/data/file/BN/BN.png

TT - HÀ NỘI - Sáng 17-1, hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 đã được Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình. Hơn 1.000 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp, các sở GD-ĐT trong cả nước đã tham gia thảo luận qua sáu điểm cầu truyền hình trong cả nước.

Chủ Nhật, 18/01/2009, 10:23 (GMT+7)
 

Hội nghị thi và tuyển sinh 2009: Còn nhiều băn khoăn...

TT - HÀ NỘI - Sáng 17-1, hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 đã được Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình. Hơn 1.000 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp, các sở GD-ĐT trong cả nước đã tham gia thảo luận qua sáu điểm cầu truyền hình trong cả nước.

Phương án dự thảo kỳ thi do Bộ GD-ĐT đưa ra vẫn khiến không ít đại diện các trường, các địa phương băn khoăn...

Đòi tăng lệ phí tuyển sinh

PGS-TS Nguyễn Khắc Sinh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - cho rằng mức lệ phí thi tuyển sinh như hiện nay là chưa phù hợp. Thêm nữa, việc nộp tách riêng lệ phí đăng ký dự thi cùng với hồ sơ đăng ký dự thi, đến ngày thi mới nộp lệ phí dự thi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ảo” và khiến các trường luôn phải bù đắp kinh phí để tổ chức thi.

Vì vậy, ông Sinh đề nghị từ kỳ thi năm 2009, bộ cho thu gộp cả lệ phí đăng ký và lệ phí thi cùng lúc khi thí sinh nộp hồ sơ. Đồng thời cho phép tăng lệ phí thi đối với các môn năng khiếu do khối năng khiếu ít thí sinh dự thi, trong khi thời gian thi dài, chi phí tốn kém hơn… Cũng cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hợi - hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho rằng nên nộp cùng lúc lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi.

“Vì có rất nhiều thí sinh nộp nhiều hồ sơ, chưa có năm nào tỉ lệ các trường vượt quá 70% thí sinh dự thi, thông thường chỉ 54-67%. Thậm chí có những phòng thi chỉ có hai, ba thí sinh nhưng vẫn phải có hai cán bộ coi thi trong phòng và một cán bộ hành lang. Lượng thí sinh “ảo” từ 30-40% khiến các trường không chịu nổi” - ông Hợi nói. Ông Hợi cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép thu lệ phí ở các trường dùng kết quả nơi thi để xét tuyển.

Hội nghị tuyển sinh năm 2009 (cầu truyền hình khu vực TP.HCM) -Ảnh: NHƯ HÙNG

Từ đầu cầu Đà Nẵng, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn - giám đốc ĐH Huế - cũng ủng hộ việc tăng lệ phí tuyển sinh. Theo ông, lệ phí dự thi là 20.000 đồng, còn lệ phí đăng ký dự thi là 40.000 đồng, không đủ chi phí mà các trường đã bỏ ra để tổ chức thi. Dường như đại diện các trường ĐH có ý kiến đề nghị tăng lệ phí tuyển sinh đều có chung lý do coi đây là biện pháp hạn chế thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhằm giảm lượng hồ sơ “ảo” và đảm bảo đủ chi phí tổ chức thi cho các trường.

Những điều cần biết... sẽ có sớm hơn

Mặc dù có những ý kiến phàn nàn, phản đối từ một vài trường nhưng bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khẳng định chủ trương của Bộ GD-ĐT: Trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, bộ sẽ yêu cầu các trường ngoài công lập phải thông báo rõ mức học phí dự kiến thu hằng tháng, một năm học hoặc toàn khóa học.

Theo bà Hà, quy định phải công bố công khai học phí của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh có đủ thông tin cần thiết, chủ động trong việc chọn lựa trường đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển phù hợp với điều kiện kinh tế và nguyện vọng của mình.

Cũng liên quan đến cuốn Những điều cần biết..., Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định từ nay bộ sẽ phát hành cuốn tài liệu này sớm khoảng một tháng trước thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Riêng đối với năm 2009 sẽ cố gắng phát hành trước khoảng hai tuần để thí sinh và phụ huynh có thời gian tìm hiểu, chọn trường.

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho rằng hướng như các trường đề nghị là khó và chưa thể áp dụng ngay từ kỳ thi tuyển sinh 2009. Theo ông Long, mức thu lệ phí tuyển sinh sẽ giữ nguyên và vẫn chia làm hai khoản phí đăng ký dự thi và phí dự thi. Về phía các trường, bộ sẽ đề nghị cấp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với mức cao hơn năm 2008 (năm 2008, các trường được hỗ trợ với mức 10.000 đồng/thí sinh).

Băn khoăn thi theo cụm và chấm chéo

Việc tổ chức thi theo cụm (ba trường THPT hoặc trung tâm GDTX) và chấm chéo bài thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 là những vấn đề được bàn đến nhiều nhất tại hội nghị này.

Theo ông Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cùng với vai trò của thanh tra ủy quyền, việc thi cụm và chấm chéo là những giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi. Đa số ý kiến nhất trí với phương án này nhưng đề nghị cần áp dụng linh hoạt đối với những địa phương có đông thí sinh và vùng có địa bàn phức tạp.

Ông Trần Văn Điền, phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, cho biết: “Thái Bình có 24.000 HS dự thi tốt nghiệp, quy mô HS mỗi trường khoảng 600-700. Khoảng cách giữa các trường lại xa, có những trường cách nhau 10-20km. Vì vậy thi cụm, các hội đồng thi sẽ khó khăn trong việc bao quát tình hình. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cụm thi cũng không đơn giản với một số lượng thí sinh rất lớn (1.800-2.100 thí sinh/cụm). Thí sinh thi theo cụm sẽ có thể phải đi xa, phiền phức.

Ông Phạm Đăng Quang, phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, băn khoăn về việc tổ chức theo cụm thí sinh vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn. Theo ông Quang, có những huyện ở Sơn La các năm trước phải chia HS một trường THPT làm hai hội đồng thi để thuận lợi cho người đi thi. Với quy định mới, thí sinh sẽ phải tốn tiền ăn nghỉ để đến điểm thi trước, chưa kể mùa mưa lũ không thể đến được điểm thi. Do đó, các giám đốc sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT cần có phương án cho phép áp dụng linh hoạt với một số trường hợp.

Nhất trí với việc chấm chéo bài thi nhưng những băn khoăn cho việc thực thi thế nào cũng còn bề bộn. Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Tháp lo ngại việc chấm chéo sẽ khó khăn trong việc kiểm soát. Ví dụ việc di chuyển bài thi sẽ tăng lên, có nơi phải di chuyển trên quãng đường xa, nếu không bảo vệ tốt sẽ xảy ra cướp, tráo bài thi. Cũng xung quanh việc chấm chéo, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ việc bài thi, kết quả thi được lưu giữ ở nơi chấm thi hay bài của tỉnh nào chuyển về sở GD-ĐT tỉnh đó. Việc này liên quan đến trách nhiệm xử lý đơn đề nghị chấm phúc khảo của thí sinh. Có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT khi quyết định các tỉnh, thành phố chấm chéo cần sắp xếp các địa phương gần nhau vào một cặp, ngoài ra cân nhắc đến sự tương đương về trình độ của giám khảo.

Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn sớm về những việc trên để các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức thi, trong đó lưu ý đến những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

THANH HÀ - TRỊNH VĨNH HÀ

Số lần xem trang: 2116
Điều chỉnh lần cuối: 18-01-2009

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một một chín năm chín

Xem trả lời của bạn !