiểm định để quyết định nên học trường nào.

 

 
Các đại biểu trao đổi ý kiến trong giờ giải lao - Ảnh: Phi Loan

Thực tế cho thấy, khi được tham gia vào công tác đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên, được tự do phát biểu ý kiến về chất lượng đào tạo, dịch vụ hỗ trợ của nhà trường..., SV cảm thấy mình được tôn trọng và có tiếng nói nhất định, từ đó không ngại ngần đưa ra những suy nghĩ thẳng thắn nhằm góp phần thúc đẩy chất lượng đào tạo nơi mình theo học. “Kiểm định chất lượng đào tạo không nằm ngoài việc người học phải được coi là trung tâm. Việc này cũng kích thích sự phát triển của từng trường.

 

 

Sáng qua 25.12, đại diện của gần 450 trường ĐH-CĐ trên toàn quốc đã cùng Bộ GD-ĐT đánh giá công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH năm 2008 qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

 
Lúc đó nếu anh nằm ngoài dòng chảy thì anh sẽ khó thu hút được người học. SV được thụ hưởng một môi trường giáo dục tốt thì cũng tự giác nâng cao ý thức học tập và có vai trò cùng tham gia vào việc đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi cho rằng đánh giá của các cơ quan sử dụng lao động cũng rất quan trọng trong việc kiểm định chất lượng đào tạo” - thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt bày tỏ ý kiến. Cùng quan điểm này, đại diện trường ĐH Cần Thơ cho rằng, nhà tuyển dụng là người sử dụng lao động, sẽ nắm rõ nhất chất lượng của “sản phẩm” mà trường đó đào tạo ra, nên tiếng nói của họ trong việc đánh giá chất lượng đào tạo cần phải được tiếp thu.

Mỹ Quyên

Vũ Thơ
(thực hiện)

Số lần xem trang: 2122
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu chín tám không

Xem trả lời của bạn !