/data/file/BN/BN.png

“Tôi luôn luôn đặt câu hỏi tại sao với bản thân mình chứ không đặt câu hỏi: Sao mình chỉ được đãi ngộ mức này, còn người kia được đãi ngộ cao hơn?” - PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Mong muốn thay đổi những quan niệm, tư duy cũ kỹ để đổi mới trong việc sử dụng trí thức trẻ theo Nghị quyết Trung ương VII... là điều Pháp Luật TP.HCM muốn đặt ra để đồng hành cùng giới trẻ. Và khó có gì có thể thay đổi được nếu nhà nước và giới trí thức trẻ mỗi bên đều cố trì níu những định kiến...

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ - là một câu hỏi rất khó trả lời một cách toàn diện vì phải có đầy đủ thông tin, số liệu khảo sát mới kết luận được. Nhưng tôi cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, vào thời điểm này trí thức trẻ rất được coi trọng. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, họ đã được quan tâm và tạo điều kiện làm việc” - Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh (ảnh) đã mở đầu buổi trò chuyện như vậy.

Đừng nhìn theo vị trí, ghế ngồi

. Thưa, anh cho rằng trí thức trẻ hiện nay đã được đánh giá đúng vai trò, sử dụng đúng năng lực?

+ Theo tôi, sự quan tâm của Đảng và nhà nước với trí thức trẻ được thể hiện rất rõ. Nghị quyết về trí thức và thanh niên tại Hội nghị lần thứ 7, Đại hội Đảng khóa X là bằng chứng thể hiện sự quan tâm và quyết tâm cao của Đảng, nhà nước với vấn đề chắp cánh cho trí thức trẻ.

Có thể khi so sánh với các nước phát triển hơn thì chế độ đãi ngộ, cơ chế sử dụng người của ta còn thua kém. Nhưng so với quá khứ, khoảng chục năm trước thì điều kiện làm việc hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Tôi muốn các bạn trí thức trẻ hiểu rằng đất nước là đất nước của mình và thực tế, mặc dù có chỗ này chỗ khác chưa đạt như mong muốn nhưng cả xã hội đang phát triển theo hướng tốt hơn.

. Nhiều người trẻ bày tỏ băn khoăn về những rào cản trong cơ chế tuyển dụng, bố trí cán bộ. Vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước đề cao thâm niên hơn năng lực, tuyển dụng dựa vào các mối quen biết... Anh nghĩ gì?

+ Thực tế khi tôi còn làm việc ở khoa Hóa, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), tôi đã làm phó chủ nhiệm bộ môn khi ngoài 30 tuổi, phó chủ nhiệm khoa khi 35 tuổi. Sự chuyển giao thế hệ ở các cơ quan nhà nước hiện nay là rất rõ. Người trẻ xuất hiện nhiều ở trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Thật ra vẫn có những cơ quan công quyền còn ít người trẻ nhưng đó là do những đòi hỏi đặc thù: cần phải có năng lực, đồng thời phải có kinh nghiệm, bản lĩnh mới đảm nhiệm công việc ở đây được. Nếu bạn có năng lực nhưng kinh nghiệm ít, bản lĩnh yếu thì dễ mắc sai lầm. Những vị trí cần độ an toàn cao thì thường sử dụng những người có kinh nghiệm, mà người có kinh nghiệm lại là những người có tuổi.

Theo tôi, nên đặt vấn đề theo tư duy nhiệm vụ chứ không nên nhìn theo vị trí, ghế ngồi. Vấn đề là người trẻ đã được giao nhiệm vụ đúng sở trường mình chưa.

Luôn đòi hỏi bản thân

. Có ý kiến cho rằng trí thức trẻ cần tự hoàn thiện mình, tự đòi hỏi cao ở mình hơn là ngồi chờ sự thay đổi của cơ chế. Theo anh, họ cần tự hoàn thiện như thế nào?

+ Tôi cũng là một người trẻ tuổi và có thể đồng cảm với những băn khoăn của trí thức trẻ. Tôi cho rằng muốn góp sức mình xây dựng đất nước, đóng góp cho gia đình và phát triển bản thân thì mình phải có lý tưởng. Nói thì có thể hơi xa vời nhưng thực chất đó chính là động lực, tầm nhìn, hướng đi cho mình.

Quan trọng nhất là sự tự tin và chủ động. Nếu bạn muốn làm công việc gì đó thì phải tự tìm đến nó, xem trong công việc cụ thể đó mình có những gì để đáp ứng, mình còn thiếu gì. Nếu thiếu thì phải bổ sung, đồng thời cũng phải biết thể hiện những gì mình có với người tuyển dụng. Cứ cho là công việc đầu tiên không thành công thì có thể chủ động sang vị trí khác phù hợp hơn, chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn. Cơ chế xã hội hiện nay cho phép như thế.

. Nhiều trường hợp trí thức trẻ cho rằng mình phải làm việc không công trong các dự án khoa học. Anh có nhận thấy thực tế này?

+ Điều chủ yếu là ta hãy dùng năng lực của mình để giải quyết vấn đề. Hãy tự hỏi tại sao mình không được đứng tên dự án. Vì người ta chưa biết đến tên tuổi anh? Vì anh chưa đi dự hội thảo, không có những ý kiến tham luận thật xác đáng? Vì anh chưa viết những bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí tên tuổi? Tôi luôn luôn đặt câu hỏi tại sao với bản thân mình chứ không đặt câu hỏi: Sao mình chỉ được đãi ngộ mức này, còn người kia được đãi ngộ cao hơn...

. Nếu như trong quá trình tự vận động, tìm hướng đi, lựa chọn của người trẻ không phải là cơ quan nhà nước mà là một công ty liên doanh hoặc làm việc ở nước ngoài thì anh cho rằng lựa chọn đó có được coi là “góp sức xây dựng cho quê hương” không?

+ Muốn cống hiến cho đất nước thì có nhiều cách. Đất nước ta có nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh cũng tạo ra công ăn việc làm, lợi nhuận của họ đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Vì vậy, với lòng yêu nước thì làm bất cứ công việc gì hãy cố gắng làm thật tốt.

. Các tổ chức Đoàn đồng hành như thế nào với trí thức trẻ, có những hoạt động đặc thù nào để hỗ trợ cho thanh niên trí thức?

+ Đoàn luôn cố gắng là người bạn của thanh niên, đồng hành cùng thanh niên, hỗ trợ họ phát triển cả về trình độ, kỹ năng. Đối với trí thức trẻ thì về chuyên môn, mình chỉ cần khuyến khích họ tự trang bị. Còn kỹ năng, chúng tôi tạo cơ hội cho họ tham gia các hoạt động tập thể. Chỉ cần tổ chức một hoạt động tập thể là bạn đã rèn được kỹ năng tổ chức, lên kế hoạch, tính toán con người, nguồn lực. Còn vô số kỹ năng khác sẽ được hình thành trong những hoạt động tập thể.

Chúng tôi muốn cùng với các bạn trẻ suy nghĩ, tư duy theo hướng thật lạc quan. Không phải là kiểu “lạc quan để đấy” mà lạc quan để tìm ra giải pháp. Từng cá nhân phải vận động vượt qua khó khăn của bản thân, của bối cảnh để vươn làm chủ vị trí của mình, làm tốt công việc của mình. Trong quá trình vận động đó thì mình cũng tự điều tiết để tìm một chỗ đứng phù hợp. Về phía người sử dụng, cần phải có sự đổi mới để cách tuyển dụng, bố trí cán bộ hợp lý hơn. Qua một số trường hợp cụ thể có thể thấy trong chính sách tuyển dụng, sử dụng trí thức thì còn có những khiếm khuyết. Từ những trường hợp cụ thể đó chúng ta có thể mổ xẻ để nhìn ra vấn đề, phản biện những chính sách, cơ chế hiện nay.

. Xin cảm ơn anh.

Bài liên quan

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ? - Bài 1: Dùng người tréo ngoe

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ? - Bài 2: Không thể mãi ngủ yên trong “nếp cũ”!

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ? - Bài 3: Đề án trọng dụng nhân tài bị vướng cơ chế

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ? - Bài 4: Hành động để thay đổi cơ chế!

Ai chắp cánh cho trí thức trẻ? - Bài 5: Trách nhiệm thuộc cả hai phía

Số lần xem trang: 2122
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn sáu bảy chín tám

Xem trả lời của bạn !