/data/file/BN/BN.png

(SGGP-12G).Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã trình UBND TP về kế hoạch tăng giá vé xe buýt, nếu được chấp thuận thì kể từ ngày 1-3-2009, vé xe buýt sẽ tăng thêm 1.000đ/lượt/khách. Trước vấn đề này, đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Theo Sở GTVT, lý do tăng giá là để chia sẻ gánh nặng trợ giá xe buýt hằng năm của nguồn ngân sách thành phố; do sự biến động của giá xăng dầu làm chi phí vận chuyển tăng và tăng giá vé còn để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách…

Cụ thể, theo Sở GTVT, nếu giá vé xe buýt tăng thêm 1.000đ/lượt so với hiện nay sẽ giảm tiền trợ giá cho UBND TP khoảng 120 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách thấu đáo thì những lý do này chỉ đúng một phần.

Bởi lẽ, nếu so sánh tiền trợ giá xe buýt của năm 2009 so với các năm trước thì sẽ thấy rằng đang có chiều hướng giảm. Nếu xét về giá xăng dầu, trước đây khi dầu diesel 15.950đ/lít thì vé xe buýt có giá 3.000đ/tuyến (dưới 31km) và 4.000đ/tuyến (trên 31km). Nhưng ở thời điểm này, giá dầu diesel còn 10.500đ/lít, giá vé xe buýt không giảm mà lại đề nghị tăng là không hợp lý.

Vẫn còn nhiều tình trạng trùng tuyến xe buýt. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Riêng lý do tăng giá vé để nhằm nâng cao chất lượng phục vụ càng không mấy thuyết phục. Bởi thực tế cho thấy, trong những năm qua, Sở GTVT và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt nhưng chất lượng phục vụ có được nâng cao? Thực tế, hành khách vẫn thường xuyên phàn nàn về thái độ, cung cách phục vụ của một số tài xế, nhân viên.

 Anh Nguyễn Thành Đạt, ngụ ở quận 3, cho biết: “Với chất lượng phục vụ và tình hình an ninh trật tự trên xe buýt hiện nay thì không thể nói là lấy chuyện tăng giá vé để nâng cao chất lượng được”. Cùng quan điểm này, nhiều hành khách đi xe buýt cũng tỏ ý lo ngại: Liệu việc tăng giá vé có đồng hành với việc tăng chất lượng phục vụ không?

Đâu chỉ có mỗi cách tăng giá!

Hành khách mệt mỏi và mong chờ cải tiến để mọi người cùng “buýt” (ảnh chụp tại bến xe buýt Bến Thành lúc 10g30 sáng nay, 28-2). Ảnh: ĐÌNH LÝ

Được biết, thời điểm cuối năm 2008, UBND TP đề ra chủ trương khuyến khích người dân, cán bộ, công nhân viên… sử dụng phương tiện xe buýt nhằm giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe hiện nay trên các tuyến đường.

Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP thì hiện nay xe buýt chỉ mới đáp ứng 6,1% nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng: Chính quyền thành phố muốn tăng tỷ lệ người dân “cùng buýt” ở mức 8% (vào năm 2010) và 15% (vào năm 2015) thì không nên tăng giá vé.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, cho biết: “Theo tôi, việc đề xuất tăng giá vé vào thời điểm này là không hợp lý. Bởi lẽ, đối tượng đi xe buýt chủ yếu hiện nay trên địa bàn TP là công nhân, sinh viên…, những người có thu nhập thấp. Giá xe buýt tăng chắc chắn sẽ có không ít người chuyển sang dùng các phương tiện khác, sẽ mâu thuẫn với chủ trương vận động người dân đi xe buýt mà UBND TP đề ra vào cuối năm 2008”.

Theo ông Đằng, có nhiều cách để thành phố áp dụng mà không cần phải tính đến chuyện tăng giá vé như: Xem xét đề án cho phép quảng cáo trên xe buýt, vấn đề bố trí lại luồng tuyến… Ông lý giải: “Với thực trạng phổ biến hiện nay là trên một số tuyến đường có nhiều xe chỉ chở một hai hành khách nhưng vẫn cứ hoạt động thường xuyên. Tôi cho đây là một điều quá lãng phí. Giá như thành phố tính toán bố trí luồng tuyến hợp lý thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguồn tiền trợ giá hằng năm trong hoạt động xe buýt. Vả chăng, đây là một việc làm không quá khó”.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trong đề án quảng cáo trên xe buýt mà Sở GTVT trình UBND TP ngày 20-8-2008 có nêu rõ: Với khoảng 2.369 xe, tổng cộng mỗi năm nguồn thu quảng cáo sẽ là 104 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí còn hơn 67 tỷ đồng, nếu chia theo tỷ lệ 50%, Nhà nước và doanh nghiệp quản lý xe buýt (xã viên HTX) thu được mỗi năm gần 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề án này hiện vẫn chưa được UBND TP xem xét thông qua.

Theo văn bản của Sở GTVT trình UBND TPHCM, cụ thể giá vé sẽ được điều chỉnh như sau: Đối với vé lượt, các tuyến có cự ly dưới 31km giá vé tăng từ 3.000 lên 4.000đ/lượt/khách; đối với tuyến cự ly từ 31km trở lên, hành khách đi lại dưới 1/2 cự ly tuyến tăng từ 3.000 lên 4.000đ/lượt/khách, từ 1/2 cự ly tuyến trở lên tăng từ 4.000 lên 5.000đ/lượt/khách.

Riêng các tuyến xe buýt nhanh tăng từ 5.000 lên 6.000đ/lượt/khách. Đối với vé tập (sử dụng trong 1 năm, giá tương đương 75% vé lượt), sau khi điều chỉnh có 3 mức: 90.000đ/tập, 114.000đ/tập và 135.000đ/tập. Với vé tháng, sở đề nghị sắp tới chỉ phát hành một loại với mức giá như sau: 120.000đ/tập (cho khách phổ thông), 85.000đ/tập (cho học sinh, sinh viên).

Đình Lý

Số lần xem trang: 2130
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu bảy ba bốn một

Xem trả lời của bạn !